Vi phạm nồng độ cồn khi lái xe tài xế có thể bị xử lý hình sự không?

02/02/2024 09:15 Số lượt xem: 583

Dịp Tết Nguyên đán đang cận kề, các vấn đề liên quan đến nồng độ cồn luôn là vấn đề nóng và được đông đảo người dân quan tâm. Chính vì vậy, đề xuất xử lý hình sự đối với trường hợp người điều khiển phương tiện giao thông vi phạm nồng độ cồn mức 3 đang là nội dung nhận được nhiều ý kiến thảo luận tại hội thảo “Tác hại của rượu, bia đối với người tham gia giao thông đường bộ” do Bộ Công an phối hợp Bộ Y tế tổ chức, sáng ngày 29/01/2024.

Theo quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi tại nghị định 123/2021/NĐ-CP) mức phạt hành chính đối với hành vi vi phạm nồng độ cồn ở mức 03 (tức khi vượt quá 80 miligam/100 mililít máu) hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở như sau:

– Đối với xe đạp sẽ bị phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng theo quy định tại điểm c khoản 4 điều 8 Nghị định 100/2019/NĐ-CP.

– Đối với xe máy phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng quy định tại điểm a khoản 9 điều 7 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, tước giấy phép lái xe từ 22 tháng đến 24 tháng ( điểm g khoản 10 điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP)

– Đối với ô tô phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 (tại điểm a khoản 10 điều 5 NĐ 100/2019/NĐ-CP), tước giấy phép lái xe từ 22 tháng đến 24 tháng. (điểm h khoản 11 điều 5 NĐ 100/2019/NĐ-CP).

Ảnh từ một phiên Tòa (bị cáo vi phạm nồng độ cồn đã chống người thi hành công vụ)

Như vậy, có thể thấy so với các quy định trước đây thì mức xử phạt theo quy định trên đối với hành vi vi phạm nồng độ cồn đã ở mức tương đối cao và hạn chế được tình trạng sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông, tạo được sức răn đe tốt. Tuy nhiên đối với những người khi bị xử phạt về hành vi vi phạm này có nồng độ cồn vượt 0,4mg/l khí thở thì cũng vẫn chung một khung hình phạt. Điều này là chưa tương xứng với với mức độ vi phạm của người tham gia giao thông.

Chính vì vậy, việc đề xuất phân tách thành các mức phạt xử phạt hành chính cao hơn đối với hành vi vi phạm nồng độ cồn vượt mức 03 là rất phù hợp. Theo đó, cơ quan chức năng cần nghiên cứu để sửa đổi các quy định của pháp luật hiện hành theo hướng  bổ sung thêm mức nồng độ cồn ở mức 4, mức 5 đồng thời tăng mức xử phạt đối với hành vi điều khiển giao thông nếu người dân vi phạm. Đồng thời, cơ quan chuyên môn ngành y tế cần có văn bản nêu rõ nồng độ cồn ở mức nào là mức độ đặc biệt nghiêm trọng và khiến người điều khiển sẽ mất kiểm soát hoàn toàn.

Ngoài ra, đối với các hình phạt bổ sung cũng cần xem xét nghiên cứu thêm việc đa dạng hóa hình thức xử phạt như: tăng thời gian tước giấy phép lái xe, trừ điểm bằng lái, phạt lũy tiến, buộc học và thi lại bằng lái xe, lao động công ích, treo bằng, tịch thu bằng, buộc lắp thiết bị kiểm soát nồng độ cồn trên xe…

Đối với ý kiến quy định về việc xử lý hình sự đối với người vi phạm nồng độ cồn thì cần phải cân nhắc kỹ lưỡng. Bởi theo quy định tại Điều 260 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017, người vi phạm an toàn giao thông nếu: Làm chết người; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;  Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%; Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

Do đó, trường hợp người vi phạm chưa gây thiệt hại về tài sản hay về tính mạng sức khỏe của người khác thì chưa đủ căn cứ xử lý hình sự.

Như vậy, nếu muốn xử lý hình sự đối với người vi phạm nồng độ cồn vượt quá mức độ ba thì bắt buộc phải sửa đổi, bổ sung đối với quy định tại Điều luật này. Tuy nhiên, việc áp dụng quy định này trong tình hình kinh tế xã hội Việt Nam như hiện nay thì quả thật không hề dễ.

