Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư

21/07/2020 08:09 Số lượt xem: 89
Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (Luật số: 64/2020/QH14) được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 18/6/2020 (dưới đây gọi tắt là Luật). Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021, trừ quy định tại khoản 6 Điều 101 của Luật (Dự án áp dụng loại hợp đồng BT chưa được phê duyệt chủ trương đầu tư thì dừng thực hiện kể từ ngày 15/8/2020).

Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (Public Private Partnership - sau đây gọi là đầu tư theo phương thức PPP) là phương thức đầu tư được thực hiện trên cơ sở hợp tác có thời hạn giữa Nhà nước và nhà đầu tư tư nhân thông qua việc ký kết và thực hiện hợp đồng dự án PPP nhằm thu hút nhà đầu tư tư nhân tham gia dự án PPP. 

Doanh nghiệp dự án PPP là doanh nghiệp do nhà đầu tư thành lập có mục đích duy nhất để ký kết và thực hiện hợp đồng dự án PPP.

Dự án PPP là tập hợp các đề xuất có liên quan đến việc đầu tư để cung cấp sản phẩm, dịch vụ công thông qua việc thực hiện một hoặc các hoạt động: Xây dựng, vận hành, kinh doanh công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng; Cải tạo, nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa, vận hành, kinh doanh công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng sẵn có; Vận hành, kinh doanh công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng sẵn có.

Hợp đồng dự án PPP là thỏa thuận bằng văn bản giữa cơ quan ký kết hợp đồng với nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP về việc Nhà nước nhượng quyền cho nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP thực hiện dự án PPP theo quy định của Luật bao gồm các loại hợp đồng: Hợp đồng Xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao (Build - Operate - Transfer, sau đây gọi là hợp đồng BOT); Hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao - Kinh doanh (Build - Transfer - Operate, sau đây gọi là hợp đồng BTO); Hợp đồng Xây dựng - Sở hữu - Kinh doanh (Build - Own - Operate, sau đây gọi là hợp đồng BOO); Hợp đồng Kinh doanh - Quản lý (Operate - Manage, sau đây gọi là hợp đồng O&M); Hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao - Thuê dịch vụ (Build - Transfer - Lease, sau đây gọi là hợp đồng BTL); Hợp đồng Xây dựng - Thuê dịch vụ - Chuyển giao (Build - Lease - Transfer, sau đây gọi là hợp đồng BLT); Hợp đồng hỗn hợp theo quy định tại khoản 3 Điều 45 của Luật.

Lĩnh vực đầu tư, quy mô và phân loại dự án PPP

Thứ nhất, lĩnh vực đầu tư theo phương thức PPP bao gồm: Giao thông vận tải; Lưới điện, nhà máy điện, trừ nhà máy thủy điện và các trường hợp Nhà nước độc quyền theo quy định của Luật Điện lực; Thủy lợi; cung cấp nước sạch; thoát nước và xử lý nước thải; xử lý chất thải; Y tế; giáo dục - đào tạo; Hạ tầng công nghệ thông tin.

Thứ hai, quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu của dự án PPP được quy định:

- Không thấp hơn 200 tỷ đồng đối với dự án thuộc lĩnh vực Giao thông vận tải; Lưới điện, nhà máy điện, trừ nhà máy thủy điện và các trường hợp Nhà nước độc quyền theo quy định của Luật Điện lực; Thủy lợi; cung cấp nước sạch; thoát nước và xử lý nước thải; xử lý chất thải; Hạ tầng công nghệ thông tin; trường hợp thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật về đầu tư thì không thấp hơn 100 tỷ đồng;

- Không thấp hơn 100 tỷ đồng đối với dự án thuộc lĩnh vực Y tế; giáo dục - đào tạo;

- Quy định về quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu nêu trên không áp dụng đối với dự án theo loại hợp đồng O&M (Hợp đồng O&M là hợp đồng mà nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP được nhượng quyền để kinh doanh, quản lý một phần hoặc toàn bộ công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng sẵn có trong thời hạn nhất định; hết thời hạn, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP chấm dứt hợp đồng).

Thứ ba, dự án PPP được phân loại theo thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư bao gồm: Dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội; Dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ; Dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Bộ trưởng, người đứng đầu cơ quan trung ương, cơ quan khác quy định tại khoản 1 Điều 5 của Luật; Dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh.

Thứ tư, Chính phủ quy định chi tiết về lĩnh vực đầu tư tại khoản 1 và quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu đối với từng lĩnh vực tại khoản 2 Điều 4.

Cơ quan có thẩm quyền và cơ quan ký kết hợp đồng dự án PPP

Một là, Cơ quan có thẩm quyền bao gồm:

- Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Cơ quan trung ương của tổ chức chính trị, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội, cơ quan trung ương của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và của tổ chức chính trị - xã hội (sau đây gọi là Bộ, cơ quan trung ương);

- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;

- Cơ quan, tổ chức được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập và được giao dự toán ngân sách theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước (sau đây gọi là cơ quan khác).

Hai là, cơ quan ký kết hợp đồng dự án PPP bao gồm: Cơ quan có thẩm quyền trên; Cơ quan, đơn vị được cơ quan có thẩm quyền ủy quyền ký kết hợp đồng.

Ba là, trường hợp dự án thuộc phạm vi quản lý của nhiều cơ quan có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều 5 hoặc trong trường hợp thay đổi cơ quan có thẩm quyền, các cơ quan này báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định giao một cơ quan làm cơ quan có thẩm quyền.

Bốn là, cơ quan có thẩm quyền được ủy quyền cho cơ quan, đơn vị trực thuộc làm cơ quan ký kết hợp đồng dự án PPP thuộc thẩm quyền của mình.

05 Nguyên tắc quản lý đầu tư theo phương thức PPP

Thứ nhất, phù hợp với chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia và quy hoạch có liên quan theo quy định của pháp luật về quy hoạch.

Thứ hai, bảo đảm quản lý, sử dụng hiệu quả các nguồn lực của Nhà nước trong dự án PPP.

Thứ ba, việc thực hiện hoạt động kiểm tra, thanh tra, kiểm toán nhà nước, giám sát dự án PPP phải bảo đảm không làm cản trở hoạt động đầu tư, kinh doanh bình thường của nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP.

Thứ tư, bảo đảm đầu tư công khai, minh bạch, bình đẳng, bền vững và hiệu quả.

Thứ năm, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư, người sử dụng và cộng đồng.

Công khai, minh bạch trong đầu tư theo phương thức PPP

Một là, các thông tin phải được công bố trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia bao gồm: Thông tin về quyết định chủ trương đầu tư, quyết định phê duyệt dự án PPP; Thông tin về lựa chọn nhà đầu tư bao gồm: thông báo mời sơ tuyển, thông báo mời thầu, danh sách ngắn, kết quả lựa chọn nhà đầu tư; Thông tin về nhà đầu tư được lựa chọn, doanh nghiệp dự án PPP; Nội dung chính của hợp đồng dự án PPP bao gồm: tổng mức đầu tư; cơ cấu nguồn vốn trong dự án; loại hợp đồng; thời hạn thực hiện dự án; giá, phí sản phẩm, dịch vụ công; hình thức và địa điểm thu giá, phí (nếu có) và các thông tin cần thiết khác; Giá trị quyết toán vốn đầu tư công trong dự án PPP trong trường hợp có sử dụng vốn đầu tư công; Văn bản quy phạm pháp luật về đầu tư theo phương thức PPP; Cơ sở dữ liệu về nhà đầu tư; Thông tin giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, xử lý vi phạm pháp luật về đầu tư theo phương thức PPP.

Hai là, ngoài việc công bố trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, các thông tin: Thông tin về quyết định chủ trương đầu tư, quyết định phê duyệt dự án PPP; Thông tin về lựa chọn nhà đầu tư bao gồm: thông báo mời sơ tuyển, thông báo mời thầu, danh sách ngắn, kết quả lựa chọn nhà đầu tư; Thông tin về nhà đầu tư được lựa chọn, doanh nghiệp dự án PPP; Nội dung chính của hợp đồng dự án PPP bao gồm: tổng mức đầu tư; cơ cấu nguồn vốn trong dự án; loại hợp đồng; thời hạn thực hiện dự án; giá, phí sản phẩm, dịch vụ công; hình thức và địa điểm thu giá, phí (nếu có) và các thông tin cần thiết khác phải được công bố trên trang thông tin điện tử (nếu có) của cơ quan có thẩm quyền.

Ba là, các thông tin phải được công bố trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia được khuyến khích đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng khác.

Các hành vi bị nghiêm cấm trong đầu tư theo phương thức PPP

Thứ nhất, quyết định chủ trương đầu tư dự án PPP không phù hợp với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch; không xác định được nguồn vốn nhà nước trong dự án PPP đối với dự án có yêu cầu sử dụng vốn nhà nước; không đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục theo quy định của Luật.

Thứ hai, phê duyệt dự án PPP khi chưa có chủ trương đầu tư; không phù hợp với chủ trương đầu tư; không đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục theo quy định của Luật.

Thứ ba, cơ quan có thẩm quyền, cơ quan ký kết hợp đồng thông đồng với tổ chức tư vấn, nhà đầu tư dẫn tới quyết định chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án PPP gây thất thoát vốn, tài sản của Nhà nước, tài nguyên của quốc gia; làm tổn hại, xâm phạm lợi ích của công dân và của cộng đồng.

Thứ tư, không bảo đảm công bằng, minh bạch trong lựa chọn nhà đầu tư, bao gồm các hành vi sau đây:

- Tham dự thầu với tư cách là nhà đầu tư đối với dự án do mình làm bên mời thầu, cơ quan có thẩm quyền, cơ quan ký kết hợp đồng hoặc thực hiện các nhiệm vụ của bên mời thầu, cơ quan có thẩm quyền, cơ quan ký kết hợp đồng;

- Tham gia lập đồng thời tham gia thẩm định hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, tham gia đánh giá hồ sơ dự thầu đồng thời tham gia thẩm định kết quả lựa chọn nhà đầu tư đối với cùng một dự án;

- Là cá nhân thuộc bên mời thầu, cơ quan có thẩm quyền, cơ quan ký kết hợp đồng mà trực tiếp tham gia quá trình lựa chọn nhà đầu tư hoặc tham gia tổ chuyên gia, tổ thẩm định kết quả lựa chọn nhà đầu tư hoặc là người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền, cơ quan ký kết hợp đồng, bên mời thầu đối với dự án do bố đẻ, mẹ đẻ, bố vợ, mẹ vợ, bố chồng, mẹ chồng, vợ hoặc chồng, con đẻ, con nuôi, con dâu, con rể, anh ruột, chị ruột, em ruột đứng tên tham dự thầu hoặc là người đại diện hợp pháp của nhà đầu tư tham dự thầu;

- Đứng tên tham dự thầu dự án do cơ quan có thẩm quyền, cơ quan ký kết hợp đồng, bên mời thầu là cơ quan, tổ chức nơi mình đã công tác trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày không làm việc tại cơ quan, tổ chức đó.

Thứ năm, tiết lộ, tiếp nhận tài liệu, thông tin sau đây về quá trình lựa chọn nhà đầu tư:

- Nội dung hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu trước thời điểm phát hành theo quy định, trừ trường hợp dự án phải tổ chức khảo sát thị trường, tham vấn trước nhà đầu tư để lập hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu;

- Nội dung hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ dự thầu, báo cáo của bên mời thầu, báo cáo của tổ chuyên gia, báo cáo thẩm định, báo cáo của nhà thầu tư vấn, báo cáo của cơ quan chuyên môn có liên quan trong quá trình lựa chọn nhà đầu tư, kết quả sơ tuyển, kết quả lựa chọn nhà đầu tư trước khi được công khai theo quy định;

- Các tài liệu khác trong quá trình lựa chọn nhà đầu tư được xác định chứa bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật.

Thứ sáu, Thông thầu bao gồm các hành vi sau đây:

- Thỏa thuận về việc rút khỏi việc dự thầu hoặc rút đơn dự thầu được nộp trước đó để một hoặc các bên tham gia thỏa thuận thắng thầu;

- Thỏa thuận để một hoặc nhiều bên chuẩn bị hồ sơ dự thầu cho các bên tham dự thầu để một hoặc các bên tham gia thỏa thuận thắng thầu.

Thứ bẩy, chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp, quyền và nghĩa vụ không đúng quy định của Luật và hợp đồng dự án PPP.

Thứ tám, dừng cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ngoài trường hợp quy định tại hợp đồng dự án PPP.

Thứ chín, đưa, nhận, môi giới hối lộ trong hoạt động đầu tư theo phương thức PPP.

Thứ mười, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt, vụ lợi, tham nhũng trong quản lý và sử dụng vốn nhà nước trong dự án PPP; can thiệp bất hợp pháp vào quy trình dự án PPP.

Thứ mười một, gian lận trong hoạt động đầu tư theo phương thức PPP, bao gồm các hành vi sau đây:

- Làm giả, làm sai lệch thông tin, hồ sơ, tài liệu liên quan đến quyết định chủ trương đầu tư, quyết định phê duyệt dự án PPP, lựa chọn nhà đầu tư, triển khai thực hiện dự án PPP nhằm thu lợi bất chính hoặc nhằm trốn tránh bất kỳ nghĩa vụ nào;

- Cố ý cung cấp thông tin không trung thực, không khách quan làm sai lệch chủ trương đầu tư, dự án PPP được phê duyệt, kết quả lựa chọn nhà đầu tư, kết quả kiểm tra, thanh tra, giám sát, kiểm toán, kết quả quyết toán vốn đầu tư công, thanh lý hợp đồng dự án PPP;

- Cố ý cung cấp thông tin không trung thực, không khách quan làm sai lệch số liệu về doanh thu của dự án PPP nhằm thu lợi bất chính.

Thứ mười hai, cản trở việc phát hiện, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về đầu tư theo phương thức PPP.

 

Quy định chuyển tiếp

Một là, Dự án thuộc lĩnh vực quy định tại khoản 1 Điều 4 của Luật và đáp ứng quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu quy định tại khoản 2 Điều 4 của Luật được thực hiện như sau:

- Trường hợp đã được cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư trước ngày Luật có hiệu lực thi hành thì thực hiện các bước tiếp theo theo quy định của Luật. Trường hợp phải điều chỉnh chủ trương đầu tư thì thực hiện theo quy định tại Điều 18 của Luật;

- Trường hợp đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi trước ngày Luật có hiệu lực thi hành thì thực hiện các bước tiếp theo theo quy định của Luật mà không phải thực hiện lại thủ tục phê duyệt dự án theo quy định của Luật; phải phê duyệt bổ sung nội dung quy định tại khoản 6 Điều 23 của Luật trong trường hợp chưa tổ chức lựa chọn nhà đầu tư;

- Đối với dự án thuộc trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 điều 101, nếu có tỷ lệ vốn nhà nước trong dự án PPP lớn hơn tỷ lệ quy định tại khoản 2 Điều 69 của Luật thì không phải điều chỉnh tỷ lệ vốn nhà nước.

Hai là, Dự án không thuộc lĩnh vực quy định tại khoản 1 Điều 4 của Luật hoặc không đáp ứng quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu quy định tại khoản 2 Điều 4 của Luật mà đến ngày Luật có hiệu lực thi hành chưa phê duyệt kết quả sơ tuyển nhà đầu tư hoặc chưa phát hành hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu đối với dự án không áp dụng sơ tuyển thì dừng thực hiện.

Ba là, Dự án PPP đang tổ chức lựa chọn nhà đầu tư được thực hiện như sau:

- Trường hợp đã phê duyệt kết quả sơ tuyển nhà đầu tư trước ngày Luật có hiệu lực thi hành thì tiếp tục thực hiện theo quy định của Luật;

- Trường hợp đã phát hành hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu trước ngày Luật có hiệu lực thi hành nhưng đóng thầu sau ngày 31/12/2020 thì bên mời thầu có trách nhiệm gia hạn thời gian đóng thầu để sửa đổi hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu theo quy định của Luật mà không dẫn đến điều chỉnh chủ trương đầu tư và báo cáo nghiên cứu khả thi đã được phê duyệt;

- Trường hợp đã có kết quả lựa chọn nhà đầu tư nhưng việc đàm phán, ký kết hợp đồng được thực hiện sau ngày Luật có hiệu lực thi hành thì cơ quan ký kết hợp đồng có trách nhiệm tổ chức đàm phán, ký kết hợp đồng căn cứ vào kết quả lựa chọn nhà đầu tư, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu theo quy định của Luật mà không dẫn đến điều chỉnh chủ trương đầu tư và báo cáo nghiên cứu khả thi đã được phê duyệt.

Bốn là, Hợp đồng dự án được ký kết trước ngày Luật có hiệu lực thi hành được tiếp tục thực hiện theo quy định của hợp đồng dự án.

Năm là, kể từ ngày Luật có hiệu lực thi hành, việc chuyển tiếp thực hiện dự án áp dụng loại hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao (BT) được thực hiện như sau:

- Dự án chưa phát hành hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu thì dừng thực hiện; trường hợp đã phát hành hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu thì tiếp tục thực hiện căn cứ vào hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu và quy định của pháp luật tại thời điểm phát hành hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu;

- Dự án đã có kết quả lựa chọn nhà đầu tư trước ngày Luật có hiệu lực thi hành thì cơ quan ký kết hợp đồng có trách nhiệm tổ chức đàm phán, ký kết hợp đồng căn cứ vào kết quả lựa chọn nhà đầu tư, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu và quy định của pháp luật tại thời điểm phát hành hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu;

- Dự án đã ký kết hợp đồng trước ngày Luật có hiệu lực thi hành thì tiếp tục thực hiện việc triển khai thực hiện dự án, thanh toán theo quy định của hợp đồng BT đã ký kết và quy định của pháp luật tại thời điểm ký kết hợp đồng;

- Dừng triển khai dự án mới áp dụng loại hợp đồng BT.

Sáu là, Dự án áp dụng loại hợp đồng BT chưa được phê duyệt chủ trương đầu tư thì dừng thực hiện kể từ ngày 15/8/2020.

Bẩy là, Chính phủ quy định chi tiết các nội dung trên./.

Bích Khuyên