Công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật góp phần hoàn thành nhiệm vụ phát triển KT – XH, QP-AN, công tác Xây dựng Đảng, Chính quyền, MTTQ và các Đoàn thể nhân dân tỉnh Bắc Ninh năm 2014

05/01/2015 10:26 Số lượt xem: 92

Năm 2014, Ngành Tư pháp Bắc Ninh đã triển khai và thực hiện hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực công tác về văn bản, tuyên truyền, phổ biến pháp luật, kiểm soát thủ tục hành chính, hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp....trong đó công tác tham mưu giúp UBND tỉnh, HĐND tỉnh xây dựng và ban hành hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đầy đủ, đồng bộ và khả thi cao đã góp phần quan trọng hoàn thành tốt nhiệm vụ phát triển KT-XH, QP-AN, công tác Xây dựng Đảng, Chính quyền, MTTQ và các Đoàn thể nhân dân tỉnh Bắc Ninh năm 2014.

 

 

Nhận thức được tầm quan trọng của việc ban hành văn bản QPPL của HĐND, UBND tỉnh trong công tác quản lý Nhà nước, quản lý xã hội, trong bối cảnh năm 2014 là năm đầu tiên triển khai thi hành Hiến pháp mới, Hiến pháp năm 2013, công tác xây dựng văn bản QPPL của tỉnh trong năm 2014 tiếp tục nhận được sự quan tâm, chỉ đạo đúng đắn, kịp thời của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của các Sở, ngành, tổ chức, đơn vị liên quan và vai trò tham mưu xây dựng, thẩm định của Sở Tư pháp.

 

Ngay từ cuối năm 2013, đầu năm 2014, Sở Tư pháp đã chủ động phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh, các Sở, ban ngành tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Dự kiến Chương trình xây dựng văn bản QPPL năm 2014 (Quyết định số 68/QĐ-UBND ngày 13/02/2014); bổ sung Dự kiến ban hành văn bản QPPL 6 tháng cuối năm 2014 (Quyết định 332/QĐ-UBND ngày 29/7/2014) với tổng số 57 văn bản QPPL dự kiến ban hành. Dự kiến Chương trình được xây dựng đã phân công cụ thể trách nhiệm của cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp, đảm bảo cho việc xây dựng và ban hành văn bản được kịp thời và hiệu quả cao. Sau nhiều năm, lần đầu tiên Tỉnh Bắc Ninh đã ban hành được Dự kiến Chương trình và gửi về Trung ương đúng quy định và được ghi nhận, đánh giá cao.

 

Để hoàn thiện thể chế và các điều kiện khác của công tác xây dựng, thẩm định văn bản, Sở Tư pháp đã phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu trình UBND tỉnh ban hành Quyết định sửa đổi, bổ sung một số Điều của Quy định về trình tự, thủ tục ban hành văn bản QPPL trên địa bàn tỉnh ban hành kèm theo Quyết định số 86/2011/QĐ-UBND của UBND tỉnh với các nội dung cụ thể, phù hợp về trình tự, thủ tục, hồ sơ...trong đó nhấn mạnh nguyên tắc cơ quan thẩm quyền chỉ xem xét, thông qua dự thảo văn bản QPPL khi đã có ý kiến thẩm định bằng văn bản của cơ quan Tư pháp. Đồng thời, trong năm Sở cũng đã trình UBND tỉnh ban hành Quy chế rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL trên địa bàn tỉnh. Như vậy, cho đến nay Tỉnh Bắc Ninh cơ bản đã có hệ thống quy định về thể chế công tác văn bản QPPL tương đối đầy đủ và có tính khả thi cao từ quy trình, thủ tục đến kinh phí, cộng tác viên...

 

Trong năm, Sở Tư pháp đã tham gia góp ý trên 60 lượt dự thảo văn bản QPPL do các Sở, ngành gửi đến trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội như về kinh tế, đất đai, văn hóa, xã hội, tổ chức bộ máy, xây dựng, y tế...các ý kiến của Sở Tư pháp góp ý đều được các Sở, ngành chủ trì dự thảo văn bản đánh giá và ghi nhận có giá trị. Thông qua hoạt động góp ý, đã hạn chế bớt những sai sót không đáng có trong các dự thảo văn bản QPPL trình UBND tỉnh, HĐND tỉnh ban hành cả về thẩm quyền, hình thức và nội dung. Một số dự thảo văn bản sau khi được Sở Tư pháp góp ý đã có sự thay đổi, chỉnh sửa phù hợp với quy định của pháp luật và đảm bảo tình hình thực tế của địa phương. Bên cạnh đó, Sở Tư pháp đã giúp UBND tỉnh trực tiếp tham gia góp ý trên 20 lượt dự thảo văn bản QPPL do các Bộ, ngành Trung ương dự thảo.

 

Về công tác thẩm định dự thảo văn bản QPPL: Trong năm, Sở Tư pháp đã thẩm định 50 hồ sơ thẩm định với trên 70 lượt dự thảo văn bản QPPL gồm dự thảo Nghị quyết của HĐND tỉnh (do UBND tỉnh trình) và Quyết định của UBND tỉnh. Các ý kiến thẩm định của Sở Tư pháp đều được các cơ quan chủ trì dự thảo tiếp thu, chỉnh sửa báo cáo cơ quan thẩm quyền xem xét quyết định. Sở Tư pháp cũng thể hiện rõ quan điểm đối với một số dự thảo chưa hoặc không đủ điều kiện ban hành vi phạm thẩm quyền, nội dung chưa phù hợp quy định của pháp luật...và được UBND tỉnh chấp nhận. Thông qua hoạt động thẩm định của Sở Tư pháp giúp cho UBND tỉnh, HĐND tỉnh có cơ sở rõ ràng trong việc xem xét tính hợp hiến, hợp pháp của dự thảo văn bản để có quyết định ban hành đúng đắn, đảm bảo quy định pháp luật và tính khả thi cao.

 

Song song với việc tham gia góp ý, thẩm định do các Sở, ngành dự thảo văn bản gửi đến, trong năm 2014, Sở Tư pháp đã chủ động phối hợp với các Sở, ngành và địa phương xây dựng dự thảo và trình cơ quan thẩm quyền ban hành hành một số văn bản QPPL điều chỉnh các lĩnh vực hoạt động của ngành tư pháp như: Quy định về kinh phí cho hoạt động kiểm soát thủ tục hành chính; Quy định về kinh phí tuyên truyền, phổ biến pháp luật và chuẩn tiếp cận pháp luật ở cơ sở; Quy định về trình tự, thủ tục ban hành văn bản QPPL, Quy chế rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL trên địa bàn tỉnh....Sở đã giúp UBND tỉnh tiến hành hệ thống hóa kỳ đầu văn bản QPPL do HĐND, UBND tỉnh ban hành từ 1997 đến hết 31/12/2013 và được Chủ tịch UBND tỉnh Quyết định công bố Tập hệ thống văn bản QPPL với 684 văn bản QPPL trong kỳ hệ thống; công bố 452 văn bản còn hiệu lực; 232 văn bản hết hiệu lực; 09 văn bản hết hiệu lực 1 phần; 28 văn bản sửa đổi, bổ sung)...

 

Trên cơ sở đề xuất, tham mưu của các Sở, ngành và ý kiến thẩm định của Sở Tư pháp, trong năm 2014 (tổng hợp đến ngày 29/12/2014 của Sở Tư pháp) HĐND, UBND tỉnh đã ban hành 81 văn bản QPPL, trong đó có 21 Nghị quyết của HĐND tỉnh, 01 Chỉ thị và 59 Quyết định của UBND tỉnh trên tất cả các lĩnh vực, cụ thể như: 11 văn bản về tài nguyên môi trường, 5 văn bản về văn hóa, thể thao, du lịch, 6 văn bản về nội vụ, 9 văn bản về chính sách xã hội, 16 văn bản về tài chính, 4 văn bản về y tế, 6 văn bản về kế hoạch đầu tư, 3 văn bản về thông tin truyền thông, 4 văn bản về xây dựng, 4 văn bản về nông nghiệp và phát triển nông thôn, 5 văn bản về tư pháp, 4 văn bản về quốc phòng, an ninh và các lĩnh vực khác. Điều đáng mừng là hầu hết các dự thảo văn bản do Sở Tư pháp thẩm định đều tuân thủ theo đúng quy định về trình tự, thủ tục, thẩm quyền, các sai sót về nội dung, thể thức...hầu như không có. Đây là sự ghi nhận sự nỗ lực, phấn đấu không ngừng nghỉ của công chức và lãnh đạo của Sở Tư pháp trong việc gác cửa cho HĐND, UBND tỉnh về văn bản QPPL.

 

Có thể nói, năm 2014 công tác văn bản QPPL nói chung và công tác thẩm định văn bản QPPL nói riêng đã có nhiều khởi sắc và đạt được kết quả:

 

Một là, hệ thống văn bản QPPL do HĐND, UBND tỉnh ban hành với số lượng lớn đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, quản lý xã hội ở địa phương trên tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế xã hội. Đặc biệt là hệ thống chính sách về chế độ ưu đãi đặc thù của tỉnh về phát triển kinh tế, đất đai, xã hội hóa, nông nghiệp, nông thôn, nông dân, chính sách xã hội, thu hút nhân tài...Góp phần quan trọng vào thành tích chung của Tỉnh, đáp ứng yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân theo tinh thần Hiến pháp năm 2013.

 

Hai là, nhận thức về vai trò của Hệ thống văn bản QPPL ở địa phương và ý thức trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan trong công tác xây dựng văn bản QPPL được nâng lên một cách rõ rệt. Trình tự, thủ tục, các yêu cầu về hồ sơ, nội dung của các dự thảo văn bản QPPL từng bước được hoàn thiện và đảm bảo quy định pháp luật, hạn chế những sai sót không đáng có như trước kia.

 

Ba là, công tác góp ý, thẩm định văn bản của Sở Tư pháp tiếp tục được phát huy và có sự nâng cao về chất lượng, hiệu quả, đảm bảo 100% dự thảo gửi đến được thẩm định đảm bảo về thời gian, nội dung thẩm định đầy đủ và có chất lượng theo quy định của pháp luật. Trong việc góp ý, thẩm định Sở Tư pháp đã mạnh dạn bày tỏ quan điểm của mình về những ý kiến, nội dung chưa đồng thuận hoặc có ý kiến khác, thậm chí là chưa phù hợp quy định pháp luật. Các ý kiến góp ý, thẩm định của Sở Tư pháp đã được UBND tỉnh, các Sở, ngành ghi nhận và đánh giá cao. Tỷ lệ văn bản QPPL qua thẩm định có sai sót hầu như không có.

 

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt đã làm được công tác xây dựng văn bản QPPL và thẩm định văn bản QPPL còn một số tồn tại sau: Một số Sở, ngành chưa thực sự bám sát nhiệm vụ được giao nên còn bị động trong tham mưu cho UBND, HĐND tỉnh ban hành văn bản QPPL trên lĩnh vực do mình phụ trách. Tỷ lệ văn bản QPPL ban hành ngoài Dự kiến Chương trình còn nhiều. Còn có việc Sở, ngành còn chưa tuân thủ chặt chẽ quy định về thẩm định bắt buộc của Sở Tư pháp trước khi trình UBND tỉnh quyết định. Hồ sơ thẩm định chưa đầy đủ, thời gian gửi thẩm định của các đơn vị ngắn gây khó khăn cho công tác thẩm định của Sở Tư pháp...

 

Phát huy những kết quả đã đạt được năm 2014, trong năm 2015, Sở Tư pháp xác định bên cạnh thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm trên tất cả các mặt hoạt động thì công tác xây dựng, thẩm định văn bản phải tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa, Sở sẽ tích cực tham mưu giúp Tỉnh ủy, HĐND, UBND trong việc xây dựng, thẩm định văn bản QPPL góp phần cải thiện môi trường đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh trong đó chú trọng nâng cao chất lượng công tác thẩm định, ban hành văn bản QPPL. Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thực hiện đúng Chương trình ban hành văn bản QPPL đã được phê duyệt.

 

Bên cạnh sự nỗ lực của đội ngũ công chức, viên chức, Sở Tư pháp mong tiếp tục nhận được sự quan tâm chỉ đạo và tạo điều kiện thuận lợi nhiều hơn nữa của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của các Sở, ngành, địa phương, đơn vị đối với công tác tư pháp nói chung và công tác xây dựng văn bản QPPL nói riêng để Sở Tư pháp hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao góp phần cùng các đơn vị, địa phương trong tỉnh hoàn thành tốt mục tiêu xây dựng Bắc Ninh ngày càng giàu đẹp, văn minh./.

 

Sở Tư Pháp
Nguồn: BBN