Hiến pháp 2013 - Dấu một bước phát triển mới trong lịch sử lập hiến của nước ta

06/06/2016 10:52 Số lượt xem: 1931

Ngày 28/11/2013, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã thông qua Hiến pháp năm 2013, đánh dấu một bước phát triển mới trong lịch sử lập hiến của nước ta. Là bản Hiến pháp của thời kỳ đổi mới, hội nhập đất nước, Hiến pháp 2013 tiếp tục khẳng định mạnh mẽ ý chí chủ quyền của nhân dân, sức mạnh đại đoàn kết của toàn dân tộc; thể hiện rõ và đầy đủ hơn bản chất dân chủ của nhà nước, chế độ ta. Khẳng định nhà nước ta là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức; quyền lực nhà nước là thống nhất có sự phân công, phối hợp trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. Hiến pháp mới cũng đã khẳng định mạnh mẽ giá trị bất biến về quyền con người, quyền công dân, khẳng định chủ quyền quốc gia của Việt nam là độc lập, toàn vẹn lãnh thổ. Hiến pháp năm 2013 có bước tiến về kỹ thuật lập hiến, có những điểm mới quan trọng về tư tưởng lập hiến và tư tưởng dân chủ.

Về kỹ thuật lập hiến: Hiến pháp 2013 có nhiều điểm mới; đảm bảo tính ổn định, lâu dài, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước và hướng tới mục tiêu mở cửa, hội nhập quốc tế trong thời kì mới. Các quy định của Hiến pháp đã hạn chế tính chung chung nhưng cũng tránh tình trạng quá chi tiết gây khó khăn cho việc xây dựng các văn bản luật và văn bản dưới luật.

Về cấu trúc: Hiến pháp 2013 có nội dung đầy đủ, phong phú hơn nhưng đã bố cục gọn nhẹ hơn các bản Hiến pháp trước đây; Hiến pháp 2013 gồm có 11 chương, 120 điều; giảm 1 chương và  27 điều so với Hiến pháp 1992. Ngay tại phần “Lời nói đầu” đã được quy định gọn nhẹ hơn, khúc chiết hơn chỉ bằng 1/3 so với lời nói đầu của Hiến pháp năm 1992. Các vấn đề về “Quốc kỳ”, “Quốc huy”, “Quốc ta”, “Quốc khánh” và “Thủ đô” đã được gộp lại, viết chung tại một điều (Điều 13) ngay tại Chương I về chế độ chính trị. Cũng là lần đầu tiên, cụm từ “Nhân dân” đã được viết hoa trong Hiến pháp và khẳng định tiếng Việt là ngôn ngữ quốc gia, tạo cơ sở đề cao tiếng Việt và tiếp tục đẩy mạnh quá trình giáo dục làm trong sáng và sử dụng đúng đắn hiệu quả tiếng Việt.

Về vai trò của Đảng Cộng sản: Hiến pháp 2013 khẳng định “Đảng Cộng sản Việt Nam - Đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam”, như vậy đã mở rộng hơn so với Hiến pháp 1992 bởi vì Đảng lãnh đạo nhà nước và xã hội thì Đảng không thể chỉ là đội tiên phong của một giai cấp là giai cấp công nhân mà Đảng phải là tiên phong của nhân dân lao độngdân tộc Việt Nam.

Điều 4 của Hiến pháp đã bổ sung khoản 2 rất quan trọng, đó là quy định: “Đảng Cộng sản Việt Nam gắn bó mật thiết với Nhân dân, phục vụ Nhân dân, chịu sự giám sát của Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân về những quyết định của mình”. Có thể thấy rằng, quy định mới này rất hợp với lòng dân, thể hiện rõ nhất mối quan hệ giữa Đảng và nhân dân và mối quan hệ này đã được hiến định. Đảng lãnh đạo nhà nước, lãnh đạo xã hội nhưng Đảng và các tổ chức của Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật, Đảng phải chịu trách nhiệm rất cao trước nhân dân. Đây sẽ là cơ sở để sau này Quốc hội sẽ ban hành các Luật, các quy định cụ thể để xác định rõ hơn trách nhiệm của các bộ phận trong hệ thống chính trị.

Khoản 3, Điều 4 Hiến pháp 2013 quy định: “Các tổ chức của Đảng và đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”. Mặc dù chỉ bổ sung thêm hai từ “Đảng viên” nhưng có ý nghĩa rất quan trọng để nhấn mạnh rằng không phải chỉ có tổ chức đảng mà cả đảng viên, dù ở bất kỳ vị trí, chức vụ nào cũng đều phải tuân thủ và chấp hành quy định của Hiến pháp và pháp luật. Khẳng định quan điểm rất mạnh mẽ về trách nhiệm của cá nhân người đảng viên trước Đảng và trước nhân dân.

