Ngành Tư pháp Bắc Ninh quyết tâm thực hiện thắng lợi Chương trình hành động của Bộ Tư pháp thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 02/01/2014 của Chính phủ

06/06/2014 00:25 Số lượt xem: 68
Phát huy những kết quả đáng ghi nhận năm 2013, bước sang năm 2014 toàn ngành Tư pháp tỉnh Bắc Ninh sẽ đoàn kết, nỗ lực, quyết tâm hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ chính trị; thực hiện thắng lợi Chương trình hành động của Bộ Tư pháp thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 02/01/2014 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2014.Các nhiệm vụ trọng tâm, chủ yếu phải thực hiện trong năm 2014 đó là:
Đồng chí Chu Văn Thảo - Tỉnh Ủy viên, Giám đốc Sở Tư pháp phát biểu tại hội nghị Cán bộ Công chức - viên chức năm 2014

Thứ nhất. Về triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013

Trên cơ sở kế hoạch của Chính phủ, tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013 và chỉ đạo các cấp, các ngành trên địa bàn nghiêm túc tổ chức thực hiện các nội dung của kế hoạch.

Thứ hai. Về công tác xây dựng, thẩm định, góp ý và hoàn thiện hệ thống pháp luật

Tiếp tục tham mưu cải tiến quy trình, nâng cao chất lượng công tác xây dựng, thẩm định văn bản QPPL, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất với hệ thống pháp luật của dự thảo văn bản, chú trọng hơn tới tính khả thi, tính hợp lý của văn bản QPPL.

Bên cạnh đó, tham gia có chất lượng đối với các dự án luật theo yêu cầu của Bộ Tư pháp và các cơ quan ở Trung ương như Luật Ban hành văn bản QPPL (hợp nhất); Luật Ban hành quyết định hành chính; Bộ luật Hình sự, Bộ luật Dân sự; Luật Hộ tịch...

Tham mưu UBND tỉnh triển khai thực hiện các văn bản, đề án sau khi đã được ban hành như: Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Hôn nhân và gia đình (sửa đổi), Nghị định về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký, hợp đồng, giao dịch, Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 78/2009/NĐ-CP ngày 22/9/2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh tình trạng sử dụng bản sao có chứng thực, Đề án xây dựng cơ sở dữ liệu hộ tịch trong toàn quốc...

Thứ ba. Về công tác theo dõi thi hành pháp luật, kiểm soát thủ tục hành chính, xử lý vi phạm hành chính

Đây là những lĩnh vực mới, cần thiết phải tăng cường các hoạt động quản lý Nhà nước. Thực hiện hiệu quả công tác kiểm soát TTHC, gắn kết việc kiểm soát TTHC với xây dựng, thẩm định văn bản QPPL, theo dõi thi hành pháp luật và kiểm tra văn bản QPPL; đẩy mạnh việc rà soát, công bố kịp thời các thủ tục hành chính mới hoặc đã được sửa đổi, bổ sung; kiểm tra, giám sát việc thực hiện các thủ tục hành chính, bảo đảm sự thống nhất trong áp dụng thủ tục hành chính trong toàn quốc. Tiếp tục đơn giản hoá thủ tục hành chính, cải cách thủ tục hành chính trong thực hiện dự án đầu tư, cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư.

Giúp UBND tỉnh triển khai thực hiện một cách đồng bộ và có hiệu quả các đề án, Nghị định và văn bản hướng dẫn ngay sau khi được ban hành như: Đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2011 – 2020; Đề án thiết lập hệ thống thông tin tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị về quy định hành chính và tình hình, kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại các cấp chính quyền; Đề án liên thông thủ tục đăng ký khai sinh, đăng ký hộ khẩu và cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi và Đề án thí điểm liên thông thủ tục công chứng, đăng ký quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất và thuế...

Triển khai thực hiện có hiệu quả Luật Xử lý vi phạm hành chính, các Nghị định của Chính phủ và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án xây dựng tổ chức bộ máy, biên chế triển khai thực hiện quản lý thống nhất công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính. Từng bước xây dựng cơ sở dữ liệu thống nhất về xử lý vi phạm hành chính, bảo đảm phát huy hiệu quả công cụ xử lý hành chính của Nhà nước. Tham mưu chỉ đạo việc quản lý và sử dụng đúng quy định các khoản thu từ xử phạt vi phạm hành chính.

Thứ tư. Về công tác phổ biến, GDPL, trợ giúp pháp lý và hòa giải ở cơ sở

Đẩy mạnh và tăng cường xã hội hóa công tác phổ biến, GDPL, trợ giúp pháp lý, đưa các công tác này đi vào chiều sâu, bám sát hơn nhu cầu xã hội, gắn kết với nội dung hoạt động của các chương trình mục tiêu quốc gia hướng tới tiến trình cơ cấu lại nền nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới phát triển bền vững, chú trọng người nghèo, đối tượng chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa. Tiếp tục tổ chức tốt Ngày Pháp luật năm 2014 với hình thức và nội dung phù hợp, nâng cao ý thức pháp luật, tự giác chấp hành pháp luật, ý thức trách nhiệm cộng đồng của người dân, tổ chức, tạo nên sự bền vững của kỷ cương, phép nước.

Tập trung tuyên truyền, phổ biến Hiến pháp 2013 và những văn bản QPPL mới được ban hành, nhất là những văn bản liên quan đến những lĩnh vực bức xúc, nhạy cảm với đời sống xã hội. Tăng cường tuyên truyền chủ quyền biển đảo, phổ biến pháp luật liên quan đến hoạt động khai thác trên các vùng biển, tiếp tục tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng theo các Nghị quyết của Đảng, Chính phủ.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp để đưa Luật Hòa giải ở cơ sở đi vào cuộc sống, góp phần giải quyết kịp thời những mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật, giảm bớt các khiếu nại, tố cáo, tăng cường tinh thần đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong cộng đồng dân cư.

Thứ năm. Về công tác bổ trợ tư pháp và đăng ký giao dịch bảo đảm

Tiếp tục nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực bổ trợ tư pháp, luật sư, công chứng, chứng thực, giao dịch bảo đảm, giám định tư pháp. Tham mưu UBND tỉnh triển khai thi hành Nghị định, Thông tư có liên quan ngay sau khi đã được ban hành. Đẩy mạnh công tác quản lý bán đấu giá tài sản theo Nghị định số 17/2010/NĐ-CP, nhất là việc bán đấu giá tài sản sung công, tài sản phạt vi phạm hành chính, xử lý hình sự, tài sản công, quyền sử dụng đất, góp phần tiết kiệm, chống lãng phí, tăng thu cho ngân sách nhà nước, giải quyết nợ xấu, thúc đẩy các hoạt động kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội.

Triển khai thực hiện có hiệu quả Luật Giám định tư pháp, tiếp tục tháo gỡ một số điểm nghẽn trong công tác này; củng cố, kiện toàn các tổ chức giám định tư pháp; có cơ chế, chính sách thu hút những người có chuyên môn, nghiệp vụ vào làm việc tại các tổ chức giám định, tạo sự chuyển biến cơ bản về chất, đảm bảo trở thành một công cụ đắc lực phục vụ hoạt động tố tụng, góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các cá nhân, tổ chức trong xã hội, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng. 

           Bên cạnh đó, nhiều nhiệm vụ quan trọng khác cũng cần tham mưu UBND tỉnh triển khai thực hiện như tăng cường các biện pháp chỉ đạo thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; các biện pháp bảo đảm nguồn lực cho công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật, tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh theo Nghị định 55 của Chính phủ. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương công vụ và trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp của cán bộ công chức, khắc phục tình trạng vi phạm pháp luật trong các hoạt động tư pháp, tăng cường các biện pháp đấu tranh phòng, chống tội phạm./.

Nguyễn Thị Nga
Nguồn: BBN