Bắc Ninh chú trọng thực hiện các giải pháp nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2019 – 2022
Ngày 18/4/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định phê duyệt Đề án Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2019 - 2022” (sau đây gọi là Đề án 428). Mục tiêu tổng quát của Đề án là nhằm nâng cao năng lực cho đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở để giải quyết kịp thời, hiệu quả các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật thuộc phạm vi hòa giải ở cơ sở; góp phần tạo chuyển biến căn bản, toàn diện trong công tác hòa giải ở cơ sở, đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ trong giai đoạn mới; giảm số vụ việc phải đưa ra Tòa án và các cơ quan nhà nước giải quyết; tiết kiệm thời gian, chi phí của xã hội và của Nhà nước.
Đề án cũng đề ra các mục tiêu cụ thể, trong đó phấn đấu đến năm 2022 100% hòa giải viên ở cơ sở mới được bầu, bổ sung, kiện toàn hàng năm được tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở theo Chương trình khung và Bộ tài liệu bồi dưỡng nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở do Bộ Tư pháp ban hành; Ít nhất 90% hòa giải viên ở cơ sở được tiếp cận và sử dụng Bộ tài liệu bồi dưỡng nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở bằng các hình thức phù hợp để tự nâng cao năng lực, nghiệp vụ hòa giải; Từ 80% - 90% hòa giải viên ở cơ sở được tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở theo Chương trình khung và Bộ tài liệu bồi dưỡng nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở do Bộ Tư pháp ban hành.
Trên cơ sở Đề án được phê duyệt và hướng dẫn của Bộ Tư pháp tại văn bản số 2209/BTP-PBGDPL ngày 17/6/2019, Sở Tư pháp đã kịp thời tham mưu, xây dựng dự thảo Kế hoạch “Kiện toàn và nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2019-2021 trên địa bàn tỉnh”, hiện đang lấy ý kiến tham vấn của các thành viên Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh.
Bên cạnh đó, Sở đã triển khai xây dựng đội ngũ tập huấn viên hòa giải cấp tỉnh gồm 6 thành viên và hướng dẫn UBND các huyện, thị xã, thành phố xây dựng đội ngũ tập huấn viên hòa giải cấp huyện với tổng số 40 người. Các tập huấn viên chủ yếu là những người làm công tác quản lý nhà nước về hòa giải ở cơ sở của Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp; cán bộ tòa án, cán bộ, công chức thuộc các cơ quan Mặt trận Tổ quốc, Hội phụ nữ, Hội nông dân, Hội luật gia.
Trong năm 2019 và các năm tiếp theo, công tác hòa giải ở cơ sở cần tập trung vào 1 số nhiệm vụ chính sau:
- Kiện toàn các tổ hòa giải ở cơ sở đảm bảo đủ số lượng, thành phần theo quy định của Luật Hòa giải ở cơ sở.
- Tăng cường bồi dưỡng, tập huấn kiên thức pháp luật, kỹ năng nghiệp vụ đội ngũ hòa giải viên, đội ngũ tập huấn viên hòa giải ở cơ sở, cán bộ, công chức được giao thực hiện nhiệm vụ quản lý, theo dõi, hướng dẫn công tác hòa giải ở cơ sở phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Đảm bảo xây dựng đội ngũ tập huấn viên có đủ khả năng, kiến thức, phương pháp để hướng dẫn, tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng hòa giải cho hòa giải viên ở cơ sở. Qua đó, góp phần củng cố đội ngũ hòa giải viên có đủ tiêu chuẩn, năng lực đáp ứng yêu cầu của công tác hòa giải ở cơ sở theo quy định tại Luật Hòa giải ở cơ sở
- Đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong việc nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở. Bao gồm việc tiến hành đăng tải Bộ tài liệu bồi dưỡng nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở cho đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh và cơ sở dữ liệu về phổ biến, giáo dục pháp luật có liên quan. Đăng tải các tài liệu tập huấn, bồi dưỡng, các ấn phẩm khác về hòa giải ở cơ sở trên cơ sở dữ liệu về phổ biến, giáo dục pháp luật, các phương tiện phát thanh, truyền hình, hệ thống thông tin cơ sở. Tiếp nhận, xử lý thông tin hai chiều, hướng dẫn giải quyết kịp thời các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện hòa giải ở cơ sở, nhất là hòa giải các vụ việc khó, phức tạp.
- Hướng dẫn, tổ chức huy động công chức cấp xã, luật gia, luật sư, hội thẩm nhân dân, thẩm phán, thư ký Tòa án, kiểm sát viên cấp huyện, cán bộ, công chức, viên chức khác ở cơ sở đã và đang công tác trong lĩnh vực pháp luật hỗ trợ nghiệp vụ cho hòa giải viên trong quá trình hòa giải những vụ việc phức tạp (xây dựng mạng lưới chuyên gia hỗ trợ hòa giải viên), giúp nâng cao năng lực của hòa giải viên.
- Cần tiếp tục triển khai có hiệu quả Thông tư liên tịch số 100/2014/TTLT-BTC-BTP ngày 30/7/2014 của Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp hướng dẫn việc lập, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí hỗ trợ cho công tác hòa giải ở cơ sở, Nghị quyết số 227/2016/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh, Quyết định 27/2016/QĐ-UBND của UBND tỉnh quy định cụ thể một số mức chi cho công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh./.