Một số bất cập trong các quy định pháp luật hiện hành và đề xuất tháo gỡ

18/09/2023 06:45 View Count: 2026

Ngày 29/7/2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Văn bản số 689/TTg-PL, trong đó yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo tập trung thực hiện nhiệm vụ: rà soát toàn diện quy định pháp luật trong các luật, pháp lệnh hiện hành để phát hiện, xác định cụ thể các quy định có mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, những vấn đề vướng mắc trong thực tiễn, kịp thời đề xuất phương án hiệu quả, khả thi để sừa đổi, bổ sung, bãi bỏ các quy định cụ thể nhằm khẩn trương tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống người dân, góp phần thúc đầy tăng trưởng. Thực hiện sự chỉ đạo trên, Sở Tư pháp đã ban hành văn bản triển khai tới các cơ quan, đơn vị liên quan và tổng hợp kết quả rà soát.

Nhìn chung, trong quá trình thực hiện, các cơ quan, đơn vị đã nhận thấy một số bất cập, vướng mắc tại các Luật như: Luật Nhà ở, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Giao thông đường bộ, Bộ luật Tố tụng dân sự, Bộ luật Tố tụng hình sự,  Luật Thi hành án hình sự, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam, Luật Căn cước công dân, Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, Luật Công chứng, Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức, Luật An toàn thực phẩm, Luật Thanh tra.  Các bất cập gây khó khăn trong quá trình giải quyết công việc, tham mưu thi hành pháp luật, trong một số trường hợp còn ảnh hưởng đến vị trí, vai trò của người thi hành công vụ. Các cơ quan, đơn vị đã nêu ra các bất cập trên và đề xuất sửa đổi, bổ sung từ góc độ cơ quan thi hành pháp luật.

1. Đối với Luật Nhà ở:

Khoản 2 Điều 53 Luật Nhà ở xác định hình thức “Doanh nghiệp, hợp tác xã bỏ vốn mua, thuê nhà ở để cho người lao động trong đơn vị mình thuê” là một hình thức phát triển nhà ở xã hội.

Tuy nhiên trong quy định của Luật Nhà ở và các Nghị định của Chính phủ không có hành lang pháp lý cho hình thức phát triển nhà ở xã hội này.

Trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh hiện nay, các doanh nghiệp (đặc biệt là các doanh nghiệp FDI) có nhu cầu thuê/mua nhà ở xã hội cho công nhân của mình ở nhằm mục tiêu tăng cường kỷ luật, tập trung quản lý, phòng tránh tệ nạn xã hội và dịch bệnh là rất lớn, nhưng không thể thực hiện được.

Ngoài ra, hiện nay lượng công nhân có nhu cầu về nhà ở là rất lớn, tuy nhiên rất nhiều công nhân không đáp ứng được tiêu chí về đối tượng để được hưởng chính sách về nhà ở xã hội, đặc biệt là tiêu chí về thuế thu nhập cá nhân. Theo quy định của Luật Nhà ở, đối tượng được hưởng chính sách về nhà ở xã hội phải thuộc diện không phải nộp thuế thu nhập cá nhân.

Tuy nhiên thực tế hiện nay, nhiều công nhân phải nộp thuế thu nhập (thực chất thu nhập cao hơn bình thường do làm tăng ca, làm thêm giờ…) nhưng phần lớn thu nhập sau khi nộp thuế đều gửi về gia đình, chỉ giữ lại một phần nhỏ để chi trả cho cuộc sống hàng ngày, cuộc sống hết sức khó khăn nhưng vẫn không đủ điều kiện để hưởng chính sách về nhà ở xã hội

Từ thực tiễn trên, cơ quan chuyên môn đề xuất sửa đổi quy định trong các văn bản pháp luật về nhà ở, tập trung vào việc hoàn thiện chính sách phát triển nhà ở xã hội.

2. Đối với Luật Bảo vệ môi trường:

Luật Bảo vệ môi trường có hiệu lực từ ngày 01/01/2022 tuy nhiên quá trình áp dụng vào thực tiễn còn một số nội dung chưa thống nhất được cách áp dụng giữa các tỉnh, thành phố như quy định về việc xác định yếu tố nhạy cảm đối với dự án có xả nước thải vào nguồn nước mặt được dùng cho mục đích cấp nước sinh hoạt (Điểm c Khoản 1 Điều 28 Luật Bảo vệ môi trường; Khoản 4, Điều 25, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP).  Chưa có quy định về định mức, đơn giá thu gom, vận chuyển, xử lý đối với chất thải rắn tồn đọng tại làng nghề nên khó khăn trong việc xây dựng và triển khai các dự án xử lý chất thải làng nghề trên địa bàn tỉnh.

