Hội nghị tổng kết 06 năm thi hành Luật Thanh tra

08/09/2017 09:28 Số lượt xem: 225

Thực hiện Kế hoạch số 922/KH-TTCP ngày 20/4/2017 của Thanh tra Chính phủ về việc tổng kết 06 năm thi hành Luật Thanh tra, ngày 12/5/2017, Bộ Tư pháp đã ban hành Kế hoạch số 1588/KH-BTP để tổ chức, triển khai. Đồng thời, để đánh giá kết quả 06 năm triển khai thi hành Luật Thanh tra; đề xuất, kiến nghị các biện pháp, giải pháp làm cơ sở cho việc hoàn thiện căn bản hệ thống chính sách, pháp luật về thanh tra, trọng tâm là việc sửa đổi Luật Thanh tra, ngày 19/6/2017, Bộ Tư pháp ban hành Kế hoạch số 2056/KH-BTP về việc tổ chức Hội nghị tổng kết 06 năm thi hành Luật Thanh tra của Bộ Tư pháp.

Để triển khai Kế hoạch số 2056/KH-BTP về việc tổ chức Hội nghị tổng kết 06 năm thi hành Luật Thanh tra của Bộ Tư pháp, chiều ngày 24/7/2017Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội nghị tổng kết 06 năm thi hành Luật Thanh tra. Tham dự Hội nghị có đồng chí Nguyễn Văn Kim – Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ và đại diện Vụ II, Thanh tra Chính phủ; đại diện Lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ và toàn thể cán bộ, công chức Thanh tra Bộ Tư pháp, công chức được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành của Cục Bổ trợ tư pháp, Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực. Đồng chí Phan Chí Hiếu - Ủy viên Ban Cán sự Đảng, Bí thư Đảng ủy, Thứ trưởng Bộ Tư pháp đến tham dự và chỉ đạo Hội nghị.
Tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Hồng Diện, Chánh Thanh tra Bộ đã trình bày tóm tắt dự thảo báo cáo Tổng kết 06 năm thi hành Luật Thanh tra của Bộ Tư pháp. Theo đó, trong 06 năm thi hành Luật Thanh tra, Bộ Tư pháp đã tiến hành 156 cuộc thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch và đột xuất, đồng thời chủ trì 04 cuộc thanh tra liên ngành. Kết quả thanh tra, Chánh Thanh tra Bộ Tư pháp đã ban hành 48 Quyết định thu hồi tiền và thu hồi về ngân sách nhà nước số tiền là 2.053.825.518 đồng; ban hành 79 Quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền là 614.250.000 đồng. Bên cạnh đó, thực hiện Nghị định số 33/2015/NĐ-CP ngày 27/3/2015 của Chính phủ quy định về việc thực hiện kết luận thanh tra, Bộ tư pháp đã tiến hành 25 cuộc kiểm tra trực tiếp đôn đốc đối với 67 Kết luận thanh tra. Nhìn chung, các cuộc thanh tra, kiểm tra đều hoàn thành kế hoạch đã được phê duyệt, không có cuộc nào chậm tiến độ.
Bên cạnh những mặt đạt được, đồng chí Chánh Thanh tra cũng nêu ra những tồn tại, hạn chế cũng như những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thi hành các quy định của Luật Thanh tra và các văn bản quy định chi tiết, cụ thể: chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan thanh tra rất lớn nhưng quyền thì chưa tương xứng, một số quyền quan trọng chưa được bổ sung cho thanh tra như quyền xử lý vi phạm trong việc chây ỳ, không thực hiện kết luận thanh tra, quyền khởi tố vụ án, điều tra ban đầu...; về tổ chức bộ máy: hiện nay tồn tại ba cơ quan có chức năng, nhiệm vụ tương đồng là Ủy ban kiểm tra, Thanh tra và Kiểm toán dẫn đến chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn phải phối hợp nên hiệu quả không cao, quyền lực tản mạn… Ngoài ra, Thanh tra Bộ, Sở trong cùng một lĩnh vực chưa có mối liên hệ chặt chẽ về tổ chức, biên chế công tác, bổ nhiệm Thanh tra viên, lãnh đạo Thanh tra. Theo đồng chí Chánh Thanh tra, nguyên nhân chính của những tồn tại, hạn chế trên là do hệ thống các văn bản pháp luật về thanh tra còn nhiều bất cập, không phù hợp với tình hình và yêu cầu thực tiễn.
