Dự án PPP do cơ quan có thẩm quyền quyết định

18/08/2020 13:54 View Count: 99

Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (Luật số: 64/2020/QH14) được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 18/6/2020 (dưới đây gọi tắt là Luật). Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021, trừ quy định tại khoản 6 Điều 101 của Luật (Dự án áp dụng loại hợp đồng BT chưa được phê duyệt chủ trương đầu tư thì dừng thực hiện kể từ ngày 15/8/2020).Luật quy định về các dự án PPP do cơ quan có thẩm quyền quyết định, theo đó:

Dự án PPP là tập hợp các đề xuất có liên quan đến việc đầu tư để cung cấp sản phẩm, dịch vụ công thông qua việc thực hiện một hoặc các hoạt động sau đây:

- Xây dựng, vận hành, kinh doanh công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng;

- Cải tạo, nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa, vận hành, kinh doanh công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng sẵn có;

- Vận hành, kinh doanh công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng sẵn có.

Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (Public Private Partnership - sau đây gọi là đầu tư theo phương thức PPP) là phương thức đầu tư được thực hiện trên cơ sở hợp tác có thời hạn giữa Nhà nước và nhà đầu tư tư nhân thông qua việc ký kết và thực hiện hợp đồng dự án PPP nhằm thu hút nhà đầu tư tư nhân tham gia dự án PPP.

Nhà đầu tư PPP (sau đây gọi là nhà đầu tư) là một pháp nhân độc lập được thành lập theo quy định của pháp luật hoặc liên danh giữa nhiều pháp nhân tham gia hoạt động đầu tư theo phương thức PPP.

Về thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án PPP

Thứ nhất, Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư dự án PPP thuộc một trong các tiêu chí:

- Sử dụng vốn đầu tư công tư 10.000 tỷ đồng trở lên;

- Ảnh hưởng lớn đến môi trường hoặc tiềm ẩn khả năng ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, bao gồm: nhà máy điện hạt nhân; sử dụng đất có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất rừng đặc dụng, rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng phòng hộ biên giới từ 50 ha trở lên; rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay và rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển từ 500 ha trở lên; rừng sản xuất từ 1.000 ha trở lên;

- Sử dụng đất có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nước từ 02 vụ trở lên với quy mô từ 500 ha trở lên;

- Di dân tái định cư từ 20.000 người trở lên ở miền núi, từ 50.000 người trở lên ở vùng khác;

- Dự án đòi hỏi phải áp dụng cơ chế, chính sách đặc biệt cần được Quốc hội quyết định.

Thứ hai, trừ dự án thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư dự án PPP thuộc một trong các tiêu chí:

- Di dân tái định cư từ 10.000 người trở lên ở miền núi, từ 20.000 người trở lên ở vùng khác;

- Dự án sử dụng vốn ngân sách trung ương do Bộ, cơ quan trung ương quản lý, có tổng mức đầu tư tương đương dự án nhóm A theo quy định của pháp luật về đầu tư công, dự án sử dụng vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài;

- Đầu tư xây dựng mới: cảng hàng không, sân bay; đường cất hạ cánh của cảng hàng không, sân bay; nhà ga hành khách của cảng hàng không quốc tế; nhà ga hàng hóa của cảng hàng không, sân bay có công suất từ 01 triệu tấn/năm trở lên;

- Đầu tư xây dựng mới: bến cảng, khu bến cảng thuộc cảng biển đặc biệt; bến cảng, khu bến cảng thuộc cảng biển loại I có tổng mức đầu tư tương đương dự án nhóm A theo quy định của pháp luật về đầu tư công.

Thứ ba, Bộ trưởng, người đứng đầu cơ quan trung ương, cơ quan khác quyết định chủ trương đầu tư dự án PPP thuộc phạm vi quản lý, trừ dự án thuộc thẩm quyền của Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ.

Thứ tư, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định chủ trương đầu tư dự án PPP thuộc phạm vi quản lý của địa phương, trừ dự án trừ dự án thuộc thẩm quyền của Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ.

Thứ năm, trường hợp điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án PPP, thẩm quyền quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án PPP thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 18 của Luật.

Trình tự quyết định chủ trương đầu tư dự án PPP

Một là, trình tự quyết định chủ trương đầu tư dự án PPP thuộc thẩm quyền của Quốc hội được quy định:

- Bước 1: Đơn vị chuẩn bị dự án PPP lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi làm cơ sở để cơ quan có thẩm quyền trình Chính phủ, đồng thời gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư;

- Bước 2: Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất Thủ tướng Chính phủ thành lập Hội đồng thẩm định nhà nước;

- Bước 3: Hội đồng thẩm định nhà nước thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi. Trường hợp dự án có sử dụng vốn đầu tư công, việc thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn theo quy định của pháp luật về đầu tư công;

- Bước 4: Chính phủ hoàn chỉnh hồ sơ trình Quốc hội xem xét, quyết định;

- Bước 5: Cơ quan của Quốc hội thẩm tra hồ sơ do Chính phủ trình;

- Bước 6: Quốc hội xem xét, thông qua nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án.

