Sở Tư pháp Bắc Ninh tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho doanh nghiệp nữ trên địa bàn tỉnh

24/09/2019 10:44 View Count: 254

Qua đánh giá tổng kết, sơ kết thi hành Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, Các chương trình, đề án về phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh thời gian qua cho thấy: Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền; huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị vào cuộc. Đặc biệt đã nhận được sự quan tâm về vật chất, con người như việc kiện toàn Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật cấp tỉnh, cấp huyện với số lượng và thành phần đáp ứng đúng yêu cầu của Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật. Đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên được duy trì và phát triển, bảo đảm đúng tiêu chuẩn, điều kiện. Cơ sở vật chất, trang thiết bị, kinh phí hỗ trợ phục vụ công tác này, cơ bản đáp ứng được  yêu cầu đặt ra; Nội dung và hình thức tuyên truyền đã đáp ứng được yêu cầu đặt ra trong việc đưa pháp luật đến với mỗi người dân. Các nội dung tuyên truyền thiết thực, phù hợp với từng đối tượng được tuyên truyền; việc tuyên truyền đã có trọng tâm, trọng điểm. Các hình thức tuyên truyền được lựa chọn phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị địa phương, tổ chức đoàn thể; hình thức phong phú, sinh động, hiệu quả. Đặc biệt là các nội dung, hình thức phổ biến pháp luật đối với doanh nghiệp nữ trên địa bàn tỉnh đã từng bước được coi trọng, lồng ghép có hiệu quả trong các chương trình, đề án góp phần cung cấp thông tin pháp luật, nâng cao nhận thức, hình thành thói quen, nếp sống lao động, sản xuất, kinh doanh theo pháp luật.

Sở Tư pháp đã tham mưu chỉ đạo thực hiện nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật, theo đó nội dung phải bảo đảm đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ chính trị của địa phương. Tập trung tuyên truyền, phổ biến các văn bản mới ban hành như: Hiến pháp 2013, Luật Đất đai 2013, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo và các Luật mới ban hành trong năm 2013, 2014, 2015, 2016, 2017, 2018 và 2019. Đồng thời công tác tuyên truyền pháp luật gắn với công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tư vấn pháp luật nhằm hạn chế tình trạng khiếu nại, tố cáo kéo dài, đông người; phòng ngừa vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội. Trong đó tuyên truyền sâu rộng các văn bản mới ban hành, các quy định pháp luật có quan hệ mật thiết với đời sống Nhân dân, nhất là các quy định pháp luật về dân sự, đất đai, khiếu nại, tố cáo, an toàn giao thông, phòng chống ma túy và các tệ nạn xã hội, lao động, việc làm, các chính sách, chế độ mà người dân được hưởng, các quy định về thực hiện dân chủ ở cơ sở, các quy định của tỉnh...

Đối với nông dân: Tiếp tục phổ biến, hướng dẫn các trình tự, thủ tục thực hiện các quyền của người sử dụng đất như chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, thừa kế, thế chấp, đền bù thiệt hại khi Nhà nước thu hồi dất; Xử lý vi phạm hành chính, giải quyết tranh chấp khiếu nại tố cáo trong quản lý sử dụng đất đai, nghĩa vụ nộp thuế; Tuyên truyền sâu rộng Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn.

Đối với phụ nữ: Phổ biến, hướng dẫn thực hiện các quy định liên quan đến quyền, nghĩa vụ của phụ nữ trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình, bảo vệ chăm sóc bà mẹ và trẻ em; Luật bình đẳng giới; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; Các quy định về phòng, chống mại dâm; chính sách dân số kế hoạch hóa gia đình. Pháp luật về doanh nghiệp, doanh nghiệp nữ...

Đối với cán bộ công chức: Tuyên truyền Luật Cán bộ, công chức; Luật Viên chức; Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Luật Phòng, chống tham nhũng; Thực hiện quy chế dân chủ ở cơ quan, đơn vị; Chú trọng các quy điịnh pháp luật chuyên ngành gắn với chuyên môn, nghiệp vụ của từng cán bộ, công chức. Tập trung tuyên truyền các văn bản pháp luật mới, thiết thực thông qua mô hình Ngày pháp luật.

