Sửa đổi Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước: Đảm bảo tốt hơn quyền con người, quyền công dân
Phát biểu tại phiên thảo luận tại Hội trường về dự án Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi) ngày 31/5, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long khẳng định: chúng ta thiết kế dự án Luật trách nhiệm bồi thường nhà nước (sửa đổi) lần này trên nguyên tắc đảm bảo tính khả thi, đảm bảo tốt hơn quyền con người, quyền công dân; phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước.
Sau khi nghe các đại biểu Quốc hội thảo luận, thay mặt cơ quan trình và cơ quan thẩm tra, Bộ trưởng Lê Thành Long đã báo cáo và làm rõ thêm một số của dự luật.
Bộ trưởng cho biết, một trong những nguyên tắc được Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ thống nhất là thiết kế dự án Luật trách nhiệm bồi thường nhà nước (sửa đổi) lần này trên nguyên tắc đảm bảo tính khả thi, đảm bảo tốt hơn quyền của con người, quyền của công dân và phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước. “Chúng tôi ý thức rất rõ là sau này khi đất nước chúng ta có điều kiện hơn thì sẽ có một Luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước tốt hơn và toàn diện hơn nữa”. Bộ trưởng nói và nhận định, dự thảo Luật lần này có nhiều điểm mới, tiến bộ hơn so với luật hiện hành.
Trước hết, về phạm vi trách nhiệm trách nhiệm bồi thường của nhà nước: đã quy định rộng hơn, rõ hơn và dứt khoát hơn. Theo quy định của luật hiện hành có 29 trường hợp nhà nước bồi thường và công dân được bồi thường thì dự thảo hiện hành đã nâng lên 35 trường hợp. Dẫn chứng số liệu so sánh với một số nước trong lĩnh vực về quản lý hành chính, tố tụng hình sự…Bộ trưởng cho biết phạm vi của dự thảo, Việt Nam đã rộng hơn nhiều.
Đáng lưu ý về thủ tục bồi thường nhanh hơn và số ngày thì ngắn hơn. Theo dự thảo trình Quốc hội thì thời gian tối thiểu là 41 ngày, tối đa là 71 ngày, trong khi theo luật hiện hành là 125 ngày. Công thức tính bồi thường cũng rõ ràng, cụ thể hơn.
Về mức hoàn trả, Bộ trưởng cho biết dự thảo quy định mức hoàn trả cao hơn, có trường hợp hoàn trả là 100%. Thêm vào đó, người bị thiệt hại có quyền tạm ứng một khoản trước. Đây là những vấn đề mới, luật hiện hành chưa quy định. Bên cạnh đó, dự thảo lần này cũng là làm rõ hơn trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, đảm bảo tốt hơn quyền của công dân, nhưng đồng thời cũng đảm bảo sự vận hành bình thường và không làm “chùn tay” cơ quan Nhà nước trong khi thi hành công vụ.
Về nguyên tắc thương lượng được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm, Bộ trưởng nói rõ: đây là nguyên tắc được áp dụng trong giải quyết bồi thường và chúng ta đã thống nhất theo nguyên tắc thủ tục dân sự. Đây là cách tiếp cận chung của các nước và cũng là cách tiếp cận của luật hiện hành. Dự thảo luật lần này đã có thiết kế kỹ về bồi thường, thương lượng từ thành phần cho đến địa điểm, nội dung và quy trình. “Chúng tôi ý thức rõ thương lượng là để thống nhất và bàn bạc giữa các bên, tạo thỏa thuận trước khi quyết định thực hiện việc bồi thường chứ không hẳn cò kè thêm bớt với công dân”. Bộ trưởng nói.
Cũng trong vấn đề về thương lượng, có ý kiến đại biểu cho rằng cần quy định để có thêm nhiều thành phần, đại diện nhiều cơ quan tham gia, Bộ trưởng cho biết, khi thiết kế điều luật cũng đã tính toán đến các vấn đề này nhằm đảm bảo khi có nhiều cơ quan tham gia sẽ cùng ngồi lại để thực hiện ngay, như vậy nghĩa là thủ tục bồi thường cũng nhanh gọn hơn. Còn người yêu cầu bồi thường có nhu cầu cần luật sư, người tư vấn thì theo nguyên tắc luật dân sự họ vẫn có thể mời những người này. Dự thảo đã có những ý đó và cũng không có quy định nào hạn chế quyền tham gia của luật sư, người tư vấn pháp luật đối với người yêu cầu bồi thường.
Về phục hồi danh dự, do còn nhiều ý kiến khác nhau, trong đó nhiều đại biểu cho rằng, chỉ khi người bị oan có đơn yêu cầu, nhà nước mới tổ chức xin lỗi công khai và phục hồi danh dự cho họ là không phù hợp, Bộ trưởng hứa sẽ tiếp tục, nghiên cứu, tiếp thu. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng xuất phát từ nguyên tắc của Bộ luật dân sự phương thức bảo vệ quyền của mình bắt đầu chủ động từ bên nguyên đơn. Trong trường hợp có xin lỗi cũng buộc phải cải chính công khai theo quy định của Bộ luật dân sự. Xuất phát từ nguyên lý như vậy nên dự thảo mới thiết kế theo hướng đã trình Quốc hội.
