UBND tỉnh Bắc Ninh ban hành Kế hoạch thực hiện nhiệm vụ quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn tỉnh năm 2015

31/03/2015 07:48 Số lượt xem: 112
UBND tỉnh Bắc Ninh vừa ban hành Kế hochj số 47/KH-UBND về thực hiện nhiệm vụ quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn tỉnh năm 2015, theo đó:

Về mục đích, Kế hoạch xác định: Nhằm thực hiện nhiệm vụ quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính một cách đầy đủ, nghiêm túc toàn diện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn; Xây dựng cơ chế phối hợp giữa các Sở, ngành, địa phương trong việc trao đổi, cung cấp thông tin về xử lý vi phạm hành chính để phục vụ cho việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính; kiện toàn tổ chức, biên chế bảo đảm triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả việc quản lý thống nhất công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn tỉnh;

 

UBND cũng đề ra yêu cầu, đó là: Xác định cụ thể nội dung công việc, bảo đảm tiến độ, chất lượng, thời hạn hoàn thành và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức liên quan trong việc thực hiện nhiệm vụ quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; Trong quá trình thực hiện, phải bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan liên quan, kịp thời đôn đốc, hướng dẫn và tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính.

 

Về nội dung, UBND tỉnh đề ra các nội dung trọng tâm, phân công nhiệm vụ và tiến độ thời gian thực hiện cụ thể, bao gồm:

 

Một là, Xây dựng, hoàn thiện pháp luật về xử lý vi phạm hành chính:

 

Tiếp tục xây dựng trình cơ quan có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền văn bản quy phạm pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; Rà soát, theo dõi việc thi hành các văn bản quy phạm pháp luật về xử lý vi phạm hành chính để kịp thời phát hiện các quy định không khả thi, không phù hợp với thực tiễn hoặc chồng chéo, mâu thuẫn để sửa đổi, bổ sung hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung; Ban hành Quy chế phối hợp giữa các cơ quan liên quan trong việc thực hiện quản lý nhà nước công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính tại địa phương.

 

Hai là, Phổ biến pháp luật về xử lý vi phạm hành chính

 

Tiếp tục tăng cường tổ chức phổ biến pháp luật về xử lý vi phạm hành chính với các hình thức phổ biến pháp luật phù hợp cho từng đối tượng cụ thể để bảo đảm công tác phổ biến đem lại hiệu quả, góp phần nâng cao nhận thức, hiểu biết của cán bộ, công chức và nhân dân trong tỉnh nhất là đối với đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác xử lý vi phạm hành chính.

 

 

Ba là, Hướng dẫn, tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ áp dụng pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

 

 

Biên soạn tài liệu tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ xử lý vi phạm hành chính có nội dung phù hợp với đối tượng được tập huấn; Tổ chức tập huấn, tập huấn chuyên sâu, bồi dưỡng nghiệp vụ cho lãnh đạo các cấp, cán bộ làm công tác quản lý, cán bộ trực tiếp làm công tác xử lý vi phạm hành chính.

 

 

Bốn là, Thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để thực hiện kiểm tra liên ngành về tình hình thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính theo quy định.

 

 

Năm là, Tổ chức thanh tra theo kiến nghị của Sở Tư pháp hoặc khi có phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức, báo chí về việc áp dụng pháp luật về xử lý vi phạm hành chính có ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức trên địa bàn.

 

 

Sáu là, Thống kê, xây dựng cơ sở dữ liệu về xử lý vi phạm hành chính

 

 

Sở Tư pháp, UBND cấp huyện và các cơ quan liên quan có trách nhiệm thống kê và xây dựng cơ sở dữ liệu về xử lý vi phạm hành chính để báo cáo UBND cấp tỉnh, Bộ Tư pháp.

 

 

Bẩy là, Báo cáo và đánh giá việc thực hiện việc thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính theo quy định.

 

Sở Tư pháp, UBND cấp huyện và các cơ quan liên quan có trách nhiệm tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được giao, kịp thời báo cáo UBND tỉnh những khó khăn, vướng mắc trong việc tổ chức thực hiện.

Tám là, Kiện toàn tổ chức, biên chế thuộc Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp và công chức Tư pháp – Hộ tịch cấp xã giúp UBND cùng cấp thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về xử lý vi phạm hành chính.

 

 

Bố trí hợp lý cán bộ chuyên trách cho Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp để giúp UBND cùng cấp thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về xử lý vi phạm hành chính theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính và Nghị định số 81/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 của Chính phủ trên căn cứ hướng dẫn của “Thông tư liên tịch số 23/TTLT-BTP-BNV ngày 22/12/2014 của Bộ Tư pháp và Bộ Nội vụ hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Sở Tư pháp thuộc UBND cấp tỉnh, Phòng Tư pháp thuộc UBND cấp huyện và công tác tư pháp của UBND cấp xã”

Sở Tư Pháp
Nguồn: BBN