Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp khu vực tư nhân kinh doanh bền vững giai đoạn 2022 – 2025

11/02/2022 07:47 Số lượt xem: 361

Ngày 08/02/2022, Phó thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã ký Quyết định số 167/QĐ-TTg ban hành Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp khu vực tư nhân kinh doanh bền vững giai đoạn 2022 – 2025 (dưới đây gọi tắt là Chương trình). Quyết định số 167/QĐ-TTg có hiệu lực từ ngày ký ban hành.

Mục tiêu Chương trình

Mục tiêu tổng quát:  Phát triển bền vững doanh nghiệp khu vực tư nhân, đảm bảo kết hợp chặt chẽ, hợp lý và hài hòa giữa hiệu quả kinh tế với trách nhiệm xã hội, bảo vệ tài nguyên và môi trường, góp phần hoàn thành 17 mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam vào năm 2030. Huy động nguồn lực xã hội, từng bước phát triển hệ sinh thái hỗ trợ các doanh nghiệp kinh doanh bền vững, đóng góp tích cực trong việc tạo công ăn việc làm, nâng cao mức sống cho người thu nhập thấp, người yếu thế, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu tại Việt Nam.

Mục tiêu cụ thể đến năm 2025: Nâng cao nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp khu vực tư nhân về vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng của kinh doanh bền vững. Bồi dưỡng, nâng cao nhận thức, trình độ đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhu cầu hỗ trợ, tư vấn, quản lý về kinh doanh bền vững. Hỗ trợ phát triển tối thiểu 10 công cụ, giải pháp đo lường, đánh giá, công nhận các doanh nghiệp kinh doanh bền vững; qua đó hỗ trợ khoảng 10.000 doanh nghiệp khu vực tư nhân kinh doanh bền vững; góp phần đạt mức tiết kiệm năng lượng 5,0 - 7,0% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc; tăng năng suất lao động bình quân khoảng 7%/năm. Hình thành cơ sở dữ liệu và phát triển hệ sinh thái hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh bền vững. Xây dựng các mô hình hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh bền vững thành công điển hình để lan tỏa, khuyến khích các doanh nghiệp phát triển bền vững. Thu hút các nguồn lực hợp pháp, đặc biệt từ cộng đồng doanh nghiệp để triển khai các sáng kiến hướng tới kinh doanh bền vững.

Phạm vi và đối tượng

- Chương trình thực hiện trên phạm vi toàn quốc trong giai đoạn từ năm 2022 đến năm 2025.

- Đối tượng:

+ Các doanh nghiệp khu vực tư nhân thực hiện kinh doanh bền vững (sau đây gọi tắt là doanh nghiệp kinh doanh bền vững).

+ Các tổ chức thúc đẩy phát triển kinh doanh bền vững: viện nghiên cứu, trường đại học, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp, tổ chức có tư cách pháp nhân thực hiện hoạt động hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp kinh doanh bền vững.

+ Các Bộ, cơ quan trung ương; UBND cấp tỉnh và các đơn vị trực thuộc; các tổ chức hiệp hội được giao nhiệm vụ thực hiện hoạt động của Chương trình.

- Kinh doanh bền vững bao gồm:

+ Mô hình kinh doanh áp dụng kinh tế tuần hoàn: là mô hình kinh tế trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất, tiêu dùng và dịch vụ nhằm giảm khai thác nguyên liệu, vật liệu, kéo dài vòng đời sản phẩm, hạn chế chất thải phát sinh và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường.

+ Mô hình kinh doanh bao trùm: là mô hình kinh doanh huy động người thu nhập thấp tham gia trong chuỗi giá trị của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh; trong đó, người thu nhập thấp có thể tham gia với vai trò là nhà cung ứng, là khách hàng, là nhà phân phối hay có thể là người lao động tham gia vào hoạt động sản xuất kinh doanh tạo ra các giá trị chia sẻ.

+ Các mô hình kinh doanh bền vững khác: là mô hình kinh doanh đảm bảo các yếu tố bền vững về kinh tế, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, giải quyết các vấn đề an sinh xã hội.

Hoạt động của Chương trình

Thứ nhất, phát triển hệ sinh thái hỗ trợ kinh doanh bền vững

- Xây dựng tài liệu, tổ chức phổ biến thông tin, truyền thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội nhằm nâng cao nhận thức của xã hội, cộng đồng doanh nghiệp về kinh doanh bền vững.

- Tổ chức bồi dưỡng, nâng cao nhận thức, trình độ đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm công tác hỗ trợ, quản lý về kinh doanh bền vững.

- Xây dựng mạng lưới chuyên gia tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh bền vững.

- Xây dựng, phát triển nền tảng thông tin để hình thành cơ sở thông tin dữ liệu về doanh nghiệp kinh doanh bền vững.

- Khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức thúc đẩy phát triển kinh doanh bền vững nghiên cứu, phát triển và áp dụng các giải pháp, công cụ nhằm đo lường, đánh giá và công nhận doanh nghiệp kinh doanh bền vững.

- Khuyến khích các tổ chức tài chính, tín dụng nghiên cứu, phát triển các sản phẩm, dịch vụ tài chính, tín dụng cho kinh doanh bền vững; phát triển nền tảng thông tin kết nối khách hàng doanh nghiệp kinh doanh bền vững với các tổ chức tín dụng, nhà đầu tư.

- Hỗ trợ tư vấn về các sản phẩm, dịch vụ tài chính, tín dụng cho kinh doanh bền vững.

- Tổ chức các hội nghị, hội thảo, tọa đàm chia sẻ thông tin, kinh nghiệm và thực tiễn tốt về các mô hình kinh doanh bền vững; các giải pháp, công cụ đo lường; đánh giá và công nhận doanh nghiệp kinh doanh bền vững; kết nối doanh nghiệp thực hiện kinh doanh bền vững với các tổ chức tín dụng, nhà đầu tư; kết nối các tổ chức, chuyên gia, doanh nghiệp thành công điển hình trong nước và quốc tế.

Thứ hai, hỗ trợ các doanh nghiệp kinh doanh bền vững

- Doanh nghiệp được đánh giá và công nhận là doanh nghiệp kinh doanh bền vững được hỗ trợ các nội dung sau:

+ Hỗ trợ tư vấn, đào tạo, bao gồm cả hoạt động đào tạo trực tiếp tại doanh nghiệp về xây dựng chiến lược, thiết kế mô hình, phương án kinh doanh bền vững; nhân sự; tài chính, sản xuất, bán hàng, thị trường, quản trị nội bộ và các nội dung khác liên quan tới hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp.

+ Hỗ trợ đào tạo, huấn luyện chuyên sâu trong nước và nước ngoài về áp dụng và phát triển mô hình kinh doanh bền vững.

+ Hỗ trợ công nghệ bao gồm: tìm kiếm, lựa chọn, giải mã và chuyển giao công nghệ phù hợp với doanh nghiệp; áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; chi phí kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm, đo lường chất lượng sản phẩm, dịch vụ; tư vấn sở hữu trí tuệ, khai thác và phát triển tài sản trí tuệ; tư vấn lựa chọn giải pháp chuyển đổi số.

+ Hỗ trợ chi phí thuê, mua các giải pháp chuyển đổi số; thử nghiệm, hoàn thiện sản phẩm, mô hình kinh doanh bền vững.

+ Hỗ trợ tư vấn tiếp cận tài chính, gọi vốn đầu tư.

+ Hỗ trợ về truyền thông, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường cho các sản phẩm, dịch vụ kinh doanh bền vững của doanh nghiệp: hỗ trợ đăng ký thành công tài khoản bán sản phẩm, dịch vụ trên các sàn thương mại điện tử quốc tế; hỗ trợ chi phí duy trì tài khoản trên các sàn thương mại điện tử trong nước và quốc tế; hỗ trợ chi phí thuê địa điểm, thiết kế và dàn dựng gian hàng, vận chuyển sản phẩm trưng bày, chi phí đi lại, chi phí ăn, ở cho đại diện của doanh nghiệp tham gia hội chợ triển lãm, xúc tiến thương mại trong nước và nước ngoài.

- Doanh nghiệp kinh doanh bền vững là doanh nghiệp nhỏ và vừa được ngân sách nhà nước hỗ trợ thực hiện các nội dung tại điểm a khoản này theo định mức hỗ trợ cao nhất quy định tại Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa và các nghị định hướng dẫn Luật.

Thứ ba, hoạt động quản lý Chương trình

- Xây dựng tài liệu hướng dẫn, quy trình triển khai Chương trình; Xây dựng khung đánh giá, giám sát Chương trình.

- Tổ chức đánh giá và định kỳ hằng năm tổng hợp tình hình thực hiện Chương trình, báo cáo Thủ tướng Chính phủ và đề xuất sửa đổi, bổ sung nội dung, hoạt động của Chương trình trong trường hợp cần thiết.

Kinh phí thực hiện Chương trình

Một là, nguồn kinh phí

Kinh phí thực hiện Chương trình bao gồm:

- Kinh phí đóng góp, tài trợ và các nguồn tài chính hợp pháp khác của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tham gia Chương trình, các quỹ đầu tư trong nước, nước ngoài để thực hiện Chương trình.

- Kinh phí ngân sách nhà nước trung ương và địa phương (vốn chi thường xuyên): hỗ trợ một phần cho các hoạt động tại khoản 1 (điểm a, b, c, h), đối tượng tại khoản 2 (điểm b) Mục II của Chương trình; không quá 10% tổng kinh phí ngân sách nhà nước hỗ trợ thực hiện Chương trình cho hoạt động tại khoản 3 Mục II của Chương trình. Các hoạt động khác sử dụng nguồn kinh phí xã hội hoá.