Đối với thanh, thiếu niên: Phổ biến các quyền, bổn phận của trẻ em, của thanh niên; Luật Trẻ em, Luật Thanh niên, Luật Giao thông đường bộ; Các quy định về phòng chống ma túy, tệ nạn xã hội, Luật nghĩa vụ quân sự.

Đối với người lao động và người sử dụng lao động: Phổ biến pháp luật về hợp đồng lao động, tiền lương, thời gian làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, trách nhiệm vật chất khi vi phạm kỷ luật lao động, các quy định về bảo hiểm xã hội, thủ tục giải quyết tranh chấp lao động; về công đoàn, thỏa ước lao động tập thể.

Đối với sĩ quan, chiến sĩ trong lực lượng vũ trang và các lực lượng an ninh khác: Phổ biến các kiến thức pháp luật liên quan đến vị trí, nhiệm vụ công tác, Luật sĩ quan quân đội nhân dân, Luật Công an nhân dân, Pháp lệnh công an xã, các quy định về xử lý vi phạm hành chính, hộ khẩu, giao thông, trật tự an toàn xã hội; kiến thức pháp luật về dân quân tự vệ, dự bị động viên, quy định về quốc phòng có liên quan.

Tiếp tục chỉ đạo thực hiện đa dạng hóa các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật, với các hình thức phổ biến truyền thống như tổ chức hội nghị, tờ rơi, tờ gấp, qua phương tiện thông tin đại chúng....Các đề án, chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật thực hiện:  Đề án “Củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong công tác PBGDPL đáp ứng yêu cầu đổi mới, phát triển của đất nước”, Đề án “Tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao ý thức pháp luật cho thanh thiếu niên”, Đề án “Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng, Công ước của Liên hợp quốc về phòng, chống tham nhũng trong cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân”; Đề án đẩy mạnh phổ biến nội dung cơ bản của Công ước quốc tế về quyền dân sự, chính trị và pháp luật Việt Nam về các quyền dân sự, chính trị cho cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân giai đoạn 2015-2020, Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2017 – 2021 trên địa bàn tỉnh ...

Bên cạnh nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật, tỉnh đã quan tâm chỉ đạo các đơn vị, địa phương tăng cường các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật có hiệu quả, xây dựng các mô hình mới với phương châm hướng về cơ sở, từ cơ sở và phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương. Ngoài các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật truyền thống như tổ chức hội nghị, thông qua đài truyền thanh cơ sở, công tác hòa giải, tủ sách...được chỉ đạo thực hiện thường xuyên, liên tục các cơ quan, đơn vị, địa phương cũng đã đa dạng và đổi mới hình thức mạng lại hiệu quả cao như: Tuyên truyền pháp luật thông qua các Câu lạc bộ pháp luật, Tổ Tư vấn pháp luật, sân khấu hóa, các cuộc thi về an toàn giao thông, tìm hiểu pháp luật...

Như vậy, có thể thấy: Mặc dù chưa có điều kiện tổ chức nhiều các hoạt động tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật riêng cho đội ngũ doanh nghiệp nữ trên địa bàn tỉnh thời gian qua, nhưng có thể thấy với sự nỗ lực và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung và công tác phổ biến giáo dục pháp luật cho doanh nhân nữ đã được thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, lồng ghép trong các Chương trình, Đề án, Kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật chung, đảm bảo tránh trùng lắp, lãng phí nguồn lực. Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đã góp phần nâng cao nhận thức, hình thành thói quen, nếp sống: Sống, làm việc, kinh doanh theo Hiến pháp và pháp luật trong đội ngũ doanh nhân đặc biệt là doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nhân nữ trên địa bàn tỉnh./.

Nguyễn Văn Đại