Tư tưởng Hồ Chí Minh về dựng nước và giữ nước
Để thực hiện tốt chỉ thị này, việc hàng đầu của mỗi người là cần phải tìm hiểu kĩ về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, trong đó trước hết là tìm hiểu kĩ về tư tưởng Hồ Chí Minh.
Tư tưởng Hồ Chí Minh thể hiện trong những bài nói và viết của Người đã được Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia xuất bản thành Hồ Chí Minh toàn tập (trọn bộ 12 tập) vào năm 2009.
1. Có thể nói tư tưởng Hồ Chí Minh về dựng nước thể hiện ở lời phát biểu của Người tại Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội ngày 20/6/1960: “Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội, phải có con người xã hội chủ nghĩa và có tư tưởng xã hội chủ nghĩa. Phải đánh bạt những tư tưởng công thần, địa vị, danh lợi của chủ nghĩa cá nhân, làm cho tư tưởng của chủ nghĩa tập thể thắng lợi, tức là phát huy tinh thần cần kiệm xây dựng chủ nghĩa xã hội, bảo vệ của công, chống tham ô lãng phí”.
Ngay từ năm 1947, trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, Hồ Chí Minh đã dành chương “Tư cách và đạo đức cách mạng” để phác thảo những nét chính về con người xã hội chủ nghĩa. Đó là con người “Hiểu biết lý luận cách mạng và lý luận cùng thực hành phải luôn luôn đi đôi với nhau”, phải có “tinh thần yêu nước và cần kiệm liêm chính”, phải “liên hợp chặt chẽ với dân chúng”, phải làm cho những “tính tốt” cụ thể là: “Nhân, Nghĩa, Trí, Dũng, Liêm” “ngày càng thêm”. Đó là con người “bất kỳ ở hoàn cảnh nào” cũng “luôn ra sức phấn đấu, ra sức làm việc, cố gắng học tập để nâng cao trình độ văn hóa, trí thức và chính trị của mình”, “luôn luôn giữ gìn kỷ luật”.
Hồ Chí Minh chính là hiện thân của lời nói đi đôi với việc làm, là hiện thân của Nhân, Nghĩa, Trí, Dũng, Cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Cuộc đời của Người trong sáng như pha lê.
2. Tư tưởng Hồ Chí Minh về giữ nước thể hiện ở lời kêu gọi cách đây đúng 50 năm: ngày 3/11/1968: “Hễ còn một tên xâm lược trên đất nước ta thì ta còn phải tiếp tục chiến đấu quét sạch nó đi”. Lời kêu gọi đóvừa như tiếng vọng của mấy ngàn năm ông cha ta giữ nước, vừa như hồi kèn thúc giục mọi người xông lên đánh đuổi quân xâm lược.
Tổ quốc ta “mênh mông biển lúa đâu trời đẹp hơn”, rừng nhiều gỗ quý, dưới đất nhiêu mỏ than, mỏ bôxit, mỏ thiếc,..., biển của ta nhiều tôm cá, ngọc trai, san hô,... nhất là nhiều dầu lửa, khí đốt,..., luôn hấp dẫn bọn Hoàng đế tham lam, bọn thực dân, phát xít, đế quốc, bọn bành trướng bá quyền,... Vì thế từ hàng ngàn năm nay tổ tiên ta đã phải bao lần chiến đấu quét sạch chúng ra khỏi bờ cõi: Quân Hán thế kỷ 1, quân Nam Hán thế kỷ 10, quân Tống thế kỷ 10 và 11, quân Nguyên thế kỷ 13, quân Minh thế kỷ 15, quân Thanh thế kỷ 18, từ phương Bắc lũ lượt kéo sang xâm lược nước ta, cuối cùng đều bị nhân dân ta quét sạch. Để quét sạch chúng, thường là tổ tiên ta phải dùng quân sự nhưng cũng có khi dùng ngoại giao: Thế kỷ 11, sau khi 2 tướng Tống là Quách Quỳ và Triệu Tiết bị Lý Thường Kiệt đánh bại trên phòng tuyến sông Như Nguyệt, hầu hết quân Tống phải rút về nước. Nhưng nhà Tống vẫn ngoan cố chiếm giữ một số huyện thuộc hai tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn ngày nay, lấy cớ là các quan lại địa phương ở đó đã dâng cho nhà Tống. Vua Lý Nhân Tông phải cử Thái sư Lê Văn Thịnh tiến hành đấu tranh ngoại giao, cuối cùng nhà Tống phải trả hết đất cho ta.
Thủa niên thiếu, cậu bé Nguyễn Sinh Cung đã phải chứng kiến quân Pháp giầy xéo khắp đất nước ta. Vì thế lớn lên chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành quyết tìm đường cứu dân, cứu nước. Có thể nói cả cuộc đời Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh nhằm tới mục đích quét sạch kẻ xâm lăng khỏi đất nước ta. Hưởng ứng lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến ngày 19/12/1946 của Người, nhân dân ta đã “làm một Điện Biên” khiến thực dân Pháp phải cút về nước. Toàn dân ta cũng đã “đánh cho Mỹ cút” nhưng tiếc rằng Bác đã từ trần 6 năm trước khi những tên xâm lược Mỹ cuối cùng phải tháo chạy.
Hiểu đúng, hiểu rõ tư tưởng Hồ Chí Minh về dựng nước và giữ nước chẳng những là cơ sở để thực hiện tốt Chỉ thị 05-CT/TW mà còn giúp chúng ta định hướng đúng suy nghĩ và hành động hàng ngày.