Cơ quan chuyên môn đề xuất hoàn thiện quy định về định mức, đơn giá thu gom, vận chuyển, xử lý đối với chất thải rắn tồn đọng tại làng nghề, vấn đề xác định yếu tố nhạy cảm đối với dự án có xả nước thải vào nguồn nước mặt được dùng cho mục đích cấp nước sinh hoạt, quy định về lập báo cáo đánh giá tác động môi trường...

3. Đối với Luật Xử lý vi phạm hành chính (VPHC):

a) Trong Luật xử lý vi phạm hành chính, quy định về thời gian chuyển biên bản VPHC trong trường hợp không thuộc thẩm quyền xử lý thiếu tính khả thi

Khoản 5 Điều 58 Luật Xử lý VPHC quy định: "Trường hợp vi phạm hành chính không thuộc thẩm quyền xử phạt của người lập biên bản thì biên bản và các tài liệu khác phải được chuyển cho người có thẩm quyền xử phạt trong thời hạn 24 giờ kể từ khi lập biên bản, trừ trường hợp biên bản vi phạm hành chính được lập trên tàu bay, tàu biển, tàu hỏa”.

Quy định thời hạn 24 giờ phải chuyển biên bản VPHC cho người có thẩm quyền xử phạt gây khó khăn cho cơ quan thực thi pháp luật. Bởi có những vụ việc phức tạp, cần nhiều thời gian để xác minh, làm rõ (hành vi, đối tượng, giá trị trị tang vật, phương tiện VPHC và các tình tiết khác có liên quan) nhằm xác định đúng thẩm quyền xử phạt, sau đó mới có thể hoàn thiện hồ sơ và chuyển giao cho cấp có thẩm quyền. Ngoài ra, có những vụ việc xảy ra ở nơi khó khăn về đi lại, tiếp cận, thông tin liên lạc hạn chế (ở sâu trong rừng, địa hình hiểm trở, điều kiện thời tiết không thuận lợi...), việc ngăn chặn hành vi VPHC, kiểm tra hiện trường, bảo vệ tang vật, phương tiện vi phạm, dẫn giải người vi phạm, lập hồ sơ ban đầu vô cùng khó khăn, cần rất nhiều thời gian để thực hiện.

Cơ quan chuyên môn đề xuất hoàn thiện quy định về thời gian chuyển biên bản vi phạm hành chính trong trường hợp không thuộc thẩm quyền xử lý như sau: Quy định lại thời gian chuyển biên bản VPHC (tại khoản 5 Điều 58) trong trường hợp không thuộc thẩm quyền xử lý từ 24 giờ lên 72 giờ để cơ quan thực thi pháp luật đủ thời gian hoàn thiện hồ sơ và chuyển cho người có thẩm quyền xử phạt

b) Quy định niêm phong tang vật, phương tiện VPHC bị tạm giữ thiếu tính thực tế

Khoản 5a Điều 125 Luật Xử lý VPHC quy định: “Khi thực hiện việc tạm giữ, người lập biên bản, người có thẩm quyền tạm giữ phải niêm phong tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, trừ các trường hợp sau đây: a) Động vật, thực vật sống; b) Hàng hóa, vật phẩm dễ hư hỏng, khó bảo quản theo quy định của pháp luật”. Việc quy định bắt buộc phải niêm phong đối với tang vật, phương tiện VPHC bị tạm giữ gây khó khăn cho cơ quan thực thi pháp luật, đặc biệt đối với các tang vật cồng kềnh, khó niêm phong, khó bảo quản; thêm thủ tục, kéo dài (làm phức tạp) quy trình xử lý đối với 01 vụ VPHC.

Cơ quan chuyên môn đề xuất quy định lại việc niêm phong tang vật, phương tiện VPHC tại khoản 5a Điều 125 Luật Xử lý VPHC theo hướng "khi thực hiện việc tạm giữ, người lập biên bản, người có thẩm quyền tạm giữ có thể niêm phong tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ trong trường hợp xét thấy cần thiết trừ các trường hợp...".

