Việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở năm 2018
I. Khái quát tình hình chính trị của cơ quan:
Sở Tư pháp là cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, tham mưu, giúp UBND tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về: Công tác xây dựng và kiểm tra văn bản; Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật; Phổ biến, giáo dục pháp luật, Trợ giúp pháp lý; công tác Hành chính tư pháp, Bổ trợ tư pháp.
Sở Tư pháp hiện có 12 phòng, trung tâm với tổng số 76 công chức, viên chức, người lao động (trong đó có 24 biên chế công chức). Với sự quyết tâm, nỗ lực của Đảng ủy, Ban giám đốc và tập thể công chức, viên chức, người lao động, Sở Tư pháp đã tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao, công tác Tư pháp từng bước có chuyển biến tích cực.
Đảng bộ Sở Tư pháp có 5 chi bộ với 52 đảng viên, trong đó có 3 đảng viên dự bị. Đảng ủy Sở đã lãnh đạo thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chuyên môn trên các lĩnh vực công tác; thực hiện tốt việc bám sát cơ sở, hướng hoạt động tư pháp về cơ sở. Đảng ủy và các Chi bộ trực thuộc duy trì và thực hiện nghiêm túc chế độ sinh hoạt, nguyên tắc tập trung dân chủ. Công tác chính trị, tư tưởng, xây dựng đảng, kiểm tra giám sát được quan tâm và triển khai thực hiện theo quy định.
Ngày 19 tháng 7 năm 2017, Công đoàn Sở Tư pháp Bắc Ninh tổ chức Đại hội toàn thể lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2017-2022. Ban chấp hành Công đoàn đã ban hành quy chế hoạt động, Nghị quyết về phân công nhiệm vụ cho các thành viên Ban chấp hành, Quyết định thành lập Ban thanh tra nhân dân, Ủy ban kiểm tra, Ban nữ công. Công đoàn Sở Tư pháp đã tập trung chỉ đạo làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho công đoàn viên; tham mưu, phối hợp với cấp ủy, thủ trưởng cơ quan tổ chức Hội nghị cán bộ công chức, thực hiện quy chế dân chủ trong cơ quan; tổ chức cho cán bộ, đoàn viên Công đoàn nghiên cứu, quán triệt đầy đủ các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.
II. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền; Mặt trận tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội; hoạt động của Ban chỉ đạo QCDC
1. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở tại cơ quan và trong hệ thống ngành
Nhận thức rõ việc thực hiện quy chế dân chủ trong sinh hoạt của cơ quan là nhiệm vụ rất quan trọng, Đảng ủy, Lãnh đạo Sở, Công đoàn Sở đã quan tâm chỉ đạo tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện các văn bản của Đảng, Nhà nước đến toàn thể cán bộ, đảng viên, cụ thể: Chỉ thị 30-CT/TW ngày 18/02/1998 của Bộ Chính trị, Kết luận số 120-KL/TW ngày 07/01/2016 của Ban chấp hành Trung ương và Nghị định 04/2015/NĐ-CP ngày 9/1/2015 của Chính phủ về thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập; kế hoạch số 175/KH-UBND ngày 20/6/2016 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện Nghị định số 04/2015/NĐ-CP.
Trên cơ sở các văn bản của Trung ương và Tỉnh, Sở Tư pháp đã chỉ đạo rà soát Quy chế dân chủ của cơ quan được ban hành kèm theo Quyết định số 25/QĐ-STP ngày 25/3/2015 và triển khai tiếp tục thực hiện quy chế. Đồng thời gắn với thực hiện quy chế dân chủ cơ sở với việc tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính; học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; nghiêm túc kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), chỉ rõ những tồn tại, hạn chế... Qua đó cán bộ, đảng viên trong cơ quan đã phát huy quyền làm chủ, nêu cao ý thức tự giác, tinh thần trách nhiệm, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, thực hành tiết kiệm, phòng, chống tham ô, lãng phí, quan liêu trong cơ quan.
2. Kết quả thực hiện Quy chế dân chủ trong cơ quan
* Công tác xây dựng, thực hiện Quy chế dân chủ
- Tiếp tục triển khai thực hiện Quyết định số 25/QĐ-STP ngày 25/3/2015 ban hành Quy chế thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan Sở Tư pháp. Bên cạnh đó, Sở tiến hành xây dựng các nội quy, quy chế nhằm tạo điều kiện cho cán bộ, công chức thực hiện dân chủ trực tiếp trong hoạt động của cơ quan, như: Quy chế làm việc; Quy chế chi tiêu nội bộ, Quy định chức năng, nhiệm vụ cụ thể của các phòng,..
- Tiến hành đánh giá kết quả thực hiện quy chế chi tiêu nội bộ, quy chế làm việc, nội quy tiếp dân, cải cách thủ tục hành chính; công khai minh bạch nguồn kinh phí được phân bổ và nguồn thu của cơ quan.