Hai là, trình tự quyết định chủ trương đầu tư dự án PPP thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ được quy định:

- Bước 1: Đơn vị chuẩn bị dự án PPP lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi làm cơ sở để cơ quan có thẩm quyền gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư;

- Bước 2: Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất Thủ tướng Chính phủ thành lập Hội đồng thẩm định liên ngành;

- Bước 3: Hội đồng thẩm định liên ngành thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi;

- Bước 4: Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn đối với phần vốn ngân sách trung ương theo quy định của pháp luật về đầu tư công trong trường hợp dự án PPP sử dụng vốn ngân sách trung ương, gửi Hội đồng thẩm định liên ngành;

- Bước 5: Cơ quan chuyên môn quản lý đầu tư công tại địa phương chủ trì thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn đối với phần vốn ngân sách địa phương theo quy định của pháp luật về đầu tư công trong trường hợp dự án PPP sử dụng vốn ngân sách địa phương, gửi Hội đồng thẩm định liên ngành;

- Bước 6: Hội đồng thẩm định liên ngành hoàn thành và gửi báo cáo thẩm định đến cơ quan có thẩm quyền;

- Bước 7: Cơ quan có thẩm quyền hoàn chỉnh hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định;

- Bước 8: Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư dự án.

Ba là, trình tự quyết định chủ trương đầu tư dự án PPP thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng, người đứng đầu cơ quan trung ương, cơ quan khác được quy định:

- Bước 1: Đơn vị chuẩn bị dự án PPP lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi làm cơ sở trình Bộ trưởng, người đứng đầu cơ quan trung ương, cơ quan khác xem xét, quyết định;

- Bước 2: Hội đồng thẩm định cấp cơ sở hoặc đơn vị được giao nhiệm vụ thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi;

- Bước 3: Cơ quan chuyên môn quản lý đầu tư công thuộc Bộ, cơ quan trung ương, cơ quan khác chủ trì thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn đầu tư công theo quy định của pháp luật về đầu tư công trong trường hợp dự án PPP sử dụng vốn đầu tư công, gửi Hội đồng thẩm định cấp cơ sở hoặc đơn vị được giao nhiệm vụ thẩm định;

- Bước 4: Hội đồng thẩm định cấp cơ sở hoặc đơn vị được giao nhiệm vụ thẩm định hoàn thành và gửi báo cáo thẩm định đến đơn vị chuẩn bị dự án PPP;

- Bước 5: Đơn vị chuẩn bị dự án PPP hoàn chỉnh hồ sơ trình Bộ trưởng, người đứng đầu cơ quan trung ương, cơ quan khác xem xét, quyết định;

- Bước 6: Bộ trưởng, người đứng đầu cơ quan trung ương, cơ quan khác quyết định chủ trương đầu tư dự án.

Bốn là, trình tự quyết định chủ trương đầu tư dự án PPP thuộc thẩm quyền của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh được quy định:

- Bước 1: Đơn vị chuẩn bị dự án PPP lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;

- Bước 2: Hội đồng thẩm định cấp cơ sở hoặc đơn vị được giao nhiệm vụ thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi;

- Bước 3: Cơ quan chuyên môn quản lý đầu tư công tại địa phương chủ trì thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn đầu tư công theo quy định của pháp luật về đầu tư công trong trường hợp dự án PPP sử dụng vốn đầu tư công, gửi Hội đồng thẩm định cấp cơ sở hoặc đơn vị được giao nhiệm vụ thẩm định;

- Bước 4: Hội đồng thẩm định cấp cơ sở hoặc đơn vị được giao nhiệm vụ thẩm định hoàn thành và gửi báo cáo thẩm định đến đơn vị chuẩn bị dự án PPP;

- Bước 5: Đơn vị chuẩn bị dự án PPP hoàn chỉnh hồ sơ làm cơ sở để Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định;

- Bước 6: Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định chủ trương đầu tư dự án.

Năm là, đối với dự án PPP sử dụng nguồn vốn chi thường xuyên, nguồn thu hợp pháp dành để chi thường xuyên của cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập để thanh toán cho doanh nghiệp dự án PPP, sử dụng dự phòng ngân sách nhà nước để chi trả phần giảm doanh thu, cơ quan tài chính các cấp thẩm định khả năng cân đối của ngân sách theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước, gửi Hội đồng thẩm định dự án PPP hoặc đơn vị được giao nhiệm vụ thẩm định tổng hợp, trình cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư.