4. Đối với Bộ luật Tố tụng hình sự : Đề xuất hoàn thiện một số quy định về thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm của Viện kiểm sát, vấn đề khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi của Viện kiểm sát khi trực tiếp giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, việc chuyển biên bản tài liệu cho Viện kiểm sát…

5. Đối với Bộ luật Tố tụng dân sự: Đề xuất hoàn thiện quy định về tham gia phiên tòa của Viện kiểm sát, quy định xử lý trường hợp trả lại đơn khởi kiện của Tòa án.

6. Đối với Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam: Đề xuất hoàn thiện quy định về khám sức khỏe cho người bị tạm giữ, tạm giam, thời hạn lập danh bản, chỉ bản của người bị tạm giữ, người bị tạm giam.

7. Đối với Luật Thi hành án hình sự: Đề xuất hoàn thiện quy định về việc giám sát, giáo dục người được hưởng án treo trong thời điểm từ khi Tòa án tuyên cho đến khi có Quyết định phân công người giám sát, giáo dục, quyền và nghĩa vụ giám sát giáo dục người được hưởng án treo của cơ quan, tổ chức nơi người đang chấp hành án treo làm việc, thủ tục khi đưa người đi chấp hành án…

8. Đối với Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam:  Đề xuất hoàn thiện một số quy định như: bổ sung thông tin nơi sinh vào giấy tờ xuất nhập cảnh; bãi bỏ quy định nộp bản chụp Chứng minh nhân dân hoặc Thẻ căn cước công dân đối với trường hợp có sự thay đổi thông tin về nhân thân so với thông tin trong hộ chiếu đã cấp gần lần nhất và bãi bỏ quy định nộp bản sao Giấy khai sinh hoặc trích lục khai sinh đối với người chưa đủ 14 tuổi; bổ sung quy định về việc hủy giá trị sử dụng hộ chiếu của trường hợp đã được cấp hộ chiếu nhưng từ chối không nhận;  sửa đổi trách nhiệm của Bộ Công an và Bộ Ngoại giao trong việc ký kết điều ước quốc tế liên quan đến tiếp nhận công dân Việt Nam không được phía nước ngoài cho cư trú…

9. Đối với Luật Căn cước công dân: Đề nghị sớm hoàn thiện thủ tục, trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, ban hành mới các quy định về căn cước công dân.

10. Đối với Luật Phổ biến,  giáo dục pháp luật:  Kiến nghị Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung toàn diện Luật theo hướng phân định rõ phạm vi, nội dung của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cũng như trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan . Nghiên cứu chế độ đãi ngộ thoả đáng đối với báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật.

11. Đối với Luật Công chứng:  Đề nghị hoàn thiện quy định về công chứng viên, việc công chứng việc sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ hợp đồng, giao dịch …

12. Đối với Luật Giao thông đường bộ: Đề nghị sớm hoàn thiện thủ tục, trình cấp có thẩm quyền ban hành Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và Luật Đường bộ.

13. Đối với Luật An toàn thực phẩm: Đề nghị có quy định rõ ràng, cụ thể về điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Y tế và cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống.

14. Đối với Luật Thanh tra và các văn bản pháp luật trong lĩnh vực hoạt động của ngành thanh tra: Đề nghị sớm ban hành Nghị định quy định về cơ quan thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành, đề nghị hoàn thiện các quy định về hoạt động thanh tra, kiểm tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại – tố cáo về phòng chống tham nhũng

15. Đối với Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức: Đề nghị sửa đổi quy định về chấp hành quyết định của cấp trên;  có quy định về khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung. Sửa đổi quy định về thời hiệu, thời hạn kỷ luật để phù hợp với Quy định số 69-QĐ/TW ngày 06/07/2022 của Bộ Chính trị về kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm.

Các bất cập, vướng mắc trong các Luật trên, khi được nghiên cứu tháo gỡ sẽ góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật, đem lại lợi ích thiết thực cho người dân, doanh nghiệp, cán bộ, công chức và các cơ quan thi hành pháp luật.

Trần Thị Tích ( Sở Tư pháp)