Những vấn đề cần rút ra thông qua hoạt động kiểm tra tư pháp ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh

06/09/2016 11:05 Số lượt xem: 240

Công tác tư pháp ở cơ sở luôn được Ngành Tư pháp tỉnh Bắc Ninh quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo. Hàng năm với mục tiêu về cơ sở, Sở Tư pháp đều xây dựng kế hoạch kiểm tra các lĩnh vực hoạt động tư pháp ở cơ sở, UBND cấp huyện, UBND các xã, phường, thị trấn. Thông qua việc kiểm tra nhằm kịp thời phát hiện những tồn tại, khó khăn, vướng mắc trong hoạt động của công tác tư pháp; từ đó có hướng khắc phục, đề xuất giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc hoặc xem xét, kiến nghị xử lý vi phạm theo thẩm quyền nhằm đưa hoạt động tư pháp có hiệu quả và đi vào nề nếp. Có thể khẳng định những năm qua, công tác kiểm tra tư pháp ở cơ sở đã được thực hiện một cách thường xuyên và được tiến hành đồng bộ trên tất cả các mặt công tác từ hoạt động chỉ đạo, điều hành của UBND cấp huyện, UBND cấp xã đến việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, tác nghiệp cụ thể cán bộ, công chức có liên quan. Kết quả của hoạt động kiểm tra tư pháp ở cơ sở đã mang đến những hiệu quả tích cực, chất lượng các hoạt động công tác tư pháp ở cơ sở từng bước được nâng cao, đáp ứng được yêu cầu quản lý Nhà nước ở địa phương.

Với phương châm làm việc trực tiếp, thông qua kiểm tra để hướng dẫn cụ thể về chuyên môn nghiệp vụ, theo cách bắt tay chỉ việc. Tại các đơn vị được kiểm tra, Đoàn Kiểm tra của Sở Tư pháp đã chỉ ra những tồn tại, sai sót cụ thể; trực tiếp góp ý, hướng dẫn để công chức, lãnh đạo đơn vị được kiểm tra tiếp thu, có những điều chỉnh, khắc phục trong thời gian tới. Một số vấn đề cần tiếp tục quan tâm chỉ đạo sau:

Một là, đối với công tác ban hành; rà soát, hệ thống hoá văn bản.

Có thể thấy công tác ban hành văn bản của các địa phương đã được quan tâm và từng bước đi vào nề nếp, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước ở cơ sở. Các dự thảo văn bản QPPL đã được Phòng Tư pháp cấp huyện tiến hành thẩm định hoặc cán bộ Tư pháp – Hộ tịch tham gia ý kiến trước khi ban hành. Tuy nhiên, qua kiểm tra cho thấy vẫn còn tình trạng nhầm lẫn trong việc xác định, phân biệt giữa văn bản QPPL với các văn bản cá biệt. Nhất là nhầm lẫn về số, ký hiệu của các nghị quyết của HĐND ghi thêm năm ban hành (dù không phải là văn bản QPPL) diễn ra khá phổ biến, ở nhiều địa phương đã tồn tại khá nhiều năm cần kịp thời khắc phục.

Công tác rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL tại các địa phương đã được triển khai nhưng vẫn còn những hạn chế nhất định. Các địa phương chủ yếu mới dừng lại ở việc tập hợp văn bản mà chưa có sự xem xét, đánh giá nhằm xác định về hiệu lực pháp lý của văn bản QPPL, xem xét về nội dung văn bản QPPL để kịp thời kiến nghị, sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ cho phù hợp.

Hai là, đối với công tác quản lý xử lý vi phạm hành chính.

Quản lý xử lý vi phạm hành chính đã được UBND cấp huyện giao Phòng Tư pháp là cơ quan chuyên môn giúp việc thực hiện chức năng quản lý trên địa bàn. Qua kiểm tra công tác tư pháp cơ sở, Sở Tư pháp nhận thấy về cơ bản tại các đơn vị được kiểm tra (UBND cấp huyện và một số xã, phường, thị trấn) việc ban hành các quyết định xử phạt vi phạm hành chính đã bảo đảm đúng quy định của pháp luật về thẩm quyền, chức danh người ra quyết định xử phạt, trình tự, thủ tục và nội dung xử phạt. Việc tổ chức thi hành các quyết định xử phạt vi phạm hành chính ở cấp huyện, cấp xã đạt tỷ lệ cao. Việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính đã bảo đảm cho Phòng Tư pháp, công chức Tư pháp - Hộ tịch cấp xã chịu trách nhiệm thẩm định tính pháp lý của các hồ sơ trước khi đề nghị cơ quan chức năng áp dụng biện pháp xử lý hành chính theo đúng quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, trong việc ban hành các quyết định xử phạt vi phạm hành chính vẫn còn những hạn chế, tồn tại cần khắc phục như: Còn tình trạng quyết định xử lý vi phạm hành chính còn căn cứ vào Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2002 đã hết hiệu lực; một số quyết định xử phạt do cấp phó ký nhưng thiếu văn bản giao quyền của cấp trưởng; một số quyết định xử phạt thiếu viện dẫn căn cứ biên bản vi phạm hành chính; chưa viện dẫn đầy đủ tên điều, khoản của văn bản pháp luật được áp dụng; quyết định không ghi rõ thời hạn thi hành ... Nhiều quyết định xử phạt vi phạm hành chính không tuân thủ theo mẫu quy định, nhất là quy định về việc ghi tên cơ quan chủ quản/tên cơ quan quyết định theo Phụ lục mẫu quyết định xử phạt vi phạm hành chính kèm theo Nghị định số 81/2013/NĐ-CP của Chính phủ (đối với quyết định của UBND cấp xã thì phải ghi rõ cấp tỉnh, cấp huyện; UBND cấp huyện thì phải ghi rõ cấp tỉnh để cung cấp thông tin cho việc xây dựng cơ sở dữ liệu).