Lựa chọn dự án và lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án PPP

Thứ nhất, điều kiện lựa chọn dự án để đầu tư theo phương thức PPP bao gồm:

- Sự cần thiết đầu tư;

- Thuộc lĩnh vực quy định tại khoản 1 Điều 4 của Luật và đáp ứng quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu quy định tại khoản 2 Điều 4 của Luật;

- Không trùng lặp với dự án PPP đã có quyết định chủ trương đầu tư hoặc quyết định phê duyệt dự án;

- Có lợi thế so với các hình thức đầu tư khác;

- Có khả năng bố trí vốn nhà nước trong trường hợp có nhu cầu sử dụng vốn nhà nước.

Thứ hai, căn cứ lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi bao gồm:

- Chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia và quy hoạch có liên quan theo quy định của pháp luật về quy hoạch;

- Quy định của Luật, quy định khác của pháp luật có liên quan đến lĩnh vực đầu tư của dự án;

- Các văn bản pháp lý khác có liên quan.

Thứ ba, Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi bao gồm các nội dung chủ yếu:

- Sự cần thiết đầu tư; lợi thế đầu tư theo phương thức PPP so với các hình thức đầu tư khác; tác động của việc thực hiện dự án theo phương thức PPP đối với cộng đồng, dân cư trong phạm vi dự án;

- Mục tiêu; dự kiến quy mô, địa điểm, thời gian thực hiện dự án, nhu cầu sử dụng đất và tài nguyên khác;

- Phương án thiết kế sơ bộ theo quy định của pháp luật về xây dựng đối với dự án có cấu phần xây dựng, pháp luật khác có liên quan đối với dự án không có cấu phần xây dựng; thuyết minh sơ bộ về phương án kỹ thuật, công nghệ; sơ bộ phân chia dự án thành phần (nếu có);

- Đánh giá sơ bộ hiệu quả kinh tế - xã hội của dự án; đánh giá sơ bộ tác động môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường như đối với dự án đầu tư công;

- Sơ bộ tổng mức đầu tư; đánh giá sơ bộ phương án tài chính của dự án; dự kiến sử dụng vốn nhà nước trong dự án (nếu có); dự kiến phương thức thanh toán cho nhà đầu tư đối với dự án áp dụng loại hợp đồng BTL, hợp đồng BLT;

- Dự kiến loại hợp đồng dự án PPP; các hình thức ưu đãi, bảo đảm đầu tư; cơ chế chia sẻ phần giảm doanh thu.

Thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án PPP

Một là, Hồ sơ thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi bao gồm: Văn bản đề nghị thẩm định; Dự thảo tờ trình đề nghị quyết định chủ trương đầu tư; Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi; Tài liệu pháp lý khác có liên quan của dự án.

Hai là, việc thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi bao gồm các nội dung chủ yếu:

- Sự phù hợp với điều kiện lựa chọn dự án để đầu tư theo phương thức PPP quy định tại khoản 1 Điều 14 của Luật;

- Sự phù hợp với căn cứ lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi quy định tại khoản 2 Điều 14 của Luật;

- Hiệu quả đầu tư; khả năng thu hồi vốn cho nhà đầu tư;

- Sự phù hợp của loại hợp đồng dự án PPP;

- Cơ chế chia sẻ phần giảm doanh thu;

- Nguồn vốn và khả năng cân đối vốn đối với dự án PPP có sử dụng vốn nhà nước.

Hồ sơ đề nghị quyết định chủ trương đầu tư dự án PPP: Tờ trình đề nghị quyết định chủ trương đầu tư; Dự thảo quyết định chủ trương đầu tư; Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi; Báo cáo thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi; báo cáo thẩm tra đối với dự án do Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư; Tài liệu pháp lý khác có liên quan của dự án.

Nội dung quyết định chủ trương đầu tư dự án PPP

Thứ nhất, Quyết định chủ trương đầu tư bao gồm các nội dung chủ yếu:

- Tên dự án;

- Tên cơ quan có thẩm quyền;

- Mục tiêu; dự kiến quy mô, địa điểm, thời gian thực hiện dự án, nhu cầu sử dụng đất và tài nguyên khác;

- Dự kiến loại hợp đồng dự án PPP;

- Sơ bộ tổng mức đầu tư; sơ bộ phương án tài chính: cơ cấu nguồn vốn trong dự án, dự kiến khung giá, phí sản phẩm, dịch vụ công đối với dự án áp dụng cơ chế thu phí trực tiếp từ người sử dụng;

- Cơ chế bảo đảm đầu tư, cơ chế chia sẻ phần giảm doanh thu.

