Cải cách hành chính tại Việt Nam

05/10/2016 11:08 Số lượt xem: 685

1. Khái quát tình hình cải cách tại Việt Nam

Từ năm 1986, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, công cuộc đổi mới toàn diện đất nước đã thu được nhiều kết quả đáng khích lệ, đời sống người dân trên mọi miền đất nước từng bước được nâng cao, an sinh xã hội từng bước được bảo đảm. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được vẫn tồn tại rất nhiều thách thức mà nước ta cần phải đối phó trong giai đoạn tiếp theo của công cuộc đổi mới, trong đó nhiều vấn đề kinh tế - xã hội đã tồn tại từ rất lâu, ngoài ra là hàng loạt vấn đề mới phát sinh từ quá trình mở cửa nền kinh tế và chuyển dần từ kinh tế tập trung sang kinh tế thị trường cần phải được giải quyết một cách tích cực và có hiệu quả. Đồng thời, việc môi trường đầu tư tại một số nước láng giềng trong khu vực đang thay đổi dẫn đến sự quan tâm của cộng đồng doanh nhân thế giới đến Việt Nam tăng cao, nhất là sau khi Việt Nam trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) khiến cho nhu cầu về một nền hành chính công năng động, hiệu quả ngày càng trở nên cấp thiết.

Thực hiện đường lối đổi mới toàn diện, Đảng đã có nhiều nghị quyết về đổi mới tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân và vì dân với trọng tâm là cải cách nền hành chính nhà nước. CCHC được tiến hành với mục tiêu tổng quát là xây dựng một nền hành chính dân chủ, trong sạch, vững mạnh, chuyên nghiệp, hiện đại, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả theo nguyên tắc của Nhà nước pháp quyền XHCN dưới sự lãnh đạo của Đảng; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu của công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.

Cải cách thủ tục hành chính (TTHC) được Chính phủ xác định là một trong các nhiệm vụ trọng tâm, là khâu đột phá của Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2001-2010, bởi TTHC là điểm giao thoa cụ thể nhất giữa hoạt động của BMNN với mọi mặt đời sống xã hội và là khâu từng gây nhiều bức xúc, mệt mỏi khó giải tỏa cho cả cán bộ, công chức, người dân và doanh nghiệp. Ngày 10/1/2007 tại Quyết định số 30/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án đơn giản hóa TTHC trên các lĩnh vực quản lý nhà nước giai đoạn 2007-2010 (gọi tắt là Đề án 30). Mục tiêu chính của Đề án là bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ, đơn giản, công khai, minh bạch của TTHC; tạo sự thuận lợi cho các cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp trong tiếp cận và thực hiện TTHC, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, từng bước nâng cao tính chuyên nghiệp của BMHC và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội...

Kết quả là tháng 10/2009, Thủ tướng Chính phủ công bố Bộ Cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC tại 4 cấp chính quyền và công khai trên mạng internet toàn cầu, với trên 5.700 TTHC, trên 9.000 văn bản quy định và 100.000 biểu mẫu thống kê TTHC được thực hiện tại 4 cấp chính quyền... Đã có hơn 5.500 TTHC  được rà soát trong 453 thủ tục để kiến nghị bãi bỏ, hủy bỏ, có 3.749 thủ tục được đề nghị sửa đổi và bổ sung, 288 thủ tục được đề nghị thay thế, giảm bớt được 340 loại lệ phí. Ước tính, sau khi cắt giảm 30% chi phí tuân thủ TTHC đã tiết kiệm cho người dân và doanh nghiệp chi phí tương đương 30.000 tỷ đồng/năm... Một trong các điểm nhấn quan trọng, cần được nhắc đến của Đề án 30 là cơ chế một cửa. Cơ chế này đã tăng cường sự liên thông, minh bạch, góp phần nâng cao trách nhiệm, cải thiện tinh thần, thái độ phục vụ người dân và doanh nghiệp của cán bộ công chức nhà nước, giảm bớt phiền hà, tiêu cực.

