Tư pháp địa phương: Nhiều giải pháp sáng tạo trong giải quyết công việc

15/01/2019 11:18 Số lượt xem: 211
Năm 2018 mặc dù còn nhiều khó khăn song Tư pháp địa phương vẫn luôn nỗ lực, chủ động, sáng tạo, đặc biệt liên quan đến giải quyết công việc cho người dân. Những chuyển biến tích cực đó được người dân ghi nhận.

Tiện ích nhận kết quả tại nhà

Một trong những sự kiện được chào đón của ngành Tư pháp TP Hồ Chí Minh những ngày cuối cùng của năm 2018 là việc Sở Tư pháp ra mắt dịch vụ tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính cấp Phiếu Lý lịch tư pháp (LLTP) qua dịch vụ Bưu chính công ích.

Theo đó, thay vì phải đến trực tiếp Sở Tư pháp, mất nhiều thời gian, công sức để làm hồ sơ thì với việc cung cấp dịch vụ mới này, người dân chỉ mất một khoản kinh phí (26.000 – 53.000 đồng/hồ sơ, tùy địa bàn trong TP HCM; cân nặng hồ sơ) sẽ được phục vụ tại nhà.

Dịch vụ này tiện ích hơn rất nhiều đối với những người ở xa trung tâm thành phố, việc đi lại rất khó khăn, vất vả. Việc triển khai dịch vụ tiếp nhận, trả hồ sơ tại địa chỉ cư trú của người dân hay hệ thống các bưu cục của Bưu điện thành phố ở khắp các quận - huyện, phường - xã -thị trấn kỳ vọng sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân. 

Được biết, mỗi ngày Sở Tư pháp TP nhận từ 600-1.2000 hồ sơ hành chính. Trong đó, khoảng 50% lượng hồ sơ hành chính là cấp Phiếu LLTP. Lượng hồ sơ quá nhiều nên người dân khi đến Sở Tư pháp TP HCM làm thủ tục trực tiếp thường phải chờ đợi cả khi nộp hồ sơ lẫn khi đến nhận kết quả.

Cũng trong việc cấp Phiếu LLTP, năm 2018, Hà Nội đã tiếp nhận và giải quyết yêu cầu cấp Phiếu LLTP của 49.901 lượt công dân, đã giải quyết xong và cấp 49.760 Phiếu LLTP (đạt 99,7%). Thành phố tiếp tục đẩy mạnh cấp Phiếu LLTP qua dịch vụ bưu chính, đăng ký cấp Phiếu LLTP trực tuyến, tổng số hồ sơ yêu cầu cấp Phiếu LLTP đã tiếp nhận và giải quyết qua dịch vụ bưu chính và trực tuyến là 14.979 hồ sơ.

Trong đó: cấp Phiếu LLTP qua dịch vụ bưu chính là 4.285 hồ sơ; đăng ký cấp Phiếu LLTP qua trực tuyến là 10.694 hồ sơ. Tỷ lệ giải quyết cấp Phiếu LLTP trước hạn cho dân tại Hà Nội cũng ngày càng gia tăng.

Cũng tại Hà Nội, nhằm tạo điều kiện cho người dân trong công tác đăng ký hộ tịch, UBND các phường trên địa bàn quận Hà Đông đã thực hiện tiếp nhận và giải quyết yêu cầu đăng ký khai sinh, khai tử tại nhà cho công dân.

Tại quận Long Biên cũng đã thực hiện trả kết quả thủ tục hành chính tại nhà trong đó có giấy khai tử kể cả ngày nghỉ, ngày lễ để giải quyết kịp thời nhu cầu cho người dân, với giấy khai sinh  kết hợp tặng hoa và thiệp chúc mừng. 

Mô hình nói trên cũng đã được triển khai từ tháng 5/2017 tại Đà Nẵng, công dân trên địa bàn thành phố Đà Nẵng khi qua đời, chính quyền địa phương sẽ đến thăm viếng, chia buồn và thực hiện khai tử ngay tại gia đình.

Như vậy, sau thời gian triển khai trao giấy khai sinh, thẻ bảo hiểm y tế, hộ khẩu tại gia đình trẻ em mới ra đời được người dân đánh giá cao, thành phố Đà Nẵng tiếp tục thực hiện Đề án triển khai thí điểm việc chính quyền thăm viếng, chia buồn và thực hiện việc khai tử tại gia đình công dân trên địa bàn thành phố.

Việc làm này mang tính nhân văn sâu sắc. Được biết, mô hình này hiện cũng đang được triển khai ở nhiều địa phương trên cả nước được người dân đồng tình, ủng hộ.

Đẩy mạnh xã hội hóa nghề tư pháp

Năm 2018, việc xã hội hoá các nghề tư pháp được Bộ, ngành Tư pháp tiếp tục đẩy mạnh thực hiện với chất lượng hành nghề được cải thiện, không những giảm sức ép cho cơ quan nhà nước trong cung cấp dịch vụ công, mà còn phục vụ tốt hơn nhu cầu ngày càng lớn của người dân, góp phần đẩy mạnh cải cách tư pháp.

Một trong những lĩnh vực được xã hội hóa mạnh mẽ là công chứng. Ở nhiều địa phương, đặc biệt là các thành phố lớn, kinh tế phát triển, Văn phòng Công chứng đã được thành lập ở tất cả các quận, huyện. Chất lượng hành nghề công chứng ngày càng bảo đảm khiến người dân dần không còn tâm lý phân biệt công chứng công hoặc công chứng tư như trước. 

Năm 2018, Bộ Tư pháp đã phê duyệt Đề án thành lập Văn phòng Thừa phát lại của 06 địa phương, nâng tổng số các địa phương thực hiện chế định thừa phát lại lên 33 tỉnh, thành phố. Với việc ra đời các Văn phòng Thừa phát lại sẽ tạo điều kiện cho người dân, đương sự chủ động thu thập chứng cứ chứng minh, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình thông qua hoạt động lập vi bằng; các cơ quan nhà nước cũng giảm tải công việc khi có Thừa phát lại tống đạt các giấy tờ theo quy định.

Còn trong lĩnh vực giám định tư pháp, tại TP Hồ Chí Minh, Văn phòng Giám định tư pháp (GĐTP) Sài Gòn được thành lập ở lĩnh vực tài chính nhiều năm qua hoạt động rất hiệu quả.

Từ mô hình này, khi sửa đổi Luật GĐTP, nhiều ý kiến cho rằng cần nghiên cứu mở rộng phạm vi xã hội hóa GĐTP theo hướng cho phép thành lập Văn phòng GĐTP ở một số lĩnh vực, chuyên ngành giám định thực sự có nhu cầu lớn, thường xuyên như giám định dấu vết tài liệu... để đáp ứng nhu cầu bức thiết của các đương sự trong các vụ án dân sự, hành chính và một số cơ quan nhà nước như thanh tra, kiểm toán, ngân hàng.

Từ đó, phát huy mạnh mẽ các nguồn lực xã hội cho GĐTP, bảo đảm đáp ứng tốt hơn nữa yêu cầu GĐTP của hoạt động tố tụng trước yêu cầu đẩy mạnh cải cách tư pháp, giảm gánh nặng cho đầu tư của Nhà nước.

Với những nỗ lực trong việc tìm kiếm các giải pháp tạo sự thuận lợi cho người dân cùng với chủ trương đẩy mạnh xã hội hóa các nghề tư pháp, ngành Tư pháp ngày càng khẳng định vai trò trong đời sống, “vì dân phục vụ” được người dân ghi nhận, đánh giá cao.

BBT
Nguồn: PLO