Đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước- những nhiệm vụ trọng tâm và trước mắt
Sắp xếp, cơ cấu lại, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước là nhiệm vụ chính trị quan trọng, cần tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy cổ phần hóa và tạo môi trường cạnh tranh, cả thị trường đầu vào và đầu ra trong hoạt động của doanh nghiệp nhà nước. Vốn nhà nước phải phát huy tác dụng tốt hơn; phải cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, giải phóng nguồn lực, để tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững.
Sắp xếp, cơ cấu lại, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước cần tập trung vào một số nội dung sau:
- Xác định lĩnh vực Nhà nước cần nắm giữ, lĩnh vực nào cần rút ngắn. Lành mạnh hóa hoạt động của doanh nghiệp, giải quyết những vướng mắc, mâu thuẫn có thể là rào cản đối với tiến trình cổ phần hóa.
- Trong quá trình sắp xếp, cổ phần hóa, thái vốn nhà nước, mục tiêu quan trọng nhất là phải đảm bảo lợi ích cao nhất của Nhà nước. Trong quá trình cổ phần hóa phải tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm toán để không thất thoát vốn doanh nghiệp nhà nước. Có cơ chế phù hợp để thu hút các nhà đầu tư chiến lược, có năng lực, giảm tỷ lệ sở hữu nhà nước xuống mức đủ để thay đổi quản trị doanh nghiệp một cách thực chất.
- Việc đổi mới nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước mà Nhà nước nắm giữ 100% hoặc giữ cổ phần chi phối, doanh nghiệp nhà nước hoạt động không hiệu quả, không quản lý được vì mục tiêu đan xen nhau hoặc mâu thuẫn nhau. Vì vậy cần làm rõ mục tiêu chính sách và mục tiêu kinh tế của mỗi doanh nghiệp trong thực hiện nhiệm vụ. Đó là căn cứ để doanh nghiệp nhà nước hoạt động và hạch toán.
Để thực hiện tốt các nội dung trên cần thực hiện một số giải pháp trước mắt sau:
- Các cấp liên quan cần nghiêm túc triển khai các chủ trương, biện pháp mới, có tính đột phá vừa được Trung ương thông qua như đẩy mạnh chuyển đổi hầu hết doanh nghiệp nhà nước thành doanh nghiệp có cơ cấu sở hữu hỗn hợp, chủ yếu là doanh nghiệp cổ phần, niêm yết trên thị trường chứng khoán, lấy hiệu quả kinh tế làm tiêu chí đánh giá chủ yếu.
- Tập trung xử lý dứt điểm các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp, các dự án, công trình đầu tư không hiệu quả, thua lỗ kéo dài, kể cả bằng biện pháp giải thể, phá sản.
- Khẩn trương hoàn thiện mô hình quản lý, giám sát doanh nghiệp và vốn, tài sản của Nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp. Kiên quyết đấu tranh và có biện pháp phòng ngừa, khắc phục tình trạng cấn bộ lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp nhà nước móc ngoặc với cán bộ, công chức nhà nước và khu vực kinh tế tư nhân để hình thành “ nhóm lợi ích”, “ sân sau” thao túng hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, trục lợi cá nhân, tham nhũng, lãng phí, gây tổn hại cho Nhà nước và doanh nghiệp.