Bất cập trong việc thực hiện các quy định của pháp luật trong lĩnh vực xây dựng- đề xuất, kiến nghị

07/12/2022 10:19 Số lượt xem: 141

1. Về nội dung lựa chọn tổ chức, cá nhân thực hiện thẩm tra phục vụ công tác thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng quy định tại khoản 8 Điều 15 Nghị định số 15/2021/NĐ-CP về việc lựa chọn tổ chức cá nhân thực hiện công tác thẩm tra theo hình thức chỉ định thầu và theo quy trình chỉ định thầu rút gọn. Tuy nhiên quy định trên chưa thực sự phù hợp với quy định về chỉ định thầu và hạn mức chỉ định thầu nêu tại Điều 22 Luật Đầu thầu số 43/2013/QH13 và Điều 54 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP.

 Kiến nghị, đề xuất: Đề nghị ban hành thông tư hướng dẫn chi tiết về quy định hạn mức và hình thức lựa chọn nhà thầu gói thầu tư vấn nêu tại khoản 8 Điều 15 Nghị định 15/2021/NĐ-CP để phù hợp với quy định về Đấu thầu.

 2. Về nội dung điều chỉnh cơ cấu các khoản mục chi phí gồm cả chi phí dự phòng trong trường hợp không làm vượt tổng mức đầu tư đã phê duyệt: Nghị định số 10/2021/NĐ-CP và các Thông tư hướng dẫn đều không quy định cụ thể (các Nghị định, Thông tư về quản lý chi phí trước đây như Nghị định số 32/2015/NĐ-CP, Nghị định số 68/2019/NĐ-CP nội dung trên được quy định rất cụ thể). Việc điều chỉnh cơ cấu chỉ được đề cập tại khoản 5 Điều 15 Nghị định số 10/2021/NĐ-CP khi điều chỉnh dự toán xây dựng công trình (trong các trường hợp khác không liên quan đến điều chỉnh dự toán xây dựng công trình thì chưa có quy định cụ thể). Mặt khác tại văn bản số 2806/BXD-KTXD ngày 20/7/2021 của Bộ Xây dựng trả lời Kho bạc Nhà nước có nêu “…pháp luật về quản lý chi phí đầu tư xây dựng không quy định chủ đầu tư phê duyệt điều chỉnh hoặc trình người quyết định đầu tư phê duyệt điều chỉnh cơ cấu tổng mức đầu tư’’. Do vậy trong quá trình thực hiện các Chủ đầu tư còn có nhiều cách hiểu khác nhau về trình tự thực hiện, thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh cơ cấu khoản mục chi phí trong tổng mức đầu tư.

 Kiến nghị, đề xuất: Đề nghị Bộ Xây dựng điều chỉnh, bổ sung thêm quy định tại Thông tư số 11/2021/TT-BXD ngày 31/8/2021 để hướng dẫn cụ thể về việc thực hiện điều chỉnh cơ cấu khoản mục chi phí trong tổng mức đầu tư xây dựng mà không làm vượt tổng mức đầu tư đã phê duyệt; trình tự và thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh.

 3. Về nội dung điều chỉnh thiết kế đối với dự án chỉ cần lập Báo cáo kinh tế - kỹ thuật chưa có quy định cụ thể về thẩm quyền thẩm định và phê duyệt. Do vậy trong quá trình thực hiện nhiều chủ đầu tư phải thực hiện việc điều chỉnh thiết kế như việc điều chỉnh Báo cáo kinh tế - kỹ thuật (trình người quyết định đầu tư tổ chức thẩm định, phê duyệt), kể cả đối với những thay đổi, điều chỉnh nhỏ không thuộc quy định tại khoản 2 Điều 84 Luật Xây dựng. Việc trình người quyết định đầu tư tổ chức thẩm định, phê duyệt như trên là không cần thiết gây phát sinh thủ tục hành chính và kéo dài thời gian thực hiện dự án.

 Kiến nghị, đề xuất: Đề nghị ban hành Thông tư bổ sung quy định về điều chỉnh thiết kế đối với dự án chỉ cần lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật. 

4. Trong quá trình nghiên cứu, áp dụng xử phạt vi phạm hành chính đối với chủ đầu tư về hành vi vi phạm quy định về lựa chọn tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xây dựng theo điểm e khoản 1 Điều 7 của Nghị định số 16/2022/NĐ-CP ngày 28/01/2022 của Chính phủ nhận thấy hình phạt bổ sung theo quy định tại khoản 3 Điều 7 với hành vi nêu trên có sự mâu thuẫn với đối tượng áp dụng tại Điều 2, cụ thể:

Tại Điều 2. Đối tượng áp dụng

“1. Tổ chức, cá nhân trong nước, tổ chức, cá nhân nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trừ trường hợp Điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác.

 2. Người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính, áp dụng các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử phạt vi phạm hành chính, người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính.

 3. Cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến việc xử phạt vi phạm hành chính quy định tại Nghị định này.” Như vậy đối tượng là con người, cơ quan, tổ chức; không phải là công trình, hạng mục công trình như khoản 3 Điều 7 của Nghị định số 16/2022/NĐ-CP nêu “Đình chỉ hoạt động xây dựng từ 03 tháng đến 06 tháng đối với dự án, công trình, hạng mục công trình có hành vi quy định tại điểm c, điểm e khoản 1 Điều này”.

 Kiến nghị, đề xuất: Đề nghị Bộ Xây dựng xem xét, hướng dẫn thực hiện nội dung này.

5. Tại Khoản 4, Điều 2 Thông tư số 06/2021/TT-BXD ngày 30/6/2021 của Bộ Xây dựng quy định về phân cấp công trình xây dựng và hướng dẫn áp dụng trong quản lý hoạt động đầu tư xây dựng có nêu: “Cấp công trình của công trình hiện hữu được sửa chữa, cải tạo, nâng cấp xác định như sau:

 a) Trường hợp sửa chữa, cải tạo, nâng cấp làm thay đổi các tiêu chí xác định cấp công trình quy định tại khoản 1 Điều này thì cấp công trình của công trình sau sửa chữa, cải tạo, nâng cấp được xác định theo quy định tại Điều này;

 b) Trường hợp khác với quy định tại điểm a khoản này thì cấp công trình của công trình trước và sau sửa chữa, cải tạo, nâng cấp không thay đổi.” 

Như vậy quy định trên chỉ áp dụng cho công trình hiện hữu được cải tạo.

 Kiến nghị, đề xuất: Đề nghị Bộ Xây dựng hướng dẫn hoặc bổ sung quy định về xác định cấp của dự án, công trình đối với phần “Cải tạo sửa chữa công trình” làm cơ sở để thực hiện công tác quản lý.

Thu Thủy
Nguồn: Phòng Xây dựng và Kiểm tra văn bản