Tích cực triển khai các luật, đạo luật mới được quốc hội khoá XIII thông qua

21/12/2016 09:04 Số lượt xem: 221

Trong thời gian quan, thực hiện sự chỉ đạo của Bộ Tư pháp, UBND tỉnh, Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh và đặc biệt là của Ban Thường vụ Tỉnh ủy tại Chỉ thị số 11-CT/TU ngày 26/4/2016, Sở Tư pháp tính Bắc Ninh đã tích cực, chủ động tham mưu kịp thời việc tuyên truyền, phổ biến GDPL trong đó chú trọng đến các luật, đạo luật mới được Quốc hội khóa XIII thông qua đến mọi tầng lớp nhân dân.

Tại các kỳ họp thứ 10, kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII đã thông qua nhiều văn bản luật quan trọng như Bộ luật Dân sự (sửa đổi); Bộ luật Hình sự (sửa đổi); Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi); Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi); Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi); Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự; Luật Tạm giữ, tạm giam; Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân; Luật Trưng cầu ý dân; Luật Kế toán (sửa đổi); Luật Thống kê (sửa đổi); Luật An toàn thông tin; Luật Phí, lệ phí; Bộ luật hàng hải Việt Nam (sửa đổi); Luật Khí tượng, thủy văn; Luật Quân nhân chuyên nghiệp và công nhân, viên chức quốc phòng…

Đây là các luật, đạo luật rất quan trọng, được ban hành nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật theo nội dung Hiến pháp năm 2013. Với nhiều nội dung đổi mới, tiến bộ, phù hợp với thông lệ quốc tế đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; cụ thể hóa và bảo đảm các quyền con người, quyền công dân; tăng cường hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm; góp phần bảo vệ chủ quyền, an ninh của đất nước, bảo vệ chế độ, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đồng thời đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế của nước ta. Tiếp tục thể chế hóa chủ trương của Đảng, cụ thể các quy định mới của Hiến pháp về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường; đổi mới hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, phát huy vai trò của giám sát trong việc góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của bộ máy nhà nước. Phát huy dân chủ và quyền làm chủ của nhân dân trong xây dựng nhà nước pháp quyền, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ cho nhân dân thực hiện quyền làm chủ của mình, tham gia rộng rãi, trực tiếp vào những vấn đề trọng đại của đất nước.

Với vai trò là cơ quan thường trực Hội đồng PBGDPL tỉnh, Sở Tư pháp đã tham mưu Hội đồng ban hành các văn bản chỉ đạo các ngành thành viên, UBND các huyện, thị xã, thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến GDPL thông qua nhiều hình thức sinh động, thiết thực, gắn với việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ các cấp, ngành như thông qua việc tổ chức hội nghị tuyên truyền, hội nghị tập huấn, phổ biến bằng văn bản, đăng tải trên Cổng/Trang thông tin điện tử, phát hành tờ rơi, tờ gấp, tài liệu… bảo đảm phù hợp với các đối tượng cụ thể; việc tuyên truyền phải thực sự thiết thực, đem lại hiệu quả, nâng cao nhận thức, hiểu biết của cán bộ, nhân dân về những nội dung cơ bản, những điểm mới của các bộ luật, luật mới ban hành để có ý thức tuân thủ và nghiêm chỉnh chấp hành quy định pháp luật; góp phần đưa pháp luật được triển khai và thực thi có hiệu quả trong đời sống.

Có thể nói, trong 6 tháng đầu năm 2016, bên cạnh tập trung hàng đầu cho việc phục vụ cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV, bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 – 2021 thì công tác tuyên truyền, phổ biến nội dung các văn bản, luật, đạo luật mới được thông qua là một trong các nhiệm vụ hết sức quan trọng. Không chỉ là nhiệm vụ riêng của cơ quan tư pháp các cấp mà là nhiệm vụ chung của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành. Chỉ thị số 11-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng đã nhấn mạnh về nhiệm vụ của các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân cần tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến sâu rộng đến cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động và các tâng lớp nhân dân trong tỉnh về nội dung, tinh thần của các đạo luật vừa được thông qua. Yêu cầu các cơ quan có liên quan phải xây dựng kế hoạch triển khai thi hành luật, đạo luật với các nội dung hoạt động cụ thể.

Hy vọng rằng, với sự chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Bộ Tư pháp, sự vào cuộc của các ngành, các cấp trong tỉnh, công tác tuyên truyền, phổ biến GDPL nói chung và việc tuyên truyền, phổ biến các luật, đạo luật mới được Quốc hội khóa XIII thông qua sẽ đạt được những kết quả mong đợi; tạo ra những chuyển biến tích cực trong nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong việc tiếp cận, nghiên cứu, tìm hiểu để thực thi, nghiêm túc chấp hành quy định của pháp luật; bảo đảm thực hiện mục tiêu đã đề ra là “Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”./.

Trịnh Thúy Hằng
Nguồn: BBT