Vận dụng các bài học kinh nghiệm quốc tế vào cải cách hành chính tại Việt Nam trong giai đoạn 2011-2020
Ngày nay, cải cách hành chính (CCHC) là vấn đề mang tính toàn cầu. Cả các nước đang phát triển và các nước phát triển đều xem cải cách hành chính như một động lực mạnh mẽ để thúc đẩy tăng trường kinh tế, phát triển dân chủ và các mặt khác của đời sống xã hội. Kinh nghiệm CCHC quốc tế rất phong phú, đa dạng. Trong thời gian tới, chúng ta có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm để vận dụng vào điều kiện cụ thể của Việt Nam, cụ thể là:
Thứ nhất, sự lãnh đạo, chỉ đạo kiên quyết của Đảng cầm quyền. Từ kinh nghiệm CCHC của một số quốc gia nêu trên, ta thấy rằng sở dĩ việc tổ chức, thực hiện CCHC tại các nước này thành công là nhờ sự kiên quyết của Đảng cầm quyền mà đại diện là Tổng thống, Thủ tướng, Chủ tịch nước... tùy theo thể chế chính trị tại mỗi quốc gia. Phải có quyết tâm và sự lãnh đạo quyết liệt từ ngay cấp cao nhất của hệ thống chính trị thì cải cách mới có thể thành công.
Thứ hai, cải cách bắt đầu từ thay đổi nhận thức. Cần tạo được sự đồng thuận, thống nhất trong quan điểm và nhận thức về cải cách của lãnh đạo và đội ngũ cán bộ, công chức trong các cơ quan công quyền và người dân về chủ trương, đường lối cải cách do Đảng cầm quyền lãnh đạo. CCHC làm thay đổi nhận thức về vai trò và chức năng của nhà nước (trong bối cảnh thế giới liên tục biến động và phát triển) từ quản lý sang hỗ trợ và phục vụ. Mục tiêu của cải cách là lấy yêu cầu của người dân, cộng đồng và doanh nghiệp làm cơ sở cho những quyết sách của nhà nước với phương châm phục vụ là công khai, minh bạch và thuận lợi. Nhà nước trong giai đoạn tiếp theo nên tập trung vào 4 loại chức năng cơ bản: điều tiết kinh tế, giám sát thị trường, quản lý xã hội và cung ứng một phần dịch vụ công. Ngoài ra, cùng với việc tinh giản bộ máy, giảm số lượng cán bộ, công chức là nâng cao năng lực chuyên môn, trách nhiệm với công việc, tinh thần thái độ phục vụ người dân và chế độ đãi ngộ tương xứng và minh bạch. Đây là tổng hợp một số các giải pháp từ nhận thức đến quan điểm và những quy tắc, phương thức tổ chức hoạt động nhằm từng bước chuyển đổi vai trò của nhà nước để thích hợp với yêu cầu mới của một xã hội đang phát triển không ngừng và có xu thế hội nhập rất cao.
Thứ ba, cải cách cần được tiến hành một cách kiên trì, lâu dài và đồng bộ, toàn diện trong toàn bộ hệ thống chính trị và hành chính. Chúng ta thấy rất nhiều nước bắt đầu CCHC từ rất lâu (Malaysia từ những năm 60 thế kỷ trước, Singapore cải cách từ đầu những năm 70, Trung Quốc từ năm 1979...) đã tiến hành hàng chục năm và chưa có dấu hiện kết thúc, hay nói cách khác là cải cách một cách liên tục, kéo dài đến nay và sẽ tiếp tục trong thời gian tới. Tại quốc gia có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam về thể chế chính trị là Trung Quốc, cải cách được tiến hành toàn diện tại các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp, trong đó CCHC tại cơ quan hành pháp giữ vai quan trọng.
Thứ tư, xây dựng, đào tạo đội ngũ công chức nhà nước đủ năng lực, có khả năng đáp ứng được các yêu cầu ngày càng cao trong giai đoạn mới. Kinh nghiệm CCHC của các nước trên thế giới cho thấy việc xây dựng được đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước đủ năng lực chuyên môn, tinh thần thái độ, có trách nhiệm trong thực hiện công vụ có vai trò rất quan trong trong thành công của cải cách. Nhu cầu cần đáp ứng của xã hội ngày càng cao và đa dạng, vì vậy đội ngũ cán bộ, công chức cần được thường xuyên đào tạo, nâng cao trình độ, nâng cao năng lực thực hành, kỹ năng giải quyết các vấn đề mới mà thực tiễn luôn đặt ra. Việc đưa ra các quyết sách phù hợp với từng ngành, từng địa phương, với từng hoàn cảnh và điều kiện, trên cơ sở các mục tiêu chung, đòi hỏi cán bộ, công chức phải có năng lực phù hợp và liên tục được tăng cường.
Xây dựng đội ngũ cán bộ công chức phù hợp với yêu cầu phát triển là việc làm lâu dài, bắt đầu tư khâu tuyển dụng cán bộ, công chức cho đến đào tạo, phát triển, đề bạt hay khen thưởng cần hợp lý, rõ ràng, minh bạch. Kinh nghiệm của nhiều quốc gia cho thấy, chế độ đãi ngộ, thưởng phạt hợp lý là một động lực rất lớn giúp cho cán bộ, công chức hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Quan tâm đến chính sách đãi ngộ đối với cán bộ, công chức, trước hết là chế độ lương, thưởng và các điều kiện bảo đảm cho cán bộ công chức toàn tâm và có trách nhiệm với công việc và đồng thời hoàn thiện hệ thống thể chế trong nền công vụ, bảo đảm rõ ràng về thẩm quyền, tính trách nhiệm đối với từng vị trí, chức danh.
Thứ năm, tăng cường đầu tư xây dựng, phát triển cơ sở kỹ thuật hạ tầng phục vụ nền hành chính quốc gia. Trong thời đại internet, cùng với việc khoa học kỹ thuật phát triển như vũ bão là xu thế hội nhập quốc tế thì tăng cường đầu tư xây dựng, phát triển cơ sở kỹ thuật hạ tầng phục vụ nền hành chính cần được coi như một trong các giải pháp quan trọng hàng đầu để nâng cao hiệu quả, hiệu lực của BMHC nhà nước.
Thứ sáu, vận dụng các bài học kinh nghiệm, tăng cường giao lưu hợp tác quốc tế về CCHC. Các quốc gia tiến hành cải cách nền hành chính đều nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về CCHC, mặc dù không có khuôn mẫu hay trình tự nhất định cho CCHC của từng nước, tuy nhiên việc cử các tổ chức, cá nhân đi nghiên cứu học tập CCHC tại các quốc gia đã tiến hành cải cách để về vận dụng vào nước mình là việc làm rất cần thiết. Ngoài ra, có thể nghiên cứu kinh nghiệm của Ai Cập khi đã kêu gọi được nguồn vốn quốc tế (cụ thể là từ Mỹ) phục vụ CCHC và phát triển kinh tế./.