Cải cách thủ tục hành chính là khâu đột phá của cải cách hành chính
Cải cách thủ tục hành chính là một công việc thuộc nội dung cải cách thể chế hành chính, trong đó cải cách thể chế hành chính là một trong bốn nội dung của Chương trình tổng thể cải cách hành chính. Tuy nhiên, cải cách thủ tục hành chính lại được đặt ra trước cải cách hành chính, được xem như là khâu đột phá của cải cách hành chính, trong tiến trình cải cách hành chính, vấn đề liên quan đến thủ tục hành chính thường xuyên được Chính phủ quan tâm. Thủ tục hành chính hàng ngày liên quan đến công việc nội bộ của một cơ quan, cấp chính quyền, cũng như các tổ chức, cá nhân trong mối quan hệ với Nhà nước. Các quyền, nghĩa vụ của mọi công dân đã được quy định trong Hiến pháp, các bộ luật, cũng như các yêu cầu, nguyện vọng của họ có được thực hiện hay không, thực hiện như thế nào đều phải thông qua thủ tục hành chính do các cơ quan, các cấp chính quyền nhà nước quy định và trực tiếp giải quyết.
Hoạt động quản lý hành chính nhà nước được thể hiện trên hầu khắp các lĩnh vực đời sống xã hội, từ kinh tế, xã hội, văn hoá, y tế, giáo dục, dân tộc, tôn giáo cho đến an ninh - quốc phòng, đối ngoại... Chức năng quản lý nhà nước không chỉ nhằm bảo vệ pháp luật, chế độ chính trị, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, các quyền hợp pháp chính đáng của mọi tổ chức và công dân, mà còn tạo điều kiện, môi trường pháp lý, môi trường xã hội thuận lợi cho các tổ chức và công dân làm ăn, sinh sống. Việc tạo điều kiện, môi trường pháp lý thuận lợi cho các tổ chức và công dân sinh sống, phát triển kinh tế thường được xác định như là một chính sách, trên thực tế, sự thuận lợi hay khó khăn trong làm ăn, sinh sống của người dân cũng như niềm tin của họ đối với Nhà nước như thế nào lại được thẩm định thông qua các quy định thủ tục hành chính và cách thức giải quyết các thủ tục ấy.
Cải cách nền hành chính nhà nước bao gồm cải cách tổ chức bộ máy, cải cách công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức và cải cách tài chính. Đó là những vấn đề có tính nội bộ của nền hành chính nhà nước. Nhưng cải cách thể chế hành chính, trong đó có thủ tục hành chính là một vấn đề không riêng của Nhà nước, mà còn liên quan đến đời sống của các tầng lớp dân cư trong xã hội. Đó chính là nguyên do đòi hỏi Nhà nước phải dành sự quan tâm nhiều hơn đối với việc cải cách thủ tục hành chính, nhằm đáp ứng các yêu cầu phục vụ xã hội và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong điều kiện chuyển đổi cơ chế kinh tế.
Hiện nay, các thủ tục hành chính còn tồn tại một số hiện tượng mang tính khá phổ biến như: rườm ra, trùng chéo, cứng nhắc (hợp pháp nhưng chưa hợp lý, chưa phù hợp thực tế); thủ tục cũ, mới lẫn lộn. Bên cạnh đó, việc ban hành thủ tục hành chính có lúc, có nơi còn tuỳ tiện; giải quyết thủ tục vẫn còn hiện tượng cửa quyền, hạch sách, chậm trễ theo lối "dân cần, quan không vội”. Có thể nói, tính cần thiết của việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính không chỉ nhìn từ khía cạnh kinh tế, tức là tiết kiệm tiền của, là xây dựng môi trường pháp lý để các thành phần kinh tế, các nhà đầu tư yên tâm làm ăn, phát triển; không chỉ nhìn từ khía cạnh xã hội, tức là tạo điều kiện thuận lợi cho người dân thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình đối với Nhà nước. Hơn thế, nó còn xuất phát từ việc sắp xếp, tổ chức bộ máy theo hướng gọn nhẹ, hiện đại; đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức về chuyên môn, nghiệp vụ theo hướng chuyên nghiệp hoá; góp phần bài trừ tệ quan liêu, cửa quyền, làm trong sạch bộ máy nhà nước.
Một số đề xuất nâng cao hiệu quả cải cách thủ tục hành chính
1. Các cơ quan, cấp chính quyền có thẩm quyền ban hành quy định thủ tục hành chính cần làm tốt khâu đánh giá tác động của thủ tục hành chính, có sự tham vấn từ phía các cán bộ, công chức thực thi công vụ, các cán bộ, công chức làm việc ở bộ phận "một cửa” và từ phía đối tượng thực hiện. Nhà nước ban hành thủ tục hành chính không chỉ để quản lý mà còn để thực hiện mục tiêu cao hơn là nâng cao chất lượng phục vụ, dịch vụ xã hội. Vì vậy, sự tham vấn đó là hết sức cần thiết để phát huy tính chủ động, ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức trong hoạt động công vụ cũng như để thực hiện Quy chế dân chủ, phát huy vai trò giám sát, đánh giá của người dân đối với công tác quản lý của Nhà nước. Mặt khác, điều đó còn có tác dụng làm hạn chế việc ban hành quy định thủ tục và cách thức thực hiện thủ tục theo lối tuỳ tiện mà một số cơ quan, cấp chính quyền đã mắc phải.
2. Thủ tục hành chính phải linh hoạt, nhằm đáp ứng kịp thời và tốt nhất nhu cầu của toàn xã hội. Thủ tục hành chính tuy là những quy định hướng dẫn mang tính chất pháp lý, bắt buộc để thực hiện các quyền và nghĩa vụ của cả phía Nhà nước và công dân, nhưng trong đời sống thường có những tình huống nằm ngoài ý chí của Nhà nước cũng như ý muốn của người dân. Chẳng hạn, việc xảy ra các tình huống động đất, cháy nổ, lũ lụt..., dẫn đến các giấy tờ, hồ sơ gốc bị thất lạc, tiêu huỷ; người dân trải qua các tình huống này muốn thực hiện các quyền, nghĩa vụ và các nhu cầu khác của mình thì không thể đáp ứng được các quy định thủ tục hành chính.
Nếu quan niệm thủ tục hành chính là những quy định có tính nguyên tắc, nhất nhất phải thực hiện đúng như vậy, thì trong các tình huống nói trên có thể dẫn đến các hiện tượng người dân chấp nhận thiệt thòi hoặc tiếp tay cho hiện tượng tiêu cực trong giải quyết thủ tục hành chính. Cho nên, cần quan niệm thủ tục hành chính cũng chỉ là phương tiện, cách thức để thực hiện sự quản lý và phục vụ dân được tốt hơn; do vậy, các quy định trong thủ tục hành chính cần phải linh hoạt để cốt sao thực hiện được mục tiêu quản lý và phục vụ xã hội, phục vụ dân được nhiều nhất, tốt nhất. Hiệu quả quản lý nhà nước được đánh giá, ghi nhận là ở việc Nhà nước thể hiện đúng được bản chất của nó và ở mục tiêu đạt được chứ không phải ở hình thức, phương tiện hay cách thức thực hiện mục tiêu.
3. Tiếp tục hoàn thiện và nâng cao chất lượng cơ chế "một cửa", tiến tới xây dựng cơ chế "một cửa liên thông" giữa các sở, ban, ngành có chức năng quản lý nhà nước và các cấp chính quyền trong vấn đề giải quyết thủ tục cấp giấy phép cho các tổ chức và cá nhân thực hiện các dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.
4. Đẩy mạnh công tác rà soát thủ tục hành chính nội bộ, xây dựng quy định về mối quan hệ làm việc nội bộ và phối hợp giữa các cơ quan hữu quan theo các tiêu chí: pháp luật, dân chủ, công bằng, công khai về các quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm, nhằm góp phần xây dựng văn hoá công sở, gữi gìn trật tự, kỷ cương trong hoạt động công vụ. Coi công tác rà soát quy định thủ tục hành chính là nhiệm vụ thường xuyên của các cấp, các ngành. Một thủ tục có thể được cắt giảm ở cấp bộ nhưng phát sinh ở cấp sở, cải cách thủ tục hành chính thực chất là cắt bỏ những quyền lực tạo nên cản trở, nhũng nhiễu, xét rộng ra thì nó không chỉ có ý nghĩa kinh tế mà quan trọng hơn là có ý nghĩa chính trị - xã hội.