Ví dụ tại Nga, tháng 7/2021, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký luật về tăng thời hạn phạt tù lên đến 3 năm đối với việc tái phạm hành vi lái xe trong tình trạng say xỉn. Số tiền phạt cũng tăng từ 4.300 USD đến 7.100 USD, thay vì 2.900 USD – 4.300 USD, hoặc bằng tiền lương hay thu nhập khác của người bị kết án trong thời gian từ 2 đến 3 năm, thay vì từ 1 đến 2 năm như trước.

Ngoài ra, hình phạt cũng có thể là lao động cải tạo trong tối đa 2 năm, hạn chế tự do và lao động bắt buộc trong tối đa 3 năm. Người phạm tội cũng bị tước quyền đảm nhiệm chức vụ hoặc tham gia hoạt động nhất định với thời hạn lên đến 6 năm.

Trong trường hợp có nạn nhân trong tai nạn liên quan sử dụng rượu bia, ngoài hình phạt thông thường đối với hành vi say rượu lái xe và tước bằng lái trong một thời gian nhất định, tài xế còn có thể bị phạt tù từ 5 đến 12 năm nếu có 1 người chết, hoặc từ 8 đến 15 năm nếu tai nạn cướp đi sinh mạng của 2 người trở lên.

Tại Đông Nam Á, Singapore có hệ thống quy định pháp luật rất chặt chẽ, khắt khe và không nhân nhượng với những hành vi lái xe vô trách nhiệm. Cũng như Nhật Bản, Singapore cũng có hình phạt tù, phạt tiền và lao động công ích đối với hành vi lái xe sau khi sử dụng đồ uống có cồn.

Nếu bị phát hiện có nồng độ cồn trên 0,35mg/lít khí thở, người điều khiển phương tiện sẽ bị phạt tiền lên đến 5.000 SGD (tương đương 3.600 USD hay 85 triệu đồng) và đối diện với 6 tháng tù giam.

Ở Singapore, việc xử phạt sẽ dựa vào từng vụ việc. Các mức phạt sẽ được quy định dựa trên 2 yếu tố, đó là sự nguy hiểm của hành vi và nồng độ cồn của lái xe. Những lỗi nặng nhất sẽ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự và đối diện với các hình phạt tù và lao động công ích.

Như vậy, các quốc gia phát triển này không chỉ áp dụng hình phạt tiền đối với hành vi vi phạm nồng độ cồn mà còn kết hợp với các hình thức xử lý hình sự và hình phạt bổ sung như lao động công để tăng tính hiệu quả trong việc tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân khi tham gia giao thông.

Đây là một điều đáng để Việt Nam học hỏi, tiếp thu để áp dụng một cách linh hoạt đối với tình hình kinh tế xã hội của Việt Nam. Bởi không phải tăng mức phạt là hạn chế được hành vi vi phạm về nồng độ cồn, điều quan trọng ở đây là ý thức của người dân khi tham gia giao thông. Khi áp dụng việc xử phạt vi phạm nồng độ cồn cần kết hợp với việc giáo dục, tuyên truyền để nâng cao ý thức của người dân về sự nguy hiểm khi “say rượu” tham gia giao thông. Một số hình phạt bổ sung như lao động công ích, trừ điểm giấy phép lái xe, phạt lũy tiến khi tái phạm…

Để việc này có thể triển khai trên thực tế thì cần phải có những quy định rõ về mức vi phạm nồng độ cồn bao nhiêu thì bị phạt lao động công ích. Đồng thời cũng phải xác định những hình phạt lao động công ích gồm những việc gì? Bộ phần nào quản lý nhóm lao động công ích vi phạm này? Hơn nữa, các nhóm đối tượng khác nhau cũng phải có các hình phạt lao động tương ứng với họ? Nếu họ không thực hiện được hình phạt bổ sung này thì có thể thay đổi bằng hình thức nào khác không?…Và nhiều vấn đề khác cần được làm rõ để người dân cũng như những người thực thi pháp luật biết và tuân thủ pháp luật tốt hơn./.

                                                                                                   Nguyễn Văn Hải