Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác hoà giải trong phòng, chống bạo lực gia đình

08/09/2016 11:21 Số lượt xem: 946

Khi đề cập đến gia đình thì ai cũng có thể nói ngay rằng “gia đình là tế bào của xã hội”, là môi trường quan trọng hình thành - nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người, đồng thời, gia đình cũng là nơi bảo tồn và phát huy truyền thống tốt đẹp, chống lại các tệ nạn xã hội, góp phần ổn định, phát triển kinh tế - xã hội bền vững và tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trách nhiệm quản lý gia đình, thực hiện công tác gia đình và nhiệm vụ phòng, chống bạo lực gia đình là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và của toàn xã hội.

Trong cuộc sống, sinh hoạt hàng ngày, do sự khác biệt về lợi ích kinh tế, nhận thức, lối sống, tính cách… nên khó tránh khỏi những va chạm, xích mích, mâu thuẫn, tranh chấp giữa các thành viên trong gia đình, trong họ tộc hoặc giữa cá nhân với nhau trong cộng đồng dân cư. Những mâu thuẫn, tranh chấp này nếu không giải quyết kịp thời thì từ mâu thuẫn nhỏ sẽ thành mâu thuẫn lớn, từ tranh chấp thuần tuý dân sự có thể trở thành vụ án hình sự, gây mất đoàn kết trong nội bộ nhân dân. Bên cạnh đó, những vụ bạo lực gia đình thường khó phát hiện bởi vì xuất phát từ thực tế quan hệ trong gia đình mang tính khép kín, với các thành viên gia đình cũng như những người xung quanh và từ văn hóa của người Việt Nam như “đóng cửa bảo nhau”, “chín bỏ làm mười” và tâm lý cam chịu của người phụ nữ trong gia đình Việt Nam.

Nếu phát hiện những mâu thuẫn, tranh chấp này có thể giải quyết bằng nhiều cách (các bên tự thỏa thuận, giải quyết tại Tòa án nhân dân, thông qua hòa giải ở cơ sở…). Thực tế cho thấy hòa giải ở cơ sở là một hình thức phòng, chống bạo lực gia đình có hiệu quả. Thông qua hoạt động hòa giải, các bên tranh chấp thỏa thuận, tự nguyện giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp một cách kịp thời ngay từ cơ sở, không để các mâu thuẫn, tranh chấp nhỏ trở thành lớn, việc đơn giản trở nên phức tạp, gây xung đột xã hội, từ đó góp phần giải tỏa mâu thuẫn, tranh chấp, vướng mắc pháp luật, ngăn ngừa phát sinh tội phạm, giữ gìn tình đoàn kết trong nội bộ nhân dân, ổn định trật tự an toàn xã hội.

Hòa giải ở cơ sở có ưu điểm cơ bản là giải quyết kịp thời ngay từ đầu các mâu thuẫn, tranh chấp không để tranh chấp trở nên gay gắt “chuyện bé xé ra to” bằng các biện pháp giải quyết vừa có lý vừa có tình. Những người thực hiện và tham gia hòa giải là những người gần gũi, quen biết hàng ngày cùng lao động, sinh hoạt, dễ tạo sự thông cảm giữa các bên.

Trong những năm qua, hoạt động hòa giải ở cơ sở đã khẳng định vai trò to lớn, ý nghĩa quan trọng trong đời sống xã hội, góp phần tăng cường tình đoàn kết trong cộng đồng dân cư, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc, kịp thời ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật, góp phần bảo đảm ổn định, trật tự, an toàn xã hội, giảm bớt các vụ việc phải chuyển đến Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết, tiết kiệm thời gian, kinh phí cho Nhà nước và nhân dân. Khi xây dựng pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội về bạo lực gia đình thì hòa giải ở cơ sở là nguyên tắc chủ đạo được Luật Phòng, chống bạo lực gia đình quy định khi xử lý một vụ việc bạo lực gia đình: Khoản 1 điều 3 quy định “Kết hợp và thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống bạo lực gia đình, lấy phòng ngừa là chính, chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục về gia đình, tư vấn, hoà giải phù hợp với truyền thống văn hoá, phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc Việt Nam”, biện pháp hòa giải ở cơ sở là một hoạt động được chú trọng để giải quyết những vi phạm pháp luật và tranh chấp nhỏ trong cộng đồng dân cư. 

Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 898 tổ hòa giải với 5.702 Hòa giải viên, các Tổ hòa giải được thành lập theo thôn, làng, khu phố. Mỗi đơn vị có từ 1 đến 2 tổ hòa giải, ở những nơi mật độ dân cư đông thì có từ 3 đến 5 tổ hòa giải. Tổ hòa giải thường do Bí thư Chi bộ thôn hoặc Trưởng thôn làm Tổ trưởng; các tổ viên là đại diện các ban, ngành, đoàn thể thôn, khu phố như: Mặt trận, Cựu chiến binh, Chi hội phụ nữ, hội nông dân, hội người cao tuổi, đoàn thanh niên. Thực tế thời gian qua, tổ viên tổ hoà giải ở các địa phương rất phong phú cả về giớí tính và cơ cấu xã hội: có nam, nữ, già, trẻ, Đảng viên, Đoàn viên. Tổ viên tổ hoà giải không phải công chức nhà nước, là người được nhân dân ở cơ sở lựa chọn cử ra, đại diện cho các giới, các tổ chức, đoàn thể của nhân dân ở cơ sở và được chính quyền phường, xã, thị trấn công nhận, đó là những người có phẩm chất đạo đức tốt; có uy tín trong cộng đồng dân cư, có khả năng thuyết phục, vận động nhân dân; hiểu biết pháp luật, luôn gương mẫu thực hiện nghiêm chỉnh chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Bên cạnh những tiêu chuẩn nêu trên, tổ viên tổ hoà giải còn là những người sống trên địa bàn dân cư nên họ nắm được thực tiễn trên địa bàn, tâm lý, phong tục, truyền thống, phát hiện kịp thời những mâu thuẫn, tranh chấp và có các biện pháp giải quyết linh hoạt các mâu thuẫn tranh chấp trong nội bộ nhân dân một cách phù hợp, thoả đáng, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động hoà giải ở cơ sở.

Bên cạnh những thuận lợi, công tác hòa giải nói chung và hòa giải các vụ việc về bạo lực gia đình của một số tổ hòa giải còn mang tính hình thức, chất lượng, hiệu quả chưa cao. Việc hòa giải chủ yếu dựa vào kinh nghiệm của những người làm công tác hòa giải, một số nơi chưa có chế độ đãi ngộ tốt đối với người làm công tác hòa giải nên chưa tạo được sự nhiệt tình và trách nhiệm của các hòa giải viên; một số tổ hòa giải chưa chủ động nắm bắt tình hình và kịp thời giải quyết các vụ việc phát sinh trên địa bàn, trình độ hiểu biết về pháp luật của các hòa giải viên còn hạn chế, việc tập huấn kỹ năng hòa giải chưa được tiến hành thường xuyên, vì vậy để nâng cao chất lượng hòa giải nói chung và những vụ việc hòa giải bạo lực gia đình cần thực hiện một số giải pháp sau:

1. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền

Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền từ tỉnh xuống đến cấp xã cho tổ hòa giải và đội ngũ hòa giải viên vừa là điều kiện vừa là biện pháp có tính quyết định đối với công tác hòa giải. Bởi vì, nếu không có sự lãnh đạo, chỉ đạo và sự quan tâm, tạo điều kiện của các cấp ủy Đảng, chính quyền thì đội ngũ làm công tác hòa giải không có điều kiện được đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện để nâng cao kiến thức và kỹ năng hòa giải. Sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, Chính quyền thể hiện ở những nội dung sau:

  - Cấp ủy, chính quyền các cấp ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, kiện toàn các tổ hòa giải và hòa giải viên để từ đó có các biện pháp đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn và quy định các chế độ thù lao đãi ngộ đội ngũ này.