Ba là, đối với công tác đăng ký và quản lý hộ tịch.

Công tác đăng ký và quản lý hộ tịch đã được các địa phương quan tâm, chỉ đạo, từng bước đi vào nề nếp, bảo đảm việc đăng ký hộ tịch được thực hiện theo đúng quy định pháp luật, đúng thẩm quyền, đúng trình tự, thủ tục. 100% các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đã ứng dụng phần mềm đăng ký và quản lý hộ tịch, tăng cường cải cách thủ tục hành chính nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi thực hiện đăng ký hộ tịch và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Các địa phương cũng đã tuyên truyền, phổ biến và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để kịp thời triển khai Luật Hộ tịch 2014 (có hiệu lực kể từ 01/01/2016).

Bốn là, đối với việc quản lý Nhà nước các hoạt động bổ trợ tư pháp.

Trong hoạt động bán đấu giá tài sản là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu sung công quỹ và đấu giá quyền sử dụng đất; UBND các huyện, thị xã, thành phố đều thuê tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp thực hiện, bảo đảm công khai, minh bạch, đúng trình tự, thủ tục. Tuy nhiên, công tác này vẫn còn một số tồn tại, hạn chế đó là: Chưa chỉ đạo việc thiết lập Sổ theo dõi bán đấu giá tài sản theo quy định của Thông tư 23/2010/TT-BTP của Bộ Tư pháp, việc chấp hành quy định thống kê, báo cáo chưa đầy đủ, kịp thời; việc lựa chọn tổ chức đấu giá chuyên nghiệp chủ yếu dựa trên quyết định chỉ định của cơ quan có thẩm quyền mà chưa thực hiện quy trình đấu thầu lựa chọn; việc bán đấu giá tài sản là tang vật, hàng hoá, phương tiện bị tịch thu sung quỹ chưa đáp ứng được yêu cầu về thời gian theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

Đối với công tác chứng thực, UBND cấp huyện đã quán triệt tới UBND các xã, phường, thị trấn triển khai thực hiện Nghị định số 23/2015/NĐ-CP của Chính phủ trong đó chú trọng đến quy định về thẩm quyền chứng thực hợp đồng, giao dịch liên quan đến bất động sản của UBND cấp xã; quy định không lưu trữ việc chức thực bản sao từ bản chính; chứng thực chữ ký trong bản sơ yếu lý lịch của cá nhân… Qua kiểm tra, Sở Tư pháp cũng đã quán triệt đến UBND các xã, phường, thị trấn có thể hướng dẫn, tư vấn cho người dân đến các tổ chức hành nghề công chứng để công chứng các hợp đồng, giao dịch nhằm nâng cao tính chuyên nghiệp nhưng không được từ chối việc chứng thực nếu người dân có yêu cầu. Đây được coi là trách nhiệm phải thực hiện của UBND cấp xã nhằm bảo đảm quyền lựa chọn công chứng hay chứng thực của người dân.

Năm là, đối với công tác kiểm soát thủ tục hành chính.

Tại UBND cấp huyện, UBND cấp xã được kiểm tra đã nghiêm túc triển khai thực hiện Đề án liên thông các TTHC về đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi; việc công bố công khai, niêm yết các thủ tục hành chính, việc giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính tại bộ phận “Tiếp nhận và trả kết quả” theo Quyết định số 27/2015/QĐ-UBND của UBND tỉnh; việc thực hiện quy định về tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị liên quan đến quy định hành chính….

Hy vọng rằng, thông qua hoạt động kiểm tra công tác tư pháp cơ sở hàng năm của Sở Tư pháp sẽ kịp thời tháo gỡ những khó khăn, bất cập; khắc phục những hạn chế, tồn tại nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động công tác tư pháp; tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng tỉnh Bắc Ninh giàu đẹp, dân chủ, văn minh./.