Thứ hai, đối với dự án ứng dụng công nghệ cao, ứng dụng công nghệ mới ngoài quy định trên, nội dung quyết định chủ trương đầu tư còn bao gồm tên bên mời thầu, hình thức lựa chọn nhà đầu tư, thời gian tổ chức lựa chọn nhà đầu tư.

Về điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án PPP

Một là, chủ trương đầu tư dự án PPP được điều chỉnh khi thay đổi mục tiêu, địa điểm, quy mô, loại hợp đồng dự án PPP, tăng tổng mức đầu tư từ 10% trở lên hoặc tăng giá trị vốn nhà nước trong dự án PPP trong các trường hợp:

- Dự án bị ảnh hưởng bởi sự kiện bất khả kháng;

- Quy hoạch, chính sách, pháp luật có liên quan thay đổi;

- Khi điều chỉnh báo cáo nghiên cứu khả thi.

Hai là, cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án PPP là cấp quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án và chịu trách nhiệm về quyết định của mình.

Ba là, trình tự trình cấp có thẩm quyền quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án PPP thực hiện theo quy định tại Điều 13 của Luật đối với nội dung điều chỉnh.

Bốn là, Hồ sơ điều chỉnh chủ trương đầu tư bao gồm: Tờ trình đề nghị điều chỉnh chủ trương đầu tư; Nội dung điều chỉnh báo cáo nghiên cứu tiền khả thi; Báo cáo thẩm định, báo cáo thẩm tra nội dung điều chỉnh báo cáo nghiên cứu tiền khả thi; Tài liệu pháp lý khác có liên quan của dự án.

Nội dung báo cáo nghiên cứu khả thi dự án PPP

- Đơn vị chuẩn bị dự án PPP lập báo cáo nghiên cứu khả thi căn cứ quyết định chủ trương đầu tư.

- Báo cáo nghiên cứu khả thi bao gồm các nội dung chủ yếu:

+ Sự cần thiết đầu tư; lợi thế đầu tư theo phương thức PPP so với các hình thức đầu tư khác; kết quả tiếp thu ý kiến về tác động của việc thực hiện dự án theo phương thức PPP khi có ý kiến của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh nơi thực hiện dự án, hiệp hội nghề nghiệp liên quan đến lĩnh vực đầu tư;

+ Sự phù hợp của dự án với chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia và quy hoạch có liên quan theo quy định của pháp luật về quy hoạch;

+ Mục tiêu; quy mô; địa điểm; nhu cầu sử dụng đất và tài nguyên khác;

+ Tiến độ; thời gian thực hiện dự án bao gồm: thời hạn hợp đồng, thời gian xây dựng công trình đối với dự án có cấu phần xây dựng;

+ Thuyết minh yêu cầu về phương án kỹ thuật, công nghệ, tiêu chuẩn chất lượng của công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng hoặc sản phẩm, dịch vụ công; hồ sơ thiết kế theo quy định của pháp luật về xây dựng, pháp luật khác có liên quan; liên hệ giữa các dự án thành phần (nếu có);

+ Loại hợp đồng dự án PPP; phân tích rủi ro và biện pháp quản lý rủi ro của dự án;

+ Các hình thức ưu đãi, bảo đảm đầu tư, cơ chế chia sẻ phần giảm doanh thu;

+ Tổng mức đầu tư; phương án tài chính của dự án; dự kiến vốn nhà nước trong dự án và hình thức quản lý, sử dụng tương ứng (nếu có); kết quả khảo sát sự quan tâm của nhà đầu tư và bên cho vay (nếu có); khả năng huy động vốn để thực hiện dự án; phương án tổ chức quản lý, kinh doanh hoặc cung cấp sản phẩm, dịch vụ công;

+ Hiệu quả kinh tế - xã hội của dự án; báo cáo đánh giá tác động môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

Hồ sơ, nội dung thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi dự án PPP

Thứ nhất, Hồ sơ thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi bao gồm: Văn bản đề nghị thẩm định; Dự thảo tờ trình đề nghị phê duyệt dự án; Báo cáo nghiên cứu khả thi; Quyết định chủ trương đầu tư; Tài liệu pháp lý khác có liên quan của dự án.

