Tăng cường xây dựng thể chế, thi hành pháp luật và kiểm soát TTHC nhằm nâng cao hiệu quả CCHC

05/04/2018 15:49 Số lượt xem: 286

Trong những năm qua, thực hiện Chương trình tổng thể CCHC nhà nước, tỉnh Bắc Ninh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng về CCHC trên các lĩnh vực, thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội, xây dựng tỉnh Bắc Ninh sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Đây là mục tiêu trọng tâm thể hiện quyết tâm cao, sự nỗ lực không ngừng của lãnh đạo tỉnh và cả hệ thống chính trị. Cùng với những kết quả đã đạt được của các cấp, ngành trong công tác CCHC năm 2017, ngành Tư pháp đã có những đóng góp tích cực về công tác xây dựng thể chế, thi hành pháp luật và kiểm soát thủ tục hành chính (TTHC), qua đó góp phần nâng cao hiệu quả CCHC.

Về xây dựng thể chế

Tham mưu cho UBND tỉnh tiếp tục triển khai thi hành có hiệu quả Luật Ban hành văn bản quy hạm pháp luật năm 2015, Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 1362/TTg-PL ngày 08/9/2017 về nâng cao chất lượng xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Các sở, ngành và cơ quan có liên quan đã phối hợp chặt chẽ hơn trong công tác xây dựng văn bản QPPL, chất lượng văn bản được nâng cao, có tác động tích cực đến sự ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; không có văn bản bị Bộ Tư pháp “tuýt còi” như một số năm trước.

Tính từ ngày 01/01/2017 đến ngày 31/12/2017, các sở, ngành đã tham mưu trình UBND, HĐND  tỉnh đã ban hành 64 văn bản QPPL (39 Quyết định, 25 Nghị quyết). Trong đó có nhiều quy định, chính sách được hoàn thiện hoặc ban hành mới về phát triển kinh tế, giáo dục, an sinh xã hội, các biện pháp thực hiện chức năng quản lý nhà nước như: mở rộng đối tượng và nâng mức cho vay từ nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng chính sách để cho vay đối với người  nghèo và các đối tượng chính sách; Quy định một số chế độ chính sách đối với trường THPT Chuyên Bắc Ninh và 08 trường THCS trọng điểm; Hỗ trợ thực hiện Chương trình “Sữa học đường” trong các cơ sở giáo dục mầm non và các trường tiểu học trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017- 2020; Hỗ trợ kinh phí tham gia Bảo hiểm y tế đối với người từ đủ 65 tuổi đến dưới 70 tuổi; hỗ trợ khởi nghiệp; Quy định về quản lý việc đi nước ngoài đối với cán bộ, công chức, viên chức; Quy định trách nhiệm người đứng đầu trong công tác bảo vệ môi trường; Quy chế phối hợp quản lý nhà nước trong tuyển dụng và quản lý lao động là người nước ngoài làm việc trên địa bàn tỉnh; Quy định trình tự thực hiện các dự án đầu tư ngoài khu công nghiệp; Quy định cơ chế phối hợp và thời gian thực hiện thủ tục đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; Quy định tiêu chuẩn và quy trình đánh giá các Sở, Ban, ngành trực thuộc UBND tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố; UBND các xã, phường, thị trấn trong sạch vững mạnh…

Công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL cũng được quan tâm thực hiện thường xuyên, hiệu quả, góp phần hoàn thiện thể chế, khắc phục tính thụ động trong việc chuẩn bị, soạn thảo, thẩm định, thẩm tra các văn bản QPPL; phát huy dân chủ, đề cao trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị trong quá trình cải cách thể chế.

Có thể khẳng định, thông qua việc từng bước đổi mơi, nâng cao chất lượng công tác xây dựng văn bản QPPL trong thời gian vừa qua đã thể chế hóa các mục tiêu, chỉ tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, Nghị quyết của HĐND về phát triển kinh tế- xã hội và sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh. Sự phát triển toàn diện và bền vững phụ thuộc rất nhiều vào thể chế tốt và không ngừng được cải cách.

Về công tác thi hành pháp luật

Là cơ quan thường trực của Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh, Sở Tư pháp đã tham mưu tích cực cho Hội đồng chỉ đạo, triển khai thi hành kịp thời các luật mới được Quốc hội ban hành bằng nhiều hình thức khác nhau đến đông đảo cán bộ, công chức và nhân dân trên địa bàn tỉnh. Đồng thời cùng các cấp, ngành thường xuyên theo dõi, đôn đốc việc tổ chức thi hành các văn bản pháp luật mới có hiệu lực trên địa bàn tỉnh được kịp thời, hiệu quả.