Ngày 06/1/2011, Cục Kiểm soát TTHC đã chính thức đi vào hoạt động, thực hiện chức năng tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính, kiểm soát TTHC từ khâu dự thảo, ban hành và thực hiện trên thực tế; bảo đảm kiểm soát chặt chẽ các thủ tục hiện hữu cũng như các thủ tục sẽ được sửa đổi, bổ sung, ban hành mới... Cục Kiểm soát TTHC là một đơn vị trực thuộc Văn phòng Chính phủ, nhưng đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ, điều này cho thấy sự quan tâm của lãnh đạo Chính phủ đối với giai đoạn tiếp theo của CCHC. Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng nhận định “Cải cách TTHC phải là cuộc chiến dài hơi, liên tục. Một thủ tục có thể được cắt giảm ở cấp bộ nhưng phát sinh ở cấp sở. Nếu chúng ta bằng lòng với kết quả hiện tại mà không tiếp tục thúc đẩy công việc này, thì thành tựu ba năm vừa qua có thể là vô nghĩa... Cải cách TTHC thực chất là cắt bỏ những quyền lực tạo nên cản trở, nhũng nhiễu, làm cho BMHC không trong sạch. Đây là cuộc đấu tranh vô cùng khó khăn, là công cụ đấu tranh mang tính cách mạng, xét rộng ra thì không chỉ có ý nghĩa kinh tế mà quan trọng hơn là có ý nghĩa chính trị - xã hội...”.

2. Định hướng cải cách hành chính trong giai đoạn tiếp theo (2011-2020)

Tại Thông báo số 87/TB-VPCP ngày 15/04/2011 của Văn phòng Chính phủ thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị trực tuyến tổng kết thực hiện Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2001-2010 và xây dựng Chương trình CCHC nhà nước giai đoạn 2011-2020, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các mục tiêu chung, đó là:

- CCHC nhằm xây dựng thể chế kinh tế thị trường ngày một hoàn thiện, giải phóng lực lượng sản xuất; huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực để phát triển đất nước.

- CCHC phải hướng đến việc xây dựng và hoàn thiện BMHC nhà nước phục vụ nhân dân, trong sạch và vững mạnh, hiện đại, thông suốt từ trung ương đến cơ sở, hiệu lực và hiệu quả.

- Cải cách gắn liền với việc đảm bảo thực hiện trên thực tế quyền dân chủ của nhân dân, bảo vệ quyền con người, gắn quyền con người với quyền và lợi ích của dân tộc, của đất nước.

- Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức “vừa hồng, vừa chuyên”...

Như vậy, trong thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương phải xem CCHC là khâu đột phá, là trọng tâm công tác, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. CCHC phải được tiến hành đồng bộ trong tổng thể đổi mới hệ thống chính trị; phải đáp ứng yêu cầu hoàn thiện nhanh và đồng bộ thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, đáp ứng yêu cầu phát triển, đổi mới và hội nhập quốc tế, bảo đảm tạo thuận lợi nhất cho cá nhân, tổ chức. Nền hành chính được tổ chức thành một hệ thống thống nhất, thông suốt, hiệu lực, hiệu quả; bảo đảm tính minh bạch, công khai, chế độ trách nhiệm rành mạch; CQHC và cán bộ, công chức chịu sự giám sát chặt chẽ của nhân dân, bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân và phục vụ nhân dân.

 Để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ theo định hướng đến năm 2020, việc tiếp tục cải cách nền hành chính nhà nước cần thiết hướng vào thực hiện các mục tiêu tổng quát sau đây:

- Xác lập mô hình tổ chức nền hành chính mới cho phù hợp với yêu cầu xây dựng một nền hành chính phục vụ nhân dân, phục vụ phát triển và hội nhập của đất nước.

- Hoàn thiện thể chế hành chính dân chủ - pháp quyền, có sự tham gia tích cực của người dân vào quá trình quản lý nền hành chính hiệu lực, hiệu quả của đất nước.

- Có chế độ công vụ chuyên nghiệp, đảm bảo triệt để tính trách nhiệm, tính công khai, minh bạch của hoạt động công vụ. Có sức đề kháng cao với tệ quan liêu, tham nhũng.

- Hiện đại hóa từ công sở tới phương thức quản trị hiện đại, đạt trình độ quản lý của nền hành chính khu vực và thế giới. Chính phủ điện tử được thiết lập và vận hành hiệu quả./.

BTV