Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về phòng chống tham nhũng
Tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) nói chung, pháp luật về phòng chống tham nhũng nói riêng là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và của toàn xã hội. Trong những năm qua, các cấp uỷ Đảng, chính quyền trên địa bàn tỉnh đã tăng cường tuyên truyền, PBGDPL về phòng chống tham nhũng và không ngừng nâng cao nhận thức, trách nhiệm, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật về phòng, chống tham nhũng cho cán bộ, công chức, viên chức, và nhân dân; đưa công tác tuyên truyền, PBGDPL về phòng chống tham nhũng thành nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, tạo sự đồng thuận trong xã hội, góp phần đấu tranh phòng, chống tham nhũng có hiệu quả. Kết quả đã đạt được những thành tựu rất đáng ghi nhận.
Với vai trò là cơ quan thường trực, hàng năm Sở Tư pháp đã chủ động tham mưu cho Hội đồng Phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật tỉnh xây dựng các chương trình, kế hoạch tuyên truyền, PBGDPL về phòng chống tham nhũng. Phát huy tốt vai trò của các thành viên Hội đồng trong việc tuyên truyền sâu rộng đến cán bộ, Đảng viên và nhân dân về mục đích, ý nghĩa của công tác phòng, chống tham nhũng cũng như vai trò, trách nhiệm của mỗi cá nhân trong việc đẩy lùi tham nhũng, lãng phí. Công tác tuyên truyền được thực hiện thông qua nhiều hình thức như tổ chức hội nghị giới thiệu, tập huấn chuyên sâu về Luật Phòng, chống tham nhũng; mở các chuyên trang, chuyên mục trên ấn phẩm của ngành, địa phương, in ấn tài liệu hỏi đáp, hướng dẫn pháp luật về phòng, chống tham nhũng, cấp phát tờ gấp pháp luật, treo panô, áp phích, thi tìm hiểu…..
Trong 10 năm triển khai thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng và gần 5 năm triển khai Đề án tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng, Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng trong cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân giai đoạn 2012 – 2016, toàn tỉnh Bắc Ninh đã tổ chức được 2.168 hội nghị tuyên truyền, giới thiệu về pháp luật phòng, chống tham nhũng với 745.690 lượt người tham dự; phát hành 49.752 đầu sách, tài liệu về phòng chống tham nhũng; thực hiện hàng nghìn tin, phóng sự, bài viết trên ấn phẩm của các ngành, Báo Bắc Ninh, Đài PTTH tỉnh….. (Số liệu theo Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Luật phòng chống tham nhũng của UBND tỉnh). Các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, UBND các huyện, thành phố, thị xã đã bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước gắn với nhiệm vụ chính trị chuyên môn của các cơ quan, đơn vị, địa phương để tuyên truyền các văn bản pháp luật về phòng chống tham nhũng, góp phần phòng, chống tham nhũng hiệu quả.
Đi đôi với việc tham mưu, triển khai thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền, PBGDPL về phòng chống tham nhũng; Sở Tư pháp đã chú trọng xây dựng cơ quan, đơn vị trong sạch, vững mạnh; đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trung thực, công tâm, liêm khiết, chuyên nghiệp, trên cơ sở xây dựng nền công vụ hiệu quả, minh bạch phục vụ nhân dân; chủ động phòng ngừa, ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng, loại bỏ dần các điều kiện và cơ hội phát sinh tham nhũng trên tất cả các lĩnh vực, các ngành, các cấp; nâng cao ý thức trách nhiệm và quyết tâm phòng, chống tham nhũng của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan nhà nước. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm những hành vi tham nhũng; củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng, chính quyền, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu về kinh tế- xã hội, quốc phòng- an ninh trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, thực hiện gắn kết công tác tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật về phòng, chống tham nhũng với thực hiện Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", trong đó tập trung cải tiến lề lối làm việc, tiết kiệm, phòng, chống tham nhũng, lãng phí; chú trọng bồi dưỡng kiến thức phòng, chống tham nhũng cho cán bộ chủ chốt các cấp, các ngành; triển khai có hiệu quả việc đưa nội dung phòng, chống tham nhũng vào chương trình giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và cán bộ, đảng viên; phát huy trách nhiệm tính gương mẫu của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, tổ chức, tăng cường trách nhiệm của các tổ chức cơ sở Đảng trong công tác quản lý, giáo dục đảng viên, nhằm nâng cao năng lực, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng; thực hiện tốt công tác kiểm tra, đôn đốc, giám sát việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng.
Nhằm tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng; đặc biệt bám sát tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Chỉ thị số 50-CT/TW và Chương trình hành động của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, trong thời gian tới các cấp uỷ Đảng, chính quyền, địa phương, cơ quan, đơn vị cần tập trung thực hiện những nhiệm vụ chủ yếu sau:
Một là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng chống tham nhũng, lãng phí, trước hết là cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Trong đó cần tập trung tuyên truyền các quy định của Hiến pháp 2013 có liên quan đến phòng chống tham nhũng; Công ước của Liên hợp quốc về phòng chống tham nhũng; Luật Phòng, chống tham nhũng và các văn bản hướng dẫn thi hành; Quy định về kê khai và kiểm soát kê khai tài sản, thu nhập; Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Luật Tiếp công dân; Luật Khiếu nại; Luật Tố cáo.
Hai là, tăng cường sự phối hợp giữa các thành viên Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật tỉnh, Hội đồng cấp huyện để tuyên truyền được sâu rộng hơn. Trong đó cần chú trọng nâng cao chất lượng của đội ngũ báo cáo viên pháp luật thông qua hoạt động tập huấn, bồi dưỡng, cung cấp tài liệu.
Ba là, nội dung tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng phải bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng trên cơ sở nắm bắt tình hình thực tế về công tác này ở cơ quan, đơn vị, địa phương. Tuyên truyền phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng phải thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, tập trung triển khai các hình thức, biện pháp thiết thực, hiệu quả, phù hợp với các đối tượng.
Bên cạnh đó, nhằm hoàn thành tốt các nhiệm vụ trên cần tiến hành đồng bộ các giải pháp cụ thể đó là:
- Tiếp tục củng cố, nâng cao nhận thức, tăng cường sự quan tâm, lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền trong công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về phòng chống tham nhũng.
- Xây dựng, biên soạn và câp phát tài liệu phục vụ cho công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về phòng chống tham nhũng đến đội ngũ báo cáo viên pháp luật, nâng cao hiệu quả của Tủ sách pháp luật thông qua việc bổ sung các tài liệu, sách hướng dẫn về công tác phòng chống tham nhũng.
- Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm đảm bảo các điều kiện cần thiết cho việc thực hiện tuyên truyền phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng.
- Triển khai thực hiện nghiêm túc Chương trình hành động của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Chỉ thị số 50-CT/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng và tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm việc triển khai thực hiện Đề án tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng chống tham nhũng, Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng trong cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân giai đoạn 2012 – 2016 theo kế hoạc của UBND tỉnh.
Tin tưởng rằng, với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, cơ quan, địa phương, đơn vị và sự hưởng ứng đồng lòng của cán bộ, đảng viên và nhân dân; công tác tuyên truyền, PBGDPL nói chung và tuyên truyền pháp luật về phòng, chống tham nhũng nói riêng sẽ tiếp tục đạt được nhiều kết quả tích cực; góp phần thực hiện thắng lợi các Nghị quyết Đại hội đảng bộ các cấp; xây dựng tỉnh Bắc Ninh giàu đẹp, dân chủ, văn minh./.