Đẩy mạnh công tác phối hợp trong thực hiện chuyển đổi số Bộ, ngành Tư pháp
Chiều 15/1, Cục Công nghệ thông tin (CNTT), Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội nghị triển khai công tác năm 2024. Thứ trưởng Mai Lương Khôi và Quyền Cục trưởng Cục CNTT Phạm Quang Hiếu đồng chủ trì Hội nghị.
Năm 2023, với tinh thần nỗ lực, trách nhiệm, chủ động, quyết tâm, đoàn kết của Cục CNTT cùng sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ và sự phối hợp chặt chẽ của một số đơn vị thuộc Bộ, Cục đã có những bước đột phá về công tác chỉ đạo, điều hành, cũng như công tác chuyên môn trong lĩnh vực ứng dụng CNTT, chuyển đổi số; đảm bảo an toàn, an ninh thông tin mạng; từng bước xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số của Bộ, ngành Tư pháp. Trong bối cảnh có nhiều nhiệm vụ cấp bách và biến động về nhân sự, Cục CNTT đã triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao trong Kế hoạch công tác năm 2023 của đơn vị.
Quyền Cục trưởng Cục CNTT Phạm Quang Hiếu phát biểu tại Hội nghị.
Hoàn thành và đưa vào khai thác vượt tiến độ đối với Dự án Đầu tư hạ tầng Trung tâm dữ liệu điện tử Bộ Tư pháp
Cụ thể, triển khai và đưa vào khai thác kết quả của Dự án "Đầu tư hạ tầng Trung tâm dữ liệu điện tử Bộ Tư pháp" trước thời hạn 57 ngày nhằm cung cấp kịp thời hạ tầng để triển khai 02 nhóm dịch vụ công liên thông theo yêu cầu, tiến độ của Tổ công tác triển khai Đề án 06 Chính phủ; Duy trì quản lý, vận hành và khai thác hiệu quả Nền tảng Kết nối, chia sẻ dùng chung của Bộ Tư pháp, phục vụ tốt các nhu cầu tích hợp, trao đổi dữ liệu giữa các hệ thống thông tin của Bộ Tư pháp với các bộ, ngành và địa phương.
Quản lý, vận hành tốt Trung tâm Dữ liệu điện tử Bộ Tư pháp, cấp phát tài nguyên hạ tầng kịp thời và hiệu quả cho các nền tảng, hệ thống thông tin và phần mềm ứng dụng của Bộ, ngành Tư pháp. Thực hiện tốt công tác đảm bảo an toàn, an ninh thông tin cho hệ thống hạ tầng số, Trung tâm Dữ liệu điện tử Bộ Tư pháp, các hệ thống thông tin và phần mềm ứng dụng của Bộ Tư pháp, góp phần tạo niềm tin thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số tại Bộ, ngành Tư pháp.
Phối hợp triển khai hoạt động thí điểm cấp Phiếu LLTP trên ứng dụng VNeID tại tỉnh Thừa Thiên Huế
Phát huy tích cực vai trò cơ quan chuyên trách về công nghệ thông tin, chuyển đổi số và cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo chuyển đổi số Ngành Tư pháp, Cục CNTT đã phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ tiến thành nâng cấp, phát triển, mở rộng các hệ thống thông tin, phần mềm ứng dụng trong hoạt động của Bộ, ngành Tư pháp. Cục đã phối hợp triển khai giải pháp ký số giấy tờ hộ tịch và liên thông 02 nhóm TTHC: (1) Đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú - cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi; (2) Đăng ký khai tử - xóa đăng ký thường trú - hỗ trợ chi phí mai táng, trợ cấp mai táng; Triển khai đúng tiến độ Dự án Kết nối một số phần mềm nghiệp vụ với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, tạo cơ sở để triển khai hiệu quả các nhiệm vụ tiếp theo của Đề án 06 tại Bộ, ngành Tư pháp; Chủ động phối hợp và thúc đẩy triển khai hoạt động thí điểm cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID cho công dân tại tỉnh Thừa Thiên Huế góp phần đẩy mạnh chuyển đổi số và nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý về Phiếu lý lịch tư pháp của Bộ; Xây dựng hệ thống thông tin báo cáo của Bộ Tư pháp đảm bảo kết nối với Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia. Cục tiếp tục duy trì quản lý, vận hành và khai thác Nền tảng Kết nối, chia sẻ dùng chung của Bộ Tư pháp (LGSP); phối hợp với Cục Chuyển đổi số quốc gia - Bộ Thông tin và Truyền thông hỗ trợ các địa phương triển khai kết nối liên thông dữ liệu giữa Hệ thống một cửa điện tử của các địa phương với Hệ thống thông tin Đăng ký và quản lý hộ tịch dùng chung, Hệ thống phần mềm Lý lịch tư pháp thông qua Nền tảng Tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia; điều chỉnh và thực hiện kiểm thử phần mềm trong lĩnh vực Lý lịch tư pháp; Quốc tịch; Trợ giúp pháp lý; Thi hành án dân sự để khai thác thông tin từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cung cấp các thông tin quốc tịch, trợ giúp pháp lý, thi hành án dân sự để làm giàu dữ liệu dân cư.
Chú trọng đảm bảo cơ sở hạ tầng dùng chung cho các ứng dụng và hệ thống thông tin của Bộ, ngành Tư pháp
Bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, công tác thông tin điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số và đảm bảo an toàn, an ninh thông tin mạng vẫn còn những tồn tại, hạn chế như: công tác tham mưu Lãnh đạo Bộ chỉ đạo về ứng dụng CNTT, chuyển đổi số còn chưa bao quát được hết các vấn đề; một số nền tảng, hệ thống thông tin và ứng dụng dùng chung hoạt động chưa liên tục, thông suốt; chưa kịp thời đổi mới hoạt động của Trung tâm Thông tin trong việc cung cấp các dịch vụ có thu khác để bổ sung nguồn thu, đáp ứng lộ trình tự chủ và đảm bảo hoạt động của Trung tâm…
Nhận thức được những khó khăn, tồn tại nêu trên, trong năm 2024, Cục CNTT tiếp tục bám sát chủ đề chuyển đổi số năm 2024 của Uỷ ban chuyển đổi số quốc gia, Kế hoạch "Chuyển đổi số Ngành tư pháp đến năm 2025, định hướng đến năm 2030", Kế hoạch chuyển đổi số năm 2024 của Bộ Tư pháp, theo đó sẽ ưu tiên triển khai các nhiệm vụ trọng tâm sau: Một là, đảm bảo cơ sở hạ tầng dùng chung cho các ứng dụng và hệ thống thông tin của Bộ, ngành tư pháp; Hai là, nâng cấp cải thiện các hệ thống nền tảng dùng chung của Bộ như Hệ thống Quản lý văn bản và điều hành, Hệ thống Hội nghị truyền hình góp phần nâng cao công tác chỉ đạo điều hành của Lãnh đạo Bộ; Ba là, phối hợp Cục Kế hoạch tài chính và các đơn vị liên quan triển khai có hiệu quả các Dự án đầu tư công về công nghệ thông tin của Bộ, ngành Tư pháp giai đoạn 2021-2025 nhằm xây dựng, phát triển, mở rộng cơ sở dữ liệu, hệ thống nền tảng dùng chung trong ngành Tư pháp tạo nền tảng phát triển Chính phủ điện tử; Bốn là, duy trì bảo đảm an toàn thông tin theo mô hình 4 lớp tại Bộ theo hướng dẫn của Bộ Thông tin và truyền thông; Năm là, làm tốt vai trò cơ quan chuyên trách về công nghệ thông tin, chuyển đổi số nhằm điều phối và triển khai hiệu quả hoạt động chuyển đổi số của Bộ, ngành Tư pháp, trong đó tập trung vào việc số hóa, phát triển dữ liệu và các mục tiêu quan trọng khác; Sáu là, đổi mới mô hình hoạt động của Trung tâm Thông tin, quan tâm đến việc chăm lo và nâng cao đời sống cho cán bộ, công chức, viên chức của đơn vị.
Đại diện Lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ phát biểu trao đổi, cho ý kiến tại Hội nghị.
Tại Hội nghị, đại diện các cán bộ, công chức của Cục Công nghệ thông tin và đại diện Lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ đã trao đổi, thảo luận, cho ý kiến về nội dung báo cáo kết quả công tác công nghệ thông tin năm 2023 và phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp công tác năm 2024, đặc biệt là trong công tác phối hợp ứng dụng CNTT, chuyển đổi số nhằm thực hiện hiệu quả nhiệm vụ thuộc lĩnh vực chuyên môn của mỗi đơn vị.
Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tham mưu quản lý và tổ chức thực hiện hoạt động ứng dụng CNTT, chuyển đổi số của Bộ, ngành Tư pháp
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thứ trưởng Mai Lương Khôi ghi nhận những kết quả Cục CNTT đã đạt được trong năm 2023. Đồng thời, Thứ trưởng nhấn mạnh, ứng dụng CNTT, chuyển đổi số hiện nay là xu thế phát triển tất yếu, đồng thời là một trong những giải pháp quan trọng để nâng cao công tác quản lý, điều hành và tổ chức thực hiện nhiệm vụ, nhất là trong bối cảnh khối lượng công việc của Bộ, ngành Tư pháp ngày càng nhiều, yêu cầu ngày càng cao.
Vì vậy, Thứ trưởng đề nghị Cục CNTT cần bám sát các chủ trương, chính sách của Đảng, Chính phủ về công tác ứng dụng CNTT, chuyển đổi số để tham mưu, tổ chức triển khai đầy đủ, kịp thời, hiệu quả nhiệm vụ được giao tại các đề án, văn bản, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về công tác CNTT, chuyển đổi số liên quan đến nhiệm vụ của Bộ, ngành.
Thứ trưởng Mai Lương Khôi phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.
Phát huy hơn nữa vai trò đơn vị thường trực Ban Chỉ đạo chuyển đổi số ngành Tư pháp, tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tham mưu quản lý và tổ chức thực hiện hoạt động ứng dụng CNTT, chuyển đổi số của Bộ, ngành. Đẩy mạnh phối hợp với các đơn vị có liên quan, trước mắt tập trung ưu tiên cho lĩnh vực hộ tịch và nâng cấp phần mềm cấp Phiếu Lý lịch tư pháp…
Thứ trưởng lưu ý Cục CNTT tiếp tục nâng cao, cập nhật về công nghệ mới, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị có dự án CNTT cần sử dụng các nền tảng, hệ điều hành phù hợp thực tiễn để làm chủ và kiểm soát; Tăng cường hiệu quả của công tác quản lý, cung cấp hạ tầng CNTT của Bộ, ngành; tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực, trình độ của đội ngũ công chức đơn vị cũng như đẩy mạnh các hoạt động toạ đàm, trao đổi để cán bộ, công nhân viên chức Bộ Tư pháp có kiến thức về CNTT, được tiếp cận về ứng dụng CNTT, chuyển đổi số để kịp thời tham mưu, hoạch định chính sách…
Nhân dịp này, thay mặt Ban cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ Tư pháp, Thứ trưởng Mai Lương Khôi đã trao tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho các cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác của Cục Công nghệ thông tin./.