Ngân sách Trung ương bố trí cho các hoạt động của Chương trình do các bộ, cơ quan trung ương thực hiện. Ngân sách địa phương bố trí cho các hoạt động của Chương trình do địa phương thực hiện.

Hai là, nguyên tắc sử dụng kinh phí

- Việc huy động, quản lý, sử dụng và thanh quyết toán nguồn kinh phí tại điểm a khoản 1 mục III của Chương trình phải tuân thủ đúng quy định pháp luật hiện hành. Trong đó, kinh phí tài trợ cho các hoạt động của Chương trình được sử dụng theo thỏa thuận với nhà tài trợ (nếu có), hoặc theo quy định của Chương trình và các văn bản hướng dẫn thực hiện Chương trình (trường hợp không có thỏa thuận với nhà tài trợ).

- Việc lập, chấp hành và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước hỗ trợ thực hiện Chương trình theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, các nghị quyết của Quốc hội, nghị quyết của Chính phủ, các văn bản hướng dẫn thi hành và văn bản pháp luật liên quan, đảm bảo thiết thực, hiệu quả, khả thi, tiết kiệm và lồng ghép tối đa vào các chương trình khác có mục tiêu phù hợp với Chương trình.

Trách nhiệm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội và các bộ, cơ quan liên quan ban hành hướng dẫn cơ chế tổ chức thực hiện Chương trình, đảm bảo khả thi và hiệu quả, trong đó có hướng dẫn về nguyên tắc đo lường, đánh giá và công nhận doanh nghiệp kinh doanh bền vững; tiêu chuẩn, điều kiện sử dụng kết quả của tổ chức đo lường đánh giá và công nhận doanh nghiệp kinh doanh bền vững. Hướng dẫn xây dựng, tổng hợp kế hoạch và dự toán kinh phí triển khai Chương trình hàng năm và giai đoạn 2022-2025 trên phạm vi cả nước; thông báo kế hoạch thực hiện Chương trình theo dự toán được cấp thẩm quyền phê duyệt hàng năm để thực hiện Chương trình. Triển khai hoạt động quy định tại khoản 3 mục II của Chương trình và tổ chức triển khai Chương trình trong phạm vi, lĩnh vực quản lý.

Trách nhiệm của Bộ Tài chính: Chủ trì hướng dẫn cơ chế quản lý và sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước thực hiện Chương trình, đảm bảo nguyên tắc quy định tại Quyết định. Chủ trì xem xét bố trí dự toán ngân sách nhà nước hàng năm để thực hiện Chương trình theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

Các Bộ, cơ quan trung ương, UBND cấp tỉnh và tổ chức hiệp hội: Xây dựng kế hoạch và dự toán kinh phí triển khai Chương trình hàng năm, giai đoạn 2022-2025, thực hiện lồng ghép với các chương trình khác phù hợp mục tiêu của Chương trình này (nếu có); gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp chung trên phạm vi toàn quốc. Giao đơn vị trực thuộc làm đầu mối và tổ chức triển khai Chương trình hàng năm. Thực hiện đánh giá và định kỳ hàng năm tổng hợp tình hình thực hiện Chương trình trong phạm vi, lĩnh vực quản lý; đề xuất sửa đổi, bổ sung nội dung, hoạt động của Chương trình trong trường hợp cần thiết; gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Chịu trách nhiệm về tính khả thi và hiệu quả, tiết kiệm, triển khai Chương trình theo phạm vi và lĩnh vực quản lý, lồng ghép tối đa vào các chương trình tương tự hiện có để triệt để tiết kiệm. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh bố trí kinh phí cho các hoạt động do địa phương thực hiện Chương trình theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

Trách nhiệm của các tổ chức thúc đẩy phát triển kinh doanh bền vững:  Chủ động nghiên cứu, đề xuất, tham gia triển khai các hoạt động cụ thể hỗ trợ thúc đẩy kinh doanh bền vững trong phạm vi các hoạt động của Chương trình. Tuân thủ đúng các quy định hướng dẫn thực hiện Chương trình do cơ quan thẩm quyền ban hành.

Trách nhiệm của doanh nghiệp kinh doanh bền vững: Cung cấp thông tin, tài liệu về doanh nghiệp kịp thời, đầy đủ, chính xác theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức thúc đẩy phát triển kinh doanh bền vững và chịu trách nhiệm trước pháp luật về thông tin, tài liệu đã cung cấp. Tuân thủ đúng quy định của Chương trình và các văn bản hướng dẫn; thực hiện đúng cam kết với cơ quan, tổ chức thúc đẩy phát triển kinh doanh bền vững. Bố trí nguồn lực đối ứng để tiếp nhận, phối hợp và tổ chức thực hiện hiệu quả nguồn lực hỗ trợ./.

Kim Ngân