Thứ hai, việc thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi bao gồm các nội dung chủ yếu:

- Sự phù hợp với căn cứ pháp lý;

- Sự cần thiết đầu tư;

- Sự phù hợp với yêu cầu về phương án kỹ thuật, công nghệ, tiêu chuẩn chất lượng của công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng hoặc sản phẩm, dịch vụ công. Việc thẩm định các nội dung về hồ sơ thiết kế, kỹ thuật, công nghệ, tiêu chuẩn chất lượng được thực hiện theo quy định của pháp luật về xây dựng, pháp luật khác có liên quan;

- Sự phù hợp của loại hợp đồng dự án PPP;

- Tính khả thi về tài chính; phương án tổ chức quản lý, kinh doanh hoặc cung cấp sản phẩm, dịch vụ công;

- Hiệu quả kinh tế - xã hội.

Thẩm quyền phê duyệt dự án PPP

- Thủ tướng Chính phủ phê duyệt dự án quy định tại khoản 1 Điều 12 của Luật.

- Bộ trưởng, người đứng đầu cơ quan trung ương, cơ quan khác phê duyệt dự án thuộc phạm vi quản lý quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 12 của Luật.

- Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt dự án thuộc phạm vi quản lý quy định tại khoản 2 và khoản 4 Điều 12 của Luật.

Hồ sơ đề nghị phê duyệt dự án PPP: Tờ trình đề nghị phê duyệt dự án. Dự thảo quyết định phê duyệt dự án. Báo cáo nghiên cứu khả thi. Báo cáo thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi. Quyết định chủ trương đầu tư. Tài liệu pháp lý khác có liên quan của dự án.

Nội dung quyết định phê duyệt dự án PPP: Quyết định phê duyệt dự án PPP bao gồm các nội dung chủ yếu: Tên dự án; Tên cơ quan ký kết hợp đồng;  Mục tiêu; quy mô; địa điểm; thời gian thực hiện dự án; nhu cầu sử dụng đất và tài nguyên khác; Loại hợp đồng dự án PPP; Tổng mức đầu tư; cơ cấu nguồn vốn trong dự án; giá, phí sản phẩm, dịch vụ công đối với dự án áp dụng loại hợp đồng thông qua cơ chế thu phí trực tiếp từ người sử dụng; Tên bên mời thầu, hình thức lựa chọn nhà đầu tư, thời gian tổ chức lựa chọn nhà đầu tư, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 17 của Luật.

Điều chỉnh dự án PPP

Một là, Báo cáo nghiên cứu khả thi được điều chỉnh trong các trường hợp:

- Dự án bị ảnh hưởng bởi sự kiện bất khả kháng;

- Xuất hiện các yếu tố mang lại hiệu quả cao hơn về tài chính, kinh tế - xã hội cho dự án;

- Quy hoạch, chính sách, pháp luật có liên quan thay đổi gây ảnh hưởng trực tiếp đến mục tiêu, địa điểm, quy mô của dự án;

- Không lựa chọn được nhà đầu tư thực hiện dự án.

Hai là, trường hợp điều chỉnh báo cáo nghiên cứu khả thi dẫn đến thay đổi mục tiêu, quy mô, địa điểm, loại hợp đồng dự án PPP, tăng tổng mức đầu tư từ 10% trở lên hoặc tăng giá trị vốn nhà nước trong dự án PPP thì phải thực hiện trình tự, thủ tục quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư trước khi trình cấp có thẩm quyền quyết định phê duyệt điều chỉnh dự án.

Ba là, thẩm quyền, trình tự thẩm định, phê duyệt điều chỉnh dự án PPP thực hiện theo quy định tại các điều 19, 20, 21, 22 và 23 của Luật đối với nội dung điều chỉnh.

Bốn là, Hồ sơ điều chỉnh dự án bao gồm: Tờ trình đề nghị phê duyệt điều chỉnh dự án; Dự thảo quyết định phê duyệt điều chỉnh dự án; Báo cáo thẩm định nội dung điều chỉnh báo cáo nghiên cứu khả thi; Tài liệu pháp lý khác có liên quan của dự án.

Công bố thông tin dự án PPP

Thứ nhất, trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày có quyết định chủ trương đầu tư, quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư (nếu có), quyết định phê duyệt dự án, quyết định phê duyệt điều chỉnh dự án (nếu có), cơ quan có thẩm quyền tổ chức công bố thông tin dự án.

Thứ hai, thông tin dự án được công bố bao gồm:

- Quyết định chủ trương đầu tư, quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư (nếu có);

- Quyết định phê duyệt dự án, quyết định phê duyệt điều chỉnh dự án (nếu có);

- Thông tin về địa chỉ liên hệ của cơ quan có thẩm quyền, cơ quan ký kết hợp đồng, bên mời thầu./.

 

Bích Khuyên