Tư pháp Bắc Ninh với công tác phổ biến pháp luật về bầu cử, hướng dẫn lập danh sách cử tri, góp phần quan trọng vào thành công bầu cử Đại biểu Quốc hội khoá XIV và bầu cử Đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021
Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2016 - 2021 được tổ chức vào ngày 22/5/2016 là sự kiện chính trị có ý nghĩa quan trọng, là đợt vận động và sinh hoạt dân chủ sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân. Cuộc bầu cử tại Bắc Ninh đã diễn ra thành công tốt đẹp. Cùng với các ngành, các cấp và cả hệ thống chính trị của tỉnh chuẩn bị tốt nhất các điều kiện để thực hiện các bước tiến hành bầu cử dân chủ, đúng luật; Ngành Tư pháp tỉnh Bắc Ninh đã xác định rõ vai trò quan trọng trong việc phổ biến, pháp luật về bầu cử; hướng dẫn việc lập, niêm yết Danh sách cử tri. Mục tiêu để mọi tầng lớp nhân dân nhận thức rõ và thực hiện Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021.
Với vai trò cơ quan thường trực Hội đồng Phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật tỉnh; ngày 31/3/2016, Sở Tư pháp đã tham mưu ban hành Kế hoạch số 07/KH-HĐPH về việc phối hợp thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2016 trên địa bàn tỉnh trong đó đã chỉ đạo các ngành thành viên, các Sở, ban, ngành thuộc tỉnh, UBND cấp huyện tập trung cao điểm thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến GDPL phục vụ bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021. Tập trung tuyên truyền, phổ biến sâu rộng Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp; gắn với truyền thông, phổ biến rộng rãi nội dung Hiến pháp năm 2013, Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân… và các văn bản pháp luật quan trọng mới được ban hành.
Nhằm phổ biến sâu rộng pháp luật về bầu cử đến cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, lực lượng vũ trang và các tầng lớp nhân dân, Sở Tư pháp đã biên soạn và phát hành 1.500 cuốn Tài liệu tuyên truyền, phổ biến về Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân; Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015; xuất bản 1.500 cuốn “Những điều cần biết về lập danh sách cử tri”; in 35.000 tờ gấp liên quan đến công tác bầu cử để phát hành đến các Tổ bầu cử; phát hành Bản tin tư pháp Bắc Ninh số chuyên đề về bầu cử (Số tháng 3/2016); mở chuyên mục về bầu cử, đăng tải toàn bộ các tài liệu phục vụ cho công tác bầu cử trên Trang Thông tin điện tử Sở Tư pháp; tăng cường phối hợp với các cơ quan, địa phương trong việc thực hiện việc giới thiệu, phổ biến các văn bản pháp luật phục vụ bầu cử.
Trong ngành Tư pháp, ngày 04/3/2016 Sở Tư pháp đã tổ chức Hội nghị tập huấn cấp tỉnh để phổ biến, giới thiệu pháp luật về bầu cử và hướng dẫn lập danh sách cử tri. Phòng Tư pháp cấp huyện đã chủ động tham mưu UBND cùng cấp tăng cường tổ chức các hội nghị phổ biến, quán triệt pháp luật liên quan bầu cử đến đông đảo cán bộ và nhân dân trên địa bàn. Theo báo cáo thống kê, toàn tỉnh đã tổ chức 08 hội nghị cấp huyện với gần 2000 đại biểu, 68 hội nghị cấp xã với gần 6000 đại biểu. Một số đơn vị đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến như huyện Yên Phong, Tiên Du, Gia Bình…
Đối với việc hướng dẫn lập và niêm yết danh sách cử tri. Sở Tư pháp đã ban hành các văn bản đề nghị Ủy ban bầu cử cấp huyện chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn tiến hành điều tra, lập và niêm yết danh sách cử tri tại khu vực bỏ phiếu đúng thời gian luật định; bảo đảm chính xác và thống nhất. Các nội dung quan trọng đã được Sở Tư pháp tập trung chỉ đạo, hướng dẫn đó là vấn đề về nguyên tắc và cách thức lập Danh sách cử tri; cách tính tuổi công dân để ghi tên vào danh sách cử tri, căn cứ để xác định tuổi của cử tri để thực hiện quyền bầu cử. Sở Tư pháp cũng đặc biệt lưu ý các địa phương khi lập Danh sách đối với các cử tri sinh năm 1998; việc xác định người mất năng lực hành vi dân sự khi lập Danh sách cử tri; vấn đề lập Danh sách cử tri với những người đăng ký tạm trú, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng nơi bỏ phiếu, việc xác định rõ về thời gian đăng ký tạm trú của cử tri trong Danh sách cử tri; về các trường hợp bỏ phiếu nơi khác hoặc bổ sung vào danh sách cử tri…
Bên cạnh đó, đã chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố thường xuyên kiểm tra, rà soát, chỉnh lý kỹ thuật Danh sách cử tri; bảo đảm tính chính xác và thống nhất. Yêu cầu Danh sách cử tri ở mỗi khu vực bỏ phiếu phải xác định được số lượng cụ thể cử tri bầu cử đại biểu Quốc hội, bầu cử đại biểu HĐND theo từng cấp, bảo đảm theo đúng các nguyên tắc bầu cử ở từng cấp. Tính đến ngày 12/4/2016, 100% các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đã lập và niêm yết Danh sách cử tri theo quy định pháp luật và hướng dẫn của Ủy ban bầu cử quốc gia.
Sau khi Danh sách cử tri được lập và niêm yết, Sở Tư pháp tiếp tục có văn bản yêu cầu tiếp tục rà soát, điều tra, nắm bắt kỹ những người có hộ khẩu thường trú tại địa phương nhưng đi làm ăn, công tác xa mà không thể có điều kiện trở về địa phương thực hiện quyền bầu cử. Tính đến trước 24 giờ trước ngày bầu cử, tổng số cử tri cử tri bầu đại biểu Quốc hội, bầu đại biểu HĐND tỉnh là 790.155 người, bầu đại biểu HĐND cấp huyện là 788.873 người, bầu đại biểu HĐND cấp xã là 781.742 người. Danh sách cử tri được lập trên địa bàn tỉnh đã bảo đảm một cách chính xác số lượng cử tri có điều kiện thực hiện quyền bầu cử tại địa phương. Vì vậy, trước, trong và sau bầu cử không có khiếu nại, tố cáo đối với việc lập, niêm yết Danh sách cử tri cũng như khiếu nại, tố cáo về việc không bảo đảm quyền bầu cử của cử tri.
Có thể thấy, với sự nhận thức sâu sắc về ý nghĩa của cuộc bầu cử, Sở Tư pháp đã phối hợp chặt chẽ với UBND các huyện, thị xã, thành phố, các Sở, ban ngành tỉnh thực hiện tốt công tác phổ biến pháp luật, hướng dẫn việc lập, niêm yết Danh sách cử tri; góp phần quan trọng trong việc nâng cao ý thức làm chủ, tinh thần tự giác của mọi công dân, cơ quan, tổ chức trong công tác bầu cử, tạo sự thống nhất trong toàn Đảng, sự đồng thuận trong toàn xã hội, đã tổ chức thành công cuộc bầu cử; để ngày bầu cử 22/5/2016 đã thực sự trở thành ngày hội của toàn dân./.