Về quyền lực nhà nước: Các quy định về các thiết chế quan trọng trong tổ chức bộ máy nhà nước, về hệ thống chính trị của nước ta, trong Hiến pháp 2013 đều có những thay đổi rất đáng ghi nhận.

Điều 6, Hiến pháp 2013 quy định “Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng dân chủ trực tiếp, bằng dân chủ đại diện thông qua Quốc hội, Hội đồng nhân dân và thông qua các cơ quan khác của Nhà nước”. So với Hiến pháp 1992 và các bản Hiến pháp về trước, đây là lần đầu tiên Hiến pháp của Nhà nước ta thể hiện quyền dân chủ trực tiếp của nhân dân.

Về tổ chức bộ máy nhà nước và cách thức thực hiện quyền lực Nhà nước, Hiến pháp 2013 tiếp tục khẳng định quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và bổ sung thêm “cơ chế kiểm soát quyền lực” tại các cơ quan hành pháp, lập pháp và tư pháp. Việc khẳng định cơ quan nào có quyền lập pháp, cơ quan nào có quyền hành pháp và cơ quan nào có quyền tư pháp lần đầu tiên cũng được Hiến pháp 2013 ghi nhận. Phân công rõ về thẩm quyền nhưng phải bảo đảm sự phối hợp và đặc biệt phải thiết lập được cơ chế nhằm “kiểm soát quyền lực”. Điểm tiến bộ hơn trong Hiến pháp 2013 về nội dung này là đã thành lập thêm các cơ quan hiến định độc lập. Quy định thiết chế Hội đồng Bầu cử quốc gia và Kiểm toán nhà nước là hai thiết chế hoàn toàn mới trong Hiến pháp 2013 đều do Quốc hội thành lập. Với quy định này, Quốc hội nước ta mong muốn sẽ khắc phục những hạn chế trong công tác bầu cử trong thời gian qua, chuyên nghiệp hoá việc tổ chức bầu cử, đồng thời phát triển kiểm toán nhà nước thực sự trở thành công cụ quan trọng và đủ mạnh của Nhà nước để thực hiện việc kiểm tra, kiểm kê, kiểm soát việc quản lý và sử dụng Ngân sách nhà nước, tài sản quốc gia…

Về quy định về các cơ quan trong hệ thống chính trị, đối với Mặt trận Tổ quốc đã bổ sung thêm quy định về giám sát và phản biện xã hội. Đây là một điểm đổi mới và bước tiến rất quan trọng. Bởi vì, đối với Việt Nam thì Mặt trận có vai trò đặc biệt quan trọng nên khi xác định Mặt trận có chức năng giám sát và phản biện xã hội thì sẽ khắc phục được những hạn chế, khiếm khuyết. Chẳng hạn khi quyết định những vấn đề lớn mà không có phản biện xã hội hoặc phản biện không đầy đủ sẽ đưa ra những quyết sách vội vàng dẫn đến những phản ứng hoặc những bất cập không thể lường trước được.

Về chính quyền địa phương: Một điểm nhấn rất quan trọng trong Hiến pháp mới là quy định về chính quyền địa phương. Có thể nói, nhu cầu đổi mới mô hình tổ chức chính quyền địa phương là nhu cầu bức thiết trong tiến trình phát triển của đất nước. Hiến pháp 2013 chỉ đưa ra những quy định mang tính nguyên tắc, định hướng làm cơ sở hiến định cho việc xây dựng Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Hiến pháp một mặt tiếp tục khẳng định các đơn vị hành chính lãnh thổ; đồng thời bổ sung một số điều quan trọng, chẳng hạn như đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt; quy định việc nhập, tách, điều chỉnh các đơn vị hành chính lãnh thổ phải lấy ý kiến của nhân dân địa phương và phải theo tiêu chí, trình tự, thủ tục của luật định để ngăn ngừa, khắc phục những tồn tại, hạn chế của vấn đề này. Hiến pháp 2013 quy định về chính quyền địa phương theo hướng mở, không phải cứng nhắc là ở mỗi đơn vị hành chính địa phương đều phải HĐND và UBND. Hiến pháp 2013 nói rõ việc quy định Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân phụ thuộc vào điều kiện cụ thể của từng địa phương.