Về trách nhiệm hoàn trả, Bộ trưởng cho biết vấn đề này đã được thảo luận rất kỹ. Về nguyên tắc là trách nhiệm bồi thường trong trường hợp công chức gây ra thiệt hại là trách nhiệm của nhà nước. Trong trường hợp công chức, người thi hành công vụ của mình làm sai thì nhà nước phải chịu trách nhiệm, cùng với đó là trách nhiệm hoàn trả của những người trực tiếp gây ra. Trong dự thảo luật này vẫn theo nguyên tắc là trách nhiệm chính là của nhà nước. Nhưng cũng có trường hợp hoàn trả 100% và các trường hợp khác thì căn cứ vào mức độ lỗi của những người thi hành công vụ để tính ra các mức cụ thể.
Riêng về liên đới bồi hoàn quy định tại Khoản 3, Điều 64 dự thảo Luật giao cho Chính phủ quy định chi tiết, Khi Luật được thông qua, Chính phủ sẽ tiếp tục phải có đầu tư để quy định cụ thể.
Trước đó, báo cáo tóm tắt giải trình, tiếp thu chỉnh lý dự thảo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho biết, đa số ý kiến tán thành phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật, đồng thời, đề nghị rà soát, bổ sung các trường hợp khác thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đã được pháp luật quy định, bảo đảm quyền của người dân cũng như hoạt động bình thường của các cơ quan nhà nước.
Tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo rà soát các quy định của pháp luật hiện hành về phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước để chỉnh lý dự thảo Luật trên nguyên tắc bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, đồng thời phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, năng lực thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức.
Về nguyên tắc bồi thường và giải quyết bồi thường nhà nước: Đa số ý kiến đề nghị cần kế thừa nguyên tắc bồi thường như quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước hiện hành và các luật có liên quan; đồng thời đề nghị, người bị thiệt hại khi đã có văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường thì có quyền khởi kiện tại Tòa án yêu cầu giải quyết bồi thường.
Tiếp thu ý kiến của đa số các vị đại biểu Quốc hội, ý kiến của các cơ quan, tổ chức hữu quan, dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng kế thừa các quy định về kết hợp giải quyết bồi thường trong quá trình tố tụng hành chính, tố tụng hình sự; đồng thời, quy định người bị thiệt hại khi đã có văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường thì có quyền khởi kiện tại Tòa án yêu cầu giải quyết bồi thường.
Đối với việc kết hợp giải quyết bồi thường trong quá trình giải quyết khiếu nại, qua tổng kết thực tiễn cho thấy, Luật Khiếu nại năm 2011 không quy định cụ thể về trình tự, thủ tục kết hợp giải quyết bồi thường trong quá trình giải quyết khiếu nại nên cho đến nay chưa có trường hợp nào giải quyết bồi thường theo thủ tục nói trên. Hơn nữa, giải quyết bồi thường trong quá trình giải quyết khiếu nại cũng là cơ chế giải quyết theo thủ tục hành chính, do đó nên tập trung vào một cơ chế giải quyết bồi thường tại cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại. Vì vậy, đề nghị Quốc hội cho phép không quy định việc kết hợp giải quyết bồi thường trong quá trình giải quyết khiếu nại.
Về xác định cơ quan giải quyết bồi thường trong hoạt động tố tụng hình sự: Đa số ý kiến thống nhất với quy định xác định cơ quan giải quyết bồi thường như dự thảo Luật theo nguyên tắc chung là cơ quan ra quyết định gây oan sau cùng chịu trách nhiệm bồi thường.
Có ý kiến đề nghị quy định trách nhiệm bồi thường tại khoản 3 Điều 34 của dự thảo Luật thuộc về Viện kiểm sát vì cho rằng trong giai đoạn này Viện kiểm sát đã thực hành quyền công tố và do đó cần xác định Viện kiểm sát là cơ quan chịu trách nhiệm bồi thường. Có ý kiến đề nghị xác định trách nhiệm liên đới bồi thường giữa các cơ quan tiến hành tố tụng.
Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội: trong hoạt động tố tụng hình sự, các trường hợp gây oan cho công dân thường liên quan đến trách nhiệm của nhiều người thi hành công vụ trong các cơ quan tiến hành tố tụng đã tham gia điều tra, truy tố, xét xử vụ án. Để giải quyết bồi thường cho người bị oan, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước hiện hành và dự thảo Luật Chính phủ trình Quốc hội đều thống nhất nguyên tắc xác định cơ quan ra quyết định gây oan sau cùng sẽ chịu trách nhiệm thay mặt Nhà nước giải quyết bồi thường. Tuy nhiên, trong thực tế, đặc biệt là trong các giai đoạn tiến hành tố tụng có những “điểm rơi” khó xác định một cách rành mạch cơ quan nào là cơ quan ra quyết định gây oan sau cùng. Dự thảo Luật Chính phủ trình Quốc hội đã quy định rõ hơn việc giải quyết vấn đề này trên cơ sở nguyên tắc nêu trên, đồng thời bảo đảm nâng cao trách nhiệm của các cơ quan trong từng giai đoạn tố tụng.
Trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan chỉnh lý cụ thể từng điều, khoản và xây dựng 2 phương án tại các điều này để lấy ý kiến các cơ quan tiến hành tố tụng, đồng thời gửi xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội và đưa ra thảo luận tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách. Qua tổng hợp, đa số ý kiến đều thống nhất với phương án quy định tại các điều này như dự thảo Luật Chính phủ trình. Vì vậy, đề nghị Quốc hội cho giữ nội dung này như được thể hiện tại các điều 34, 35 và 36 của dự thảo Luật