Kết quả triển khai, thực hiện Chuyển đổi số trong 06 đầu năm 2024 của Sở Tư pháp

05/07/2024 07:38 Số lượt xem: 25

1. Tình hình triển khai thực hiện.

Thực hiện Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 và các nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 133/QĐ-UBND ngày 28/01/2022 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc ban hành Kế hoạch hành động triển khai Quyết định số 06/QĐ-TTg;

Thực hiện Quyết định số 128/QĐ-UBND tỉnh Bắc Ninh ngày 29/3/2024 của UBND tỉnh Bắc Ninh phê duyệt Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số tỉnh Bắc Ninh năm 2024

Sở Tư pháp đã xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án trong ngành Tư pháp, trong đó xác định rõ các nhiệm vụ cụ thể của các phòng, đơn vị và UBND cấp huyện trong việc triển khai thực hiện. Nội dung Kế hoạch của Sở bám sát nội dung, nhiệm vụ được giao tại Đề án và Kế hoạch của tỉnh, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và điều kiện thực tiễn của ngành Tư pháp,đảm bảo tính hiệu quả, khả thi cao.

- Về hạ tầng công nghệ thông tin

Để thuận tiện cho việc giải quyết các TTHC trên môi trường điện tử, Sở Tư pháp đã phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông và Cục Tin học hóa - Bộ Thông tin và Truyền thông, Cục Công nghệ thông tin - Bộ Tư pháp tiến hành kết nối, liên thông dữ liệu giữa Hệ thống một cửa điện tử, dịch vụ công trực tuyến của tỉnh Bắc Ninh và Phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch điện tử dùng chung, Phần mềm quản lý lý lịch tư pháp của Bộ Tư Pháp, đảm bảo các việc đăng ký hộ tịch, cấp phiếu lý lịch tư pháp được hoàn toàn xử lý trên hệ thống điện tử. Kịp thời hỗ trợ công dân và Tư pháp cơ sở triển khai thực hiện việc sử dụng tài khoản VNeID trong thực hiện TTHC, cung cấp dịch vụ công trên môi trường điện tử từ ngày 01/7/2024 theo Nghị định số 59/2022/NĐ-CP ngày 05/9/2022 của Chính phủ.

- Việc thực hiện liên thông 2 nhóm TTHC.

Thực hiện Công văn số 4096/VPCP-KSTT ngày 05/6/2023 của Văn phòng Chính phủ về việc thực hiện nhiệm vụ triển khai 02 nhóm thủ tục hành chính (TTHC) liên thông: Đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi; Đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, hỗ trợ chi phí mai táng, trợ cấp mai táng và Công văn số 2721/BTP-HTQTCT ngày 30/6/2023 của Bộ Tư pháp về việc cấp bản điện tử Giấy khai sinh, Trích lục khai tử phục vụ thực hiện liên thông TTHC; Từ ngày 01/01/2024 đến nay, tại Bắc Ninh đã tiếp nhận và xử lý 9984 hồ sơ liên thông đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi  và đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, hỗ trợ chi phí mai táng, trợ cấp mai táng.

Việc triển khai liên thông các TTHC trên Cổng dịch vụ công quốc gia đã giúp người dân chỉ phải nộp hồ sơ 1 lần nhưng giải quyết được cả 3 TTHC, tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại và không phải nộp hồ sơ giấy.

- Việc triển khai thực hiện đăng ký hộ tịch trực tuyến theo quy định của Nghị định số 87/2020/NĐ-CP ngày 28/7/2020 của Chính phủ quy định về Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, đăng ký hộ tịch trực tuyến; Nghị định số 45/2020/NĐ-CP ngày 08/4/2020 của Chính phủ về thực hiện TTHC trên môi trường điện tử; tích hợp, cung cấp các dịch vụ công trực tuyến thiết yếu trong lĩnh vực hộ tịch trên Cổng Dịch vụ công quốc gia được triển khai kịp thời.

Để thuận tiện cho việc giải quyết các TTHC trên môi trường điện tử, Sở Tư pháp đã phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông và Cục Tin học hóa – Bộ Thông tin và Truyền thông, Cục Công nghệ thông tin – Bộ Tư pháp tiến hành kết nối, liên thông dữ liệu giữa Hệ thống một cửa điện tử, dịch vụ công trực tuyến của tỉnh Bắc Ninh và Phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch điện tử dùng chung đảm bảo 100% các việc đăng ký hộ tịch được hoàn toàn xử lý trên hệ thống điện tử.

Từ ngày 13/5/2024 đến ngày 30/5/2024 Sở đã phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh, Trung tâm hành chính công tỉnh tiến hành chuẩn hóa thành phần hồ sơ, quy trình nội bộ và biểu mẫu điện tử tương tác đối với 20 TTHC thường xuyên phát sinh hồ sơ (Chiếm gần như 100% tỷ lệ phát sinh hồ sơ đối với các thủ tục thuộc thẩm quyền ban hành, xử lý của ngành tư pháp)

Nhằm khuyến khích người dân thực hiện đăng ký hộ tịch trực tuyến theo tinh thần của Đề án 06, Sở Tư pháp đã tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 13/2022/NQ-HDND ngày 09/12/2022 quy định mức thu lệ phí hộ tịch, trong đó có quy định giảm 50% lệ phí đối với các trường hợp đăng ký hộ tịch trực tuyến.

- Việc triển khai thực hiện số hóa sổ hộ tịch theo quy định của Nghị định 87/2020/NĐ-CP.

Nhằm từng bước xây dựng và tạo lập dữ liệu cho Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc, đảm bảo triển khai áp dụng thống nhất, có sự kết nối liên thông, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan đăng ký, quản lý hộ tịch trên phạm vi toàn quốc và đồng bộ các thông tin cơ bản của cá nhân với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo yêu cầu của pháp luật về hộ tịch; trên cơ sở Kế hoạch triển khai xây dựng, thực hiện Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc của Bộ Tư pháp, Kế hoạch triển khai xây dựng, thực hiện Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử của UBND tỉnh và chỉ đạo của Bộ Tư pháp, UBND tỉnh, Sở Tư pháp đã phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành thực hiện chuyển đổi, số hóa các dữ liệu hộ tịch trong sổ giấy vào Hệ thống quản lý hộ tịch điện tử.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh mới triển khai số hoá được các dữ liệu hộ tịch giai đoạn từ năm 2006 đến 2018 (gồm: 5.736 quyển sổ và 766.700 dữ liệu), vẫn còn dữ liệu từ năm 2005 trở về trước chưa được số hoá (gồm 3.480 quyển sổ và 443.008 dữ liệu). Việc số hoá các dữ liệu của giai đoạn 2005 trở về trước đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 128/QĐ-UBND ngày 28/3/2024, Sở Tư pháp đang phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai thực hiện. Dự kiến sẽ hoàn thành việc số hóa sổ hộ tịch trên địa bàn tỉnh vào năm 2025 đảm bảo tiến độ theo yêu cầu của Bộ Tư pháp.

Trên địa bàn tỉnh, do chưa số hóa sổ hộ tịch xong để thực hiện thí điểm quy trình đăng ký kết hôn, xác nhận tình trạng hôn nhân trực tuyến. Trong thời gian tới, Sở Tư pháp sẽ phối hợp chặt chẽ với các đơn vị có liên quan chuẩn bị kỹ lưỡng các điều kiện cần thiết để thực hiện ngay khi quy trình đăng ký kết hôn, xác nhận tình trạng hôn nhân trực tuyến được triển khai chính thức trong toàn quốc.

-  Về thực hiện dịch vụ công trực tuyến

100% TTHC thiết yếu của Sở được cung cấp trực tuyến và cấp kết quả giải quyết TTHC điện tử. Đối với các TTHC cắt giảm giấy tờ liên quan đến quản lý dân cư, CSDL về dân cư được khai thác để thực hiện hầu hết các TTHC có yêu cầu xuất trình sổ hộ khẩu. Việc tận dụng CSDL về dân cư đảm bảo việc giải quyết các TTHC diễn ra nhanh chóng, thuận lợi hơn cho người dân và cán bộ tiếp nhận, xử lý TTHC.

Tình hình triển khai Đề án 06/CP trong lĩnh vực lý lịch tư pháp: Sở Tư pháp đã nghiên cứu quy trình cấp Phiếu LLTP qua ứng dụng VneID, sẵn sàng triển khai hoạt động này khi các có chỉ đạo và các cơ quan liên quan hoàn thành các giải pháp kỹ thuật cần thiết.

Việc triển khai liên thông các TTHC trên Cổng dịch vụ công quốc gia đã giúp người dân chỉ phải nộp hồ sơ 1 lần nhưng giải quyết được cả 3 TTHC, tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại.

- Lĩnh vực công chứng và chứng thực điện tử

Sở Tư pháp tiếp tục tăng cường các hoạt động quản lý Nhà nước, thanh tra, kiểm tra công tác chứng thực ở cơ sở. Yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố; UBND các xã, phường, thị trấn tiếp tục thực hiện nghiêm túc Nghị định số 23/2015/NĐ-CP của Chính phủ ngày 16/02/2015 của Chính phủ, Thông tư số 01/2020/TT-BTP ngày 03/3/2020 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định 23/2015/NĐ-CP và Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 20/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ về một số biện pháp chấn chỉnh tình trạng lạm dụng yêu cầu nộp bản sao có chứng thực.

Trong 6 tháng đầu năm, Sở Tư pháp tiếp tục chỉ đạo, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm động viên, vận động cán bộ, công chức và nhân dân tiếp cận, sử dụng dịch vụ chứng thực bản sao điện tử từ bản chính.

Kết quả công tác chứng thực 06 tháng đầu năm 2024 tại UBND cấp xã, phòng Tư pháp và tại các tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn tỉnh như sau: Chứng thực bản sao từ bản chính: 316.718 việc, trong đó chứng thực điện tử khoảng 80.000 việc; chứng thực chữ ký trong giấy tờ, văn bản: 17.740 việc; chứng thực chữ ký người dịch: 4.773 việc, chứng thực các hợp đồng, giao dịch tại UBND cấp xã: 2.263 việc.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Tư pháp về việc báo cáo tình hình xây dựng, khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu công chứng tại địa phương để phục vụ cho việc xây dựng cơ sở dữ liệu công chứng toàn quốc trong dự án Luật Công chứng (sửa đổi). Sau gần 05 năm triển khai ứng dụng phần mềm UCHI tại các tổ chức hành nghề công chứng, UBND các xã, phường, thị trấn, Sở Tư pháp đã tiến hành đánh giá tình hình xây dựng, khai thác, sử dụng Hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu công chứng, chứng thực tại tỉnh Bắc Ninh, từ đó chỉ ra một số hạn chế cần được khắc phục và nâng cấp. Hiện tại, Sở Tư pháp đang phối hợp cùng các Sở, ngành có liên quan triển khai thực hiện nội dung này theo đúng quy định của pháp luật về đầu tư, quản lý tài chính, ngân sách.

2. Một số vướng mắc khi thực hiện.

- Việc tính phí, lệ phí khi thực hiện chứng thực điện tử còn nhiều khó khăn, bất cập trong cách xây dựng, chưa xây dựng được hệ thống thống nhất để tiến hành thu phí chứng thực điện tử tại cơ sở. Chưa xây dựng được hệ thống tối ưu khi thu phí chứng thực, gây phức tạp khi thực hiện nhiều hồ sơ chứng thực liên tục đối với cùng một đối tượng thực hiện chứng thực.

- Phần mềm Dịch vụ công quốc gia thường xuyên bị chậm, không liên thông ngay sau khi công dân nộp hồ sơ, dẫn đến tình trạng cán bộ Tư pháp không thể kịp thời tiếp nhận, để giải quyết hồ sơ đúng thời hạn. Việc chuyển hồ sơ sau khi cán bộ Tư pháp làm xong phần việc của mình trên Hộ tịch điện tử để chuyển liên thông tới các cơ quan xử lý hồ sơ tiếp theo cũng xảy ra tình trạng tương tự.

Việc thực hiện 06 bước nộp hồ sơ của Công dân khi thực hiện liên thông thường xuyên xảy ra những lỗi phát sinh khi cập nhật hồ sơ, đăng tải các văn bản, giấy tờ. Rất nhiều lúc công dân nộp đủ 06 bước hoàn thành nhưng hệ thống không phát sinh hồ sơ ngay trong phần mềm hộ tịch điện tử mà mấy tiếng sau, hoặc sang ngày hôm sau mới chuyển thành công gây khó khăn, ức chế cho công dân đi làm những TTHC mà thời gian thực hiện là trong một ngày làm việc.

- Việc không thể liên thông qua Dịch vụ công của tỉnh gây rắc rối cho cán bộ tiếp nhận hồ sơ khi làm hồ sơ đơn. Các thủ tục đăng ký lại khai sinh, đăng ký lại khai tử, nếu đang nhập qua phần mềm dịch vụ công tỉnh thì thường xuyên xảy ra việc chậm liên thông. Đa phẩn các TTHC tại Tư pháp cơ sở là TTHC giải quyết trong ngày, nhưng do lỗi khách quan, nhiều thủ tục đã tiến hành tiếp nhận, nhưng mất rất nhiều ngày sau mới liên thông qua phần mềm thực hiện của Bộ Tư pháp dẫn đến tình trạng không khớp với số sổ, số hồ sơ trên phần mềm liên thông, nếu không nhập vào thì không thể in biên lai thu phí, gây nhiều bất cập, khó khăn cho cán bộ tư pháp khi thực hiện các thủ tục hộ tịch khác không qua liên thông.

Nguyễn Minh