Quy định về công chứng điện tử là phù hợp với xu thế chuyển đổi số hiện nay

18/06/2024 11:26 View Count: 21

Chiều 17/6, Quốc hội tiến hành thảo luận tại tổ về một số dự án Luật, dự thảo Nghị quyết. Đoàn ĐBQH tỉnh tham gia thảo luận tại tổ 13 cùng Đoàn ĐBQH các tỉnh Lạng Sơn, Đắk Lắk, Hậu Giang. Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tham dự phiên thảo luận tại tổ.

Toàn cảnh phiên thảo luận tại tổ 13.

Tham gia ý kiến vào Luật Công chứng (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh, Đoàn ĐBQH tỉnh cho rằng, dự thảo Luật quy định về công chứng điện tử là phù hợp với xu thế chuyển đổi số hiện nay. Tuy nhiên, quy định tại dự thảo Luật còn khá chung chung. Vì vậy, đại biểu đề nghị, cần nghiên cứu, cụ thể hóa các quy định về công chứng điện tử; về quy trình, thủ tục, hồ sơ, người yêu cầu công chứng và những người có liên quan,… trong việc thực hiện công chứng điện tử. Từ đó, làm cơ sở để Chính phủ hướng dẫn chi tiết, đảm bảo phù hợp với Luật Giao dịch điện tử vừa được Quốc hội thông qua.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh.

Đồng quan điểm trên, đại biểu Trần Thị Vân, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh cho rằng, việc dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) lần này bổ sung các quy định về công chứng điện tử là hết sức cần thiết nhằm xây dựng hành lang pháp lý cho việc thực hiện và công nhận công chứng điện tử. Qua lấy ý kiến các phòng công chứng đều đề nghị, đây là sự thay đổi phương thức thực hiện không thay đổi bản chất và đặc điểm công chứng… Tuy nhiên, các nội dung tại dự thảo Luật mới chỉ dừng lại ở việc chỉnh lý và quy định một số nội dung cốt lõi nhất, các nguyên tắc vẫn còn rất chung chung và việc giao Chính phủ quy định chi tiết về các vấn đề liên quan như lộ trình thực hiện, cơ sở dữ liệu về công chứng, yếu tố kỹ thuật, công nghệ thông tin… phải đảm bảo tính xác thực, hợp pháp của hợp đồng, giao dịch.

Đại biểu Trần Thị Vân đề nghị, cần cân nhắc hết sức thận trọng để xây dựng đầy đủ khung pháp lý cho công chứng điện tử phù hợp với đòi hỏi, sự thay đổi, điều chỉnh các quy định về đất đai, dân sự, nhà ở, thương mại, doanh nghiệp, thuế… theo hướng xử lý hồ sơ điện tử. Nói cách khác, để xây dựng được thể chế và thúc đẩy tiến trình công chứng điện tử, cần có sự thay đổi lớn trong hệ thống pháp luật. Và đặc biệt nạn giấy tờ giả hiện nay, nhất là giấy tờ chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản, là một trở ngại lớn khi tiến hành công chứng điện tử.

Để quy định mang tính khả thi, đại biểu Trần Thị Vân đề nghị cần nghiên cứu, thực hiện thí điểm đối với một số giao dịch đơn giản như giấy uỷ quyền, hồ sơ đăng ký doanh nghiệp… và có quy định rõ lộ trình thực hiện để đảm bảo hoàn thiện cơ sở dữ liệu và các yếu tố khác có liên quan trong 7 yếu tố cốt lõi của hợp đồng công chứng. Bởi theo đại biểu, hiện nay, chỉ có 4/7 yếu tố có thể được các công cụ điện tử thực hiện chính xác và có thