Công tác xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật góp phần thực hiện thắng lợi nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2010 - 2015

15/12/2015 07:46 Số lượt xem: 351

Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2015 -2020.

 

Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng đã khẳng định: “Tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, bảo đảm Nhà nước ta thực sự là của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân, do Đảng lãnh đạo”, “nâng cao năng lực quản lý và điều hành của Nhà nước theo pháp luật, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa và kỷ luật, kỷ cương”, “Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách để vận hành có hiệu quả nền kinh tế và thực hiện tốt các cam kết quốc tế, bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc”,…

 

Đối với tỉnh Bắc Ninh, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII đề ra phương hướng tổng quát đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020, đó là: “Tập trung mọi nguồn lực đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Phát triển công nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững. Xây dựng nông thôn mới; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và an sinh xã hội. Phấn đấu đến năm 2015 cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại và thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2020”.

 

Nhận thức được tầm quan trọng của việc ban hành văn bản, thực hiện Nghị quyết 48-NQ/TW của Bộ Chính trị về hoàn thiện hệ thống pháp luật trên địa bàn tỉnh; 5 năm qua (2010-2015), dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành 298 văn bản QPPL trên tất cả các lĩnh vực (82 nghị quyết của HĐND tỉnh; 08 chỉ thị và 208 quyết định của UBND tỉnh). Chất lượng ban hành văn bản QPPL từng bước được nâng cao, bảo đảm hợp Hiến, hợp pháp, có tính khả thi cao, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII đã đề ra.

 

Thực tế cho thấy, việc lãnh đạo thực hiện các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh có mối quan hệ mật thiết với việc chỉ đạo công tác xây dựng văn bản QPPL của tỉnh. Không thể lãnh đạo thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội nếu thiếu việc lãnh đạo xây dựng, hoàn thiện văn bản QPPL của tỉnh. Làm tốt công tác xây dựng, ban hành văn bản QPPL đồng nghĩa với việc tạo ra thể chế, hành lang, cơ sở pháp lý, tạo ra môi trường đầu tư để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững trật tự, an toàn xã hội, qua đó thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh. Có thể khẳng định, đến thời điểm này việc hoàn thành, hoàn thành vượt mức các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII có vai trò rất to lớn của hoạt động xây dựng và ban hành văn bản QPPL; bởi văn bản chính là phương tiện để các cấp, các ngành, địa phương sử dụng chỉ đạo thực hiện Nghị quyết. Mối quan hệ của việc thực hiện mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ với việc lãnh đạo công tác xây dựng văn bản QPPL được thể hiện trên một số nội dung sau:

 

 Thứ nhất, việc hoạch định chính sách, ban hành thể chế luôn được Tỉnh ủy lãnh đạo, hướng tới thực hiện các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đã đề ra. Nhiệm vụ, mục tiêu Đại hội càng nhiều, yêu cầu càng cao đòi hỏi yêu cầu xây dựng văn bản QPPL phải nâng lên tương ứng.

 

Để chỉ đạo thực hiện Nghị quyết Đại hội, Tỉnh ủy chỉ đạo xây dựng chương trình công tác toàn khóa và hàng năm để các cấp, các ngành chuẩn bị báo cáo với Tỉnh ủy thông qua các chương trình, kế hoạch, đề án… Những vấn đề quan trọng đến sự phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng, liên quan đến đời sống của nhân dân được Tỉnh ủy đưa ra Ban Thường vụ bàn, quyết định; có việc đưa ra BCH thảo luận, ban hành nghị quyết; nhiều chủ trương, nghị quyết của Ban Thường vụ, BCH Tỉnh ủy phải được HĐND, UBND tỉnh thể chế hóa thành các văn bản QPPL của tỉnh. Cụ thể, đã ban hành 52 văn bản QPPL quy định chính sách về đầu tư, phát triển sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, quy hoạch, xây dựng kết cấu hạ tầng, tài nguyên, môi trường, thông tin truyền thông; 45 văn bản QPPL về giáo dục đào tạo, chế độ chính sách đối với giáo viên, học sinh các trường trọng điểm, khuyến học, chương trình “sữa học đường”, chính sách viện phí, quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo hiểm y tế, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, tang, lễ hội, mừng thọ, đón danh hiệu thi đua, kỷ niệm ngày truyền thống, chế độ hỗ trợ hỏa táng, chính sách bảo trợ xã hội như hỗ trợ dạy nghề, chế độ cho người cao tuổi, người có công; trên 40 văn bản QPPL về an ninh, quốc phòng, nội vụ, cải cách hành chính, thu hút, sử dụng nhân tài, cải cách hành chính, trách nhiệm người đứng đầu trong các lĩnh vực…

 

Thứ hai, thực hiện mục tiêu quan trọng nhất của Nghị quyết Đại hội là thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng; nhằm tạo cơ chế bảo đảm an sinh xã hội, tạo môi trường thuận lợi thu hút các nguồn lực, nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đầu tư vào tỉnh. Bên cạnh việc chủ động ban hành văn bản QPPL để cụ thể hóa những quy định do Trung ương phân cấp; căn cứ chủ trương của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã ban hành các văn bản QPPL riêng, mang tính đặc thù của tỉnh về phát triển kinh tế, quản lý đất đai, phát triển nông nghiệp, nông thôn, y tế, giáo dục, an sinh xã hội...; có nhiều văn bản QPPL vận dụng tình hình đặc thù của địa phương mang tính tiên phong đi trước Trung ương nhiều năm như chính sách hỗ trợ kinh phí mua thẻ Bảo hiểm y tế cho người thuộc diện nghèo, trợ cấp xã hội hàng tháng cho người cao tuổi, hỗ trợ xuất khẩu lao động, thu hút đầu tư, ưu đãi đầu tư, thu hút sử dụng nhân tài...

 

Thứ ba, văn bản pháp luật chính là công cụ để các cơ quan địa phương thực hiện tốt việc quản lý, điều chỉnh các mối quan hệ xã hội. Chất lượng hệ thống văn bản QPPL của tỉnh được ban hành ảnh hưởng quan trọng đến hiệu quả chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đối với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh -quốc phòng cũng như các mục tiêu khác của Đại hội Đảng bộ tỉnh.

 

Để nâng cao chất lượng ban hành văn bản QPPL của tỉnh, trong nhiệm kỳ qua, Tỉnh ủy đã chỉ đạo Ban cán sự Đảng UBND tỉnh, Đảng đoàn HĐND tỉnh ban hành tương đối đầy đủ các quy định về thể chế bảo đảm cho công tác ban hành văn bản như Quy định về trình tự, thủ tục ban hành văn bản QPPL trên địa bàn tỉnh; Quy chế kiểm tra, xử lý văn bản QPPL; Quy chế rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL trên địa bàn tỉnh; Quy chế cộng tác viên kiểm tra văn bản QPPL; Quy định cụ thể về mức chi cho công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL, công tác kiểm soát thủ tục hành chính.... Chính vì vậy, các văn bản QPPL của tỉnh Bắc Ninh trong nhiệm kỳ cơ bản bảo đảm được ban hành theo đúng trình tự, thủ tục. Các Sở, ngành đã chủ động đăng ký đề án, chương trình xây dựng văn bản QPPL liên quan đến chức năng nhiệm vụ quản lý của Sở ngành mình; vai trò của các cơ quan Tư pháp trong việc tham gia góp ý, thẩm định văn bản đã được khẳng định; quy trình xem xét, thông qua một văn bản QPPL được bảo đảm chặt chẽ hơn; hoạt động kiểm tra, xử lý, rà soát và hệ thống hóa văn bản QPPL được coi trọng để kịp thời xử lý, kiến nghị các văn bản không phù hợp, trái pháp luật… Hệ thống văn bản QPPL của tỉnh được ban hành trong nhiệm kỳ tương đối kịp thời, đầy đủ, đồng bộ, có tính khả thi cao, hạn chế các khiếm khuyết, sai phạm.

 

Để nâng cao hiệu quả công tác xây dựng, hoàn thiện văn bản QPPL của tỉnh tiếp tục góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XIX, cần tiếp tục thực hiện tốt một số giải pháp cơ bản sau đây:

 

Một là, tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản QPPL của tỉnh hướng tới thực hiện các mục tiêu nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh; huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong ban hành và xây dựng pháp luật. Định hướng xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản QPPL của địa phương trong nhiệm kỳ tới là tập trung lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản QPPL có tính đặc thù của tỉnh, đi trước, đón đầu về quy hoạch xây dựng, thu hút đầu tư… Tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan đầu mối trong hoạt động ban hành văn bản như: Sở Tư pháp, Văn phòng UBND tỉnh, Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và HĐND, Sở Nội vụ, Sở Tài chính. Chú trọng việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân, các ngành, các cấp; phát huy tinh thần dân chủ; đề cao các hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Ủy ban MTTQ, các tổ chức đoàn thể…

 

Hai là, tập trung xây dựng, kiện toàn và bồi dưỡng lực lượng cán bộ tư pháp, pháp chế tại các cơ quan, địa phương, đơn vị làm nòng cốt cho công tác ban hành và xây dựng văn bản. Đây là giải pháp mang tính chiến lược, có ý nghĩa then chốt nhằm nâng cao hiệu quả công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật. Lực lượng này cần phải được quan tâm lựa chọn, thường xuyên được tập huấn, bồi dưỡng về kiến thức pháp luật và kỹ năng soạn thảo văn bản, hoạch định cơ chế, chính sách; có tâm huyết với nghề, nhiệt tình và trách nhiệm trong công việc. Có như vậy, mới đáp ứng được yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN trong giai đoạn hiện nay.

 

Ba là, đề cao vai trò trách nhiệm của người đứng đầu trong việc tham mưu đề xuất, ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

 

Các cấp, các ngành cần thường xuyên tổ chức sơ kết, tổng kết đối với hoạt động ban hành và xây dựng văn bản; kịp thời động viên khen thưởng với những tổ chức, cá nhân có nhiều thành tích. Đồng thời, xem xét, uốn nắn, xử lý nghiêm khắc các cơ quan, ngành, địa phương hoặc cá nhân còn buông lỏng, thiếu trách nhiệm trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác ban hành văn bản pháp luật. Cần quan tâm, giành một khoản kinh phí thích đáng, đảm bảo cho công tác ban hành văn bản đạt hiệu quả, chất lượng; góp phần cải thiện môi trường đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, hoàn thành tốt mục tiêu xây dựng tỉnh Bắc Ninh ngày càng giàu đẹp, văn minh./.

Chu Văn Thảo - TUV. Giám đốc Sở Tư pháp