Bên cạnh đó, Sở Tư pháp còn tăng cường công tác theo dõi thi hành pháp luật, trọng tâm về hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, xử lý vi phạm hành chính về thuế; rà soát, cho ý kiến về các dự án được UBND tỉnh giao về lĩnh vực đầu tư, xây dựng, đất đai, môi trường, điều kiện kinh doanh. Qua đó giúp các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp hoàn thiện hồ sơ, trình tự, thủ tục để triển triển khai thực hiện các dự án được nhanh chóng, thuận lợi.

Về công tác kiểm soát thủ tục hành chính

Cải cách TTHC là nhiệm vụ quan trọng trong CCHC bắt đầu từ kiểm soát ban hành mới các TTHC nhằm phục vụ tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp; công bố, công khai các TTHC mới hoặc sửa đổi, bổ sung để mọi người biết, thực hiện; rà soát, đơn giản hóa các TTHC, rút ngắn trình tự, thời gian thực hiện; tiếp nhận xử lý, phản ánh kiến nghị của người dân. Kiểm soát TTHC là trách nhiệm của các Sở, ngành tỉnh và UBND cấp huyện, cấp xã. Hàng năm Sở Tư pháp đều tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các Sở, ban, ngành tỉnh và địa phương tăng cường các hoạt động kiểm soát TTHC, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu.

Ngoài việc thực hiện chuẩn hóa TTHC, Sở đã tăng cường theo dõi, đôn đốc các cơ quan thực hiện công bố kịp thời các TTHC mới được ban hành; rà soát, đơn giản hóa TTHC trọng tâm; kiểm tra công tác kiểm soát TTHC; tiếp nhận và xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân và doanh nghiệp.

Năm 2017, tỉnh Bắc Ninh được thí điểm thành lập Trung tâm hành chính công trực thuộc UBND tỉnh, Trung tâm hành chính công cấp huyện. Ngay khi thành lập, Sở Tư pháp đã kịp thời tham mưu công bố các TTHC để đưa ra thực hiện tại các Trung tâm hành chính công. Tổng số TTHC đã công bố là 1706, trong đó TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp tỉnh là 1382, cấp huyện 237 TTHC, cấp xã 87 TTHC. Đồng thời công bố danh mục các TTHC được tiếp nhận và trả kết quả qua dịch vụ bưu chính công ích 1706 TTHC (việc công bố thực hiện theo Quyết định số 45/2016/QĐ-TTg ngày 19/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ). Năm 2017 đã công bố mới 91 TTHC; sửa đổi, bổ sung 550 TTHC; hủy bỏ, bãi bỏ 38 TTHC trong tổng số 1706 TTHC trên địa bàn tỉnh. Công bố các TTHC liên thông giữa các cơ quan 133 TTHC thuộc 10 Sở, ban, ngành tỉnh, theo đó đã phân định cụ thể số ngày giải quyết, trách nhiệm giải quyết của cơ quan chủ trì, cơ quan có liên quan và Trung tâm hành chính công. Các TTHC sau khi công bố được công khai cập nhật kịp thời lên Cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC và đăng tải lên Cổng thông tin điện tử của tỉnh, trang thông tin điện tử các Sở, ban, ngành tỉnh và các địa phương, niêm yết tại nơi tiếp nhận và trả kết quả, nội dung công khai thực hiện theo nguyên tắc đầy đủ, thường xuyên, rõ ràng, đúng địa chỉ, dễ tiếp cận, dễ khai thác sử dụng.

Các Sở, ngành đã tích cực rà soát, đơn giản hóa thành phần hồ sơ, rút ngắn thời gian thực hiện TTHC ở tất cả các lĩnh vực như: Đăng ký kinh doanh, đăng ký đất đai, lý lịch tư pháp… Trong năm 2017 chỉ cắt giảm thành phần hồ sơ và thời gian thực hiện TTHC trong lĩnh vực tổ chức nội vụ (06 TTHC cắt giảm thành phần hồ sơ và 01 TTHC cắt giảm thời gian thực hiện và thành phần hồ sơ, cắt giảm 09 loại giấy tờ, thời gian rút ngắn từ 15 ngày xuống còn 10 ngày). UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Tư pháp tích cực kiểm tra, giám sát thực hiện TTHC trực tiếp và thông qua hệ thống điện tử kết nối từ tỉnh đến cơ sở và thiết lập các hình thức tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức; sử dụng hòm thư góp ý và công khai số điện thoại đường dây nóng để kịp thời hướng dẫn việc thực hiện TTHC, giải đáp những vướng mắc của người dân, doanh nghiệp. Qua đó góp phần thực hiện tốt việc kiểm soát TTHC, cải cách TTHC, xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, hiệu quả mang lại lợi ích trực tiếp cho cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, tạo môi trường thông thoáng, thân thiện, thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được vẫn còn những khó khăn, hạn chế nhất định:

Thứ nhất, xây dựng thể chế, chính sách, pháp luật là những nhiệm vụ khó khăn, phức tạp, cần có chuyên môn sâu và sự chuyên nghiệp trong khi đội ngũ cán bộ, công chức trực tiếp làm công tác xây dựng văn bản QPPL hiện này còn thiếu, chưa có nhiều kỹ năng, kinh nghiệm thực tiễn. Thời gian vừa qua có một số chính sách, văn bản QPPL do các sở, ngành tham mưu ban hành chưa đảm bảo về quy trình, trình tự, thủ tục theo quy định như: chưa thực hiện tốt việc lập đề nghị xây dựng văn bản; đánh giá tác động của chính sách; tổ chức lấy ý kiến của đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản, chính sách; không qua cơ quan tư pháp thẩm định, không đảm bảo thời gian lấy ý kiến góp ý, thẩm định; văn bản còn sai sót về thể thức, kỹ thuật trình bày… nên ảnh hưởng đến tính khả thi, chất lượng của văn bản, chính sách khó đi vào cuộc sống.

Thứ hai, một số văn bản luật, nghị định tuy đã có hiệu lực nhưng do các bộ, ngành ở Trung ương chậm hướng dẫn, triển khai nên việc tổ chức thi hành pháp luật ở địa phương, cơ sở còn thụ động, chưa đồng bộ; việc thực hiện một số văn bản pháp luật thiếu sự tham gia, phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, tổ chức có liên quan nên kết quả còn hạn chế.

Thứ ba, việc giải quyết TTHC vẫn còn tình trạng giải quyết hồ sơ quá hạn; việc phối hợp giải quyết một số TTHC liên thông của một số Sở, ban, ngành và UBND các cấp ở một số lĩnh vực chưa tốt; quy định về thành phần hồ sơ trong nhiều thủ tục vẫn còn rườm rà. Một số TTHC do các Bộ, ngành Trung ương công bố chậm, chưa kịp thời chuẩn hóa để tỉnh Bắc Ninh công bố kịp thời phục vụ người dân và doanh nghiệp. Hoạt động theo dõi, kiểm tra, kiểm soát việc giải quyết các TTHC thuộc phạm vi lĩnh vực quản lý của một số sở, ngành tỉnh và ở cấp huyện, cấp xã còn chưa thường xuyên, nhiều cán bộ đầu mối làm công tác kiểm soát TTHC vừa được đào tạo đã bị luân chuyển công tác, trình độ cán bộ không đồng đều.

Nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng cải cách thể chế, thi hành pháp luật và kiểm soát TTHC góp phần thực hiện tốt các mục tiêu CCHC cần quan tâm thực hiện một số giải pháp như sau:

Một là, việc xây dựng và hoàn thiện thể chế phải xuất phát từ yêu cầu thể chế hóa chủ trương, đường lối lãnh đạo Đảng, Hiến pháp, pháp luật và thực tiễn quản lý. Các cơ quan, đơn vị cần chủ động tham mưu, đề xuất kịp thời với cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản QPPL thuộc lĩnh vực ngành, địa phương quản lý. Nâng cao chất lượng công tác soạn thảo, lấy ý kiến góp ý, thẩm định, thẩm tra đối với các dự thảo văn bản QPPL, đảm bảo đúng trình tự, thủ tục theo quy định của Luật Ban hành văn bản QPPL năm 2015, Nghị định số 34/2016/NĐ-CP, sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh.

Hai là, thường xuyên cập nhật, công bố, công khai kịp thời, minh bạch TTHC đúng quy định để người dân và doanh nghiệp tiếp cận thuận lợi hơn với các TTHC, hạn chế việc đi lại, chi phí. Tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan từ tỉnh đến cơ sở trong công tác kiểm soát TTHC; tiếp nhận, xử lý kịp thời các phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về các quy định hành chính, giải quyết TTHC của cán bộ, công chức sẽ giám sát việc thực thi TTHC của đội ngũ cán bộ, công chức, góp phần nâng cao hiệu quả CCHC.

Ba là, cần có cơ chế chính sách thích hợp thu hút, xây dựng đội ngũ công chức, chuyên gia có kinh nghiệm, chuyên môn sâu, am hiểu nhiều lĩnh vực tham gia công tác xây dựng thể chế, CCHC nói chung và hoạt động kiểm soát TTHC nói riêng tại các Sở, ngành, địa phương.

Trong thời gian tới, với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, lãnh đạo các cấp và triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, công tác CCHC của tỉnh tiếp tục sẽ đạt được nhiều kết quả thiết thực, quan trọng hơn nữa góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội, xây dựng tỉnh Bắc Ninh trở thành thành phố trực truộc Trung ương giàu đẹp, văn minh, hiện đại như mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đề ra./. 

Nguyễn Đình Định