* Thực hiện cải cách hành chính; phòng chống tham nhũng, lãng phí; tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo
- Đẩy mạnh cải cách hành chính, thực hiện tiếp nhận 100% thủ tục hành chính tại Trung Tâm hành chính công tỉnh, trong đó đề xuất thực hiện “4 tại chỗ” đối với 02 thủ tục hành chính; công khai quy trình giải quyết thủ tục hành chính trên trang thông tin điện tử của Sở, tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân tiếp cận, giám sát...
Quan tâm tạo điều kiện, khuyến khích cán bộ tự học, tự nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để phục vụ quá trình công tác, cử cán bộ, công chức tham dự các lớp bồi dưỡng, nghiệp vụ, các buổi hội thảo do Bộ Tư pháp và tỉnh tổ chức. Năm 2018 đã cử 08 đồng chí là lãnh đạo các đơn vị tham gia lớp bồi dưỡng nghiệp vụ lãnh đạo cấp phòng; cử 01 đồng chí tham gia lớp bồi dưỡng quản lý nhà nước chương trình chuyên viên chính; cử 06 đồng chí là lãnh đạo các đơn vị tham gia lớp bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho đối tượng 3; bồi dưỡng nghiệp vụ lập hồ sơ, giao nộp hồ sơ, tài liệu vào lưu trữ cơ quan, lưu trữ lịch sử cho 10 công chức...
- Thường xuyên lồng ghép, quán triệt và tổ chức thực hiện Quyết định số 30/2006/QĐ-TTg ngày 06/02/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chương trình hành động của Chính phủ thực hiện luật Phòng, chống tham nhũng; Nghị định số 47/2007/NĐ-CP ngày 27/3/2007 của Chính Phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của luật Phòng, chống tham nhũng về vai trò, trách nhiệm của xã hội trong phòng, chống tham nhũng, thực hiện đầy đủ việc kê khai tài sản, thu nhập của công chức, viên chức theo Nghị định 78/2013/NĐ-CP ngày 17/7/2013 về minh bạch tài sản, thu nhập; Thông tư số 08/2013/TT-TTCP ngày 31/10/2013 của Thanh tra Chính phủ.
- Công tác tiếp dân của lãnh đạo Sở Tư pháp được công khai và tổ chức tiếp 2 ngày trong tháng (tại Ban tiếp công dân của tỉnh) theo quy định của pháp luật và theo yêu cầu của HĐND, UBND tỉnh. Sở bố trí 01 phòng riêng cho công tác tiếp dân có niêm yết công khai nội quy tiếp dân, trình tự giải quyết khiếu nại, tố cáo, quyền và trách nhiệm của người khiếu nại và công chức thực hiện nhiệm vụ tiếp dân. Công chức, viên chức giải quyết công việc theo đúng thẩm quyền được giao và đúng quy định, không quan liêu, hách dịch, cửa quyền, tham nhũng, gây khó khăn, phiền hà, sách nhiễu trong giải quyết công việc của công dân, tổ chức; không có trường hợp cán bộ công chức, viên chức để lộ thông tin về bảo vệ bí mật nhà nước, bí mật công tác.
* Nâng cao vai trò của Ban thanh tra nhân dân và các đoàn thể
Công đoàn Sở Tư pháp đã tập trung chỉ đạo làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho công đoàn viên; tham mưu, phối hợp với cấp ủy, thủ trưởng cơ quan tổ chức Hội nghị cán bộ công chức, thực hiện quy chế dân chủ trong cơ quan; tổ chức cho cán bộ, đoàn viên Công đoàn nghiên cứu, quán triệt đầy đủ các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, xây dựng công sở văn hóa, xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch vững mạnh….
Trong hai ngày 27 và 28 tháng 10 năm 2018, Chi đoàn Sở phối hợp với Ban Nữ công Sở tổ chức chuyến hành trình “Về thăm quê Bác” tại xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Trong chuyến hành trình, các cán bộ Sở Tư pháp đã tổ chức quyên góp tiền và quần áo còn giá trị sử dụng cao để bàn giao cho Hội phụ nữ xã Kim Liên ủng hộ tới các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, kết quả ủng hộ: tổng số tiền 4.000.000 đồng cho 2 cháu học sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn tại xã Kim Liên; 08 thùng quần áo để chuyển đến các địa bàn miền núi thuộc huyện Nam Đàn.
Ban thanh tra nhân dân thực hiện giám sát việc thực hiện nội quy, quy chế hoạt động tại cơ quan; việc thực hiện công khai tài chính, minh bạch trong việc kê khai tài sản... qua đó ngăn ngừa các biểu hiện tham nhũng.
Trên đây là nội dung về việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở năm 2018 của Sở Tư pháp Bắc Ninh./.