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Vũ Văn Đoàn – Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp cho biết, kể từ khi được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành (năm 2015), Cục Bổ trợ tư pháp đã tiến hành được 07 cuộc thanh tra. Ông Đoàn cũng nêu ra những khó khăn, hạn chế trong quá trình thực hiện chức năng thanh tra như biên chế còn mỏng, công chức có nghiệp vụ, chuyên môn về công tác thanh tra còn hạn chế. Do vậy, đề nghị Thanh tra Bộ trong thời gian tới có hướng dẫn cụ thể về chuyên môn, nghiệp vụ cho công chức thực hiện chức năng thanh tra của Cục.
Theo đồng chí Phó Cục trưởng Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực - Nguyễn Thanh Hải, qua công tác thanh tra chuyên ngành, Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực đã kịp thời phát hiện những sai sót, vi phạm của các đơn vị được thanh tra. Tuy nhiên, mặc dù đã kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền trong việc xử lý cán bộ, công chức sai phạm nhưng một số thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước chưa thật sự quan tâm đến việc lãnh đạo, chỉ đạo nên , vẫn có tình trạng nể nang, làm chiếu lệ, chung chung.
  Tại Hội nghị, các đại biểu đã sôi nổi thảo luận, đánh giá tình hình thực hiện Luật Thanh tra cũng như các bất cập, hạn chế trong quá trình thi hành. Đặc biệt, một số lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp nhưng Thanh tra Bộ chưa thực hiện cuộc thanh tra nào trong lĩnh vực này như lĩnh vực bồi thường nhà nước – đồng chí Trần Việt Hưng, Phó Cục trưởng Cục Bồi thường nhà nước cho biết. Ngoài ra, để phát huy vai trò, vị trí của công tác thanh tra, các đại biểu tham dự Hội nghị đã đề xuất nhiều giải pháp hoàn thiện Luật Thanh tra và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật, trong đó cần có chế tài cụ thể về xử lý các đối tượng thanh tra, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc thực hiện các kết luận thanh tra mà không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ các kết luận thanh tra; sửa đổi sửa đổi Luật Thanh tra theo hướng xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, phân định rạch ròi giữa Thanh tra Bộ và cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành...
Đồng tình với ý kiến của các đại biểu, Đồng chí Nguyễn Văn Kim – Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ thừa nhận pháp luật hiện hành quy định trao thẩm quyền cho thanh tra nhưng thanh tra không được thực hiện. Việc triển khai thực hiện Luật Thanh tra trên thực tế còn nhiều bất cập do công tác thanh tra phải lệ thuộc vào nhiều yếu tố như cơ chế quản lý trong đó các Bộ, ngành vừa có chức năng quản lý nhà nước, vừa có chức năng kinh tế; việc chồng chéo về thẩm quyền giữa cơ quan Thanh tra với cơ quan Kiểm toán, Viện kiểm sát; yêu cầu về hội nhập quốc tế là các quy phạm pháp luật trong nước và các điều ước quốc tế phải thống nhất, tránh xung đột. Đồng thời, đồng chí Kim cũng cho biết, so với các Bộ, ngành và các đơn vị khác, Bộ Tư pháp là một trong những đơn vị tổ chức Hội nghị Tổng kết sớm, nội dung báo cáo đầy đủ, đúng đề cương yêu cầu, các kiến nghị, đề xuất thiết thực, đánh giá khách quan và đã nêu được những mặt được, chưa được trong tổ chức điều hành và những bất cập chung.

  Kết luận tại Hội nghị, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu đánh giá cao sự chuẩn bị trong công tác tổ chức Hội nghị, đồng thời biểu dương công tác thanh tra trong 06 năm qua đạt được nhiều kết quả, dự thảo Báo cáo tổng kết thi hành Luật Thanh tra có nhiều nội dung tốt; thành phần tham dự Hội nghị có tinh thần nghiêm túc, các ý kiến phát biểu tập trung. Trong những năm gần đây, tổ chức bộ máy và đội ngũ công chức làm thanh tra từng bước được kiện toàn và hoàn thiện; công tác xây dựng, phê duyệt kế hoạch thanh tra phù hợp với thực tế, công tác tổ chức kế hoạch hiệu quả; qua công tác thanh tra đã chấn chỉnh, xử lý nhiều sai phạm. Thứ trưởng nhấn mạnh hoạt động kiểm tra tính chính xác, hợp pháp của kết luận thanh tra được nâng cao, chưa có trường hợp nào phải sửa đổi kết luận thanh tra và chưa có cuộc thanh tra nào phải thanh tra lại. Có thể nói, Luật Thanh tra 2010 đã được Bộ Tư pháp tổ chức thi hành nghiêm túc, công tác thanh tra có nhiều khởi sắc, đạt được nhiều kết quả. Thứ trưởng cũng ghi nhận và biểu dương các cán bộ, công chức làm công tác thanh tra đã có nhiều cố gắng trong thời gian qua.
  Bên cạnh đó, Thứ trưởng cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế như một số lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ chưa được thanh tra, kiểm tra; thanh tra hành chính chỉ tập trung ở các cơ quan THADS; thời gian thực hiện một số cuộc thanh tra còn kéo dài; việc ban hành Kết luận thanh tra còn kéo dài, ảnh hưởng đến hoạt động của các đơn vị là đối tượng thanh tra; thanh tra chuyên ngành còn lúng túng; theo dõi, xử lý sau thanh tra còn thiếu cơ chế thực hiện rõ ràng làm giảm hiệu lực của Kết luận thanh tra, Quyết định xử lý về thanh tra.
  Trên cơ sở đó, Thứ trưởng chỉ đạo Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Pháp luật hình sự - hành chính phối hợp với các đơn vị có liên quan nghiên cứu, đề xuất về việc sửa đổi Luật Thanh tra theo hướng giao chức năng thanh tra chuyên ngành cho Tổng cục THADS. Về phía Thanh tra Bộ, Thứ trưởng đề nghị tích cực phối hợp Tổng cục THADS tăng cường công tác thanh tra hành chính trong lĩnh vực THADS, đồng thời rà soát, hoàn thiện Báo cáo và trình ký chính thức gửi Thanh tra Chính phủ, đặc biệt chú trọng những đánh giá, hạn chế, bất cập trong việc tổ chức thi hành Luật Thanh tra cùng các kiến nghị, đề xuất và bổ sung nội dung về công tác thanh tra tại địa phương.
Thay mặt Thanh tra Bộ và 02 đơn vị được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành, đồng chí Nguyễn Hồng Diện – Chánh Thanh tra Bộ đã tiếp thu các ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ và đại diện Thanh tra Chính phủ. Các ý kiến chỉ đạo này là những kinh nghiệm quý báu để những người trực tiếp được giao thực hiện chức năng thanh tra của Bộ Tư pháp sẽ quyết tâm tiếp tục vượt qua khó khăn, thách thức, khắc phục những tồn tại, hạn chế, triển khai đồng bộ các mặt công tác thuộc chức năng, nhiệm vụ của mình, tập trung tổ chức thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm công tác thanh tra cuối năm 2017 và các năm tiếp theo. Cuối cùng, đồng chí Diện gửi lời chúc sức khoẻ và hạnh phúc tới các đồng chí đại biểu, các đồng chí lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ, toàn thể các đồng chí tham dự Hội nghị v tuyên bố bế mạc Hội nghị./.

Nguồn: Thanh tra Bộ Tư pháp