Về quyền con người, quyền công dân: Chương V về “Quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân” trong Hiến pháp 1992 đã được chuyển lên thành Chương II và đổi thành Chương “Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân” đã thể hiện nhận thức mới đầy đủ, sâu sắc hơn trong việc thể chế hóa quan điểm của Đảng và nhà nước ta về đề cao nhân tố con người, coi con người là chủ thể, nguồn lực chủ yếu và là mục tiêu hàng đầu của sự phát triển, đã có một cách nhìn nhận mới hơn về quyền con người.

Nếu như trong Hiến pháp 1992, quyền con người được lồng ghép và được thể hiện trong quyền công dân thì ở Hiến pháp 2013, đã đưa ra hai khái niệm song song là “quyền con người” và “quyền công dân”. Quy định trên đã thể hiện bước nhận thức cao hơn bởi vì chủ thể của quyền công dân là những công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, người mang quốc tịch Việt Nam còn chủ thể của quyền con người bao gồm tất cả những người mang quốc tịch Việt Nam, người mang quốc tịch nước ngoài và người không quốc tịch .

Bên cạnh đó, Hiến pháp 2013 cũng đã khẳng định “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của Luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng”; khẳng định rõ nguyên tắc suy đoán vô tội trong Hiến pháp: “Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của Toà án đã có hiệu lực pháp luật”… Những nguyên tắc căn bản này nhằm đề cao trách nhiệm của nhà nước trong mối quan hệ với quyền con người, quyền công dân; phòng ngừa các vấn đề tiêu cực có thể phát sinh; giảm thiểu, hạn chế việc xâm phạm quyền con người. Đồng thời cũng là cơ sở pháp lý cao nhất để mọi người và công dân bảo vệ và thực hiện quyền con người và quyền công dân của mình. Trên cơ sở của các nguyên tắc căn bản này, Hiến pháp đã quy định các quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, trong đó có bổ sung một số quyền mới một cách chặt chẽ, chính xác, khả thi, phù hợp với các công ước quốc tế về nhân quyền mà nhà nước ta là thành viên.

Các vấn đề khác: Trong lĩnh vực kinh tế - xã hội, Hiến pháp 2013 đã ghép hai chương kinh tế và chương văn hóa, xã hội, khoa học công nghệ, môi trường làm một chương (Chương III) đã thể hiện sự gắn kết hữu cơ giữa các lĩnh vực này. Hiến pháp mới cũng đã thể hiện rõ hơn bản chất nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa của đất nước. Hiến pháp không liệt kê cụ thể các thành phần kinh tế như trong Cương lĩnh chính trị mà nêu một cách tổng quát nhất nhưng vẫn khẳng định kinh tế nhà nước đóng vai trò chủ đạo, vừa thể chế hóa yêu cầu Cương lĩnh, vừa phù hợp với thực tiễn bản chất nền kinh tế thị trường định hướng XHCN.

Vấn đề quy định về đất đai cũng được đa số nhân dân quan tâm trong quá trình tham gia đóng góp ý kiến Dự thảo Hiến pháp. Điểm mới được nhắc đến trong Hiến pháp lần này về lĩnh vực đất đai thông qua việc tiếp tục khẳng định đất đai thuộc sở hữu toàn dân nhưng làm rõ hơn về điều kiện thu hồi đất, khắc phục những bất cập, khó khăn và những vướng mắc trong quá trình thu hồi đất – vốn là nguyên nhân phát sinh những khiếu kiện. Hiến pháp lần này quy định một cách tổng quan, không tách việc thu hồi đất khỏi mục tiêu vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng mà gắn kết với nhau để không tạo ra mâu thuẫn và là cơ sở quan trọng để cụ thể hóa trong Luật Đất đai.

Hiến pháp 2013 lần này cũng đã làm rõ được quy trình làm và sửa đổi Hiến pháp; quy định rõ ai, chủ thể nào thì có quyền đề xuất sáng kiến, yêu cầu sửa đổi, bổ sung Hiến pháp và khi nào yêu cầu đó được chấp thuận. Bên cạnh đó, cũng cần nhắc đến điểm mới trong việc bổ sung vào Hiến pháp quy định về trách nhiệm bảo vệ Hiến pháp; đây không phải là trách nhiệm riêng của Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân mà trách nhiệm này thuộc về toàn dân: Mọi cấp, mọi ngành, mọi người đều có trách nhiệm bảo vệ Hiến pháp.

Hiến pháp 2013 nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã thể hiện được ý Đảng, lòng dân, tinh thần dân chủ, đổi mới, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ đổi mới, công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước./.

BTV