  - Xây dựng chế độ thông tin báo cáo của các tổ hòa giải và hòa giải viên, thực hiện sơ kết, tổng kết và thi đua khen thưởng trong đội ngũ này.

2. Xây dựng đội ngũ hòa giải viên

2.1.  Xắp xếp đội ngũ hòa giải viên

 Hòa giải viên hoạt động ở tại thôn, khu phố là những người được bầu theo quy định của pháp luật, do vậy khi tiến hành lựa chọn người để bầu phải lựa chọn những người có phẩm chất đạo đức tốt, nghiêm chỉnh chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và có uy tín trong nhân dân; Có khả năng thuyết phục, vận động nhân dân thực hiện chính sách, pháp luật; Tự nguyện tham gia tổ chức hoà giải, có tinh thần trách nhiệm, nhiệt tình trong công tác hoà giải. Vì đối với đội ngũ Hòa giải viên hoạt động vì lòng nhiệt tình, hiện nay nhiều tổ hòa giải và Hòa giải viên hoạt động không có kinh phí, không có chế độ thù lao.

2.2. Đào tạo, bồi dưỡng kiến thức pháp luật  và kỹ năng hòa giải

Đây là nhiệm vụ quan trọng, phải được thực hiện thường xuyên để nâng cao nhận thức cho các Hòa giải viên về đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong từng lĩnh vực của đời sống xã hội và nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ hòa giải, do vậy hàng năm các ngành, các cấp cần có kế hoạch tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ này. Nội dung tập huấn cần xây dựng mềm dẻo, linh hoạt và phù hợp với đặc thù công tác hoà giải ở địa phương. Bên cạnh đó tập huấn về kỹ năng, nghiệp vụ phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua hoạt động hoà giải ở cơ sở để qua đó phổ biến pháp luật đến mọi người dân, đặc biệt trú trọng lĩnh vực bạo lực gia đình.

3. Cung cấp tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ, tài liệu pháp luật cho đội ngũ Hoà giải viên

Việc cung cấp thông tin pháp luật, tài liệu văn bản pháp luật là một trong những  nhiệm vụ quan trọng nhằm tăng cường hiệu quả của hoạt động hoà giải ở cơ sở. Tài liệu nghiệp vụ, tài liệu pháp luật có thể gồm các đề cương tuyên truyền các văn bản luật; Sổ tay nghiệp vụ hoà giải; báo chí về pháp luật; Sách hỏi-đáp pháp luật; tờ rơi, tờ gấp và các tài liệu cần thiết khác. Vì vậy, các ngành, các cấp cần có kế hoạch và biện pháp cụ thể để cung cấp các văn bản pháp luật liên quan đến hoạt động hoà giải ở cơ sở cho các Tổ hoà giải và hòa giải viên. Cần đẩy mạnh công tác xây dựng, quản lý, khai thác tủ sách pháp luật xã, phường, thị trấn để có nguồn văn bản cho các Hoà giải viên.

4. Tổ chức hội nghị sơ kết, tổng kết hay tọa đàm trao đổi kinh nghiệm về hoạt động hoà giải ở cơ sở

Đây là công việc cần thiết phải làm thường xuyên, một mặt theo dõi tổng hợp, đánh giá về tổ chức và hoạt động của các Tổ hòa giải và hòa giải viên, mặt khác đây còn là diễn đàn để các Hoà giải viên có thể trao đổi kinh nghiệm, học tập lẫn nhau, giúp nhau tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn công tác hoà giải. Đồng thời, qua việc sơ kết, tổng kết về hoạt động hòa giải ở cơ sở giúp chính quyền địa phương có điều kiện hiểu rõ những thuận lợi, khó khăn, kết quả cũng như kiến nghị về công tác hòa giải để có những biện pháp chỉ đạo kịp thời, có hiệu quả.

Nguyễn Đăng Hoà
Nguồn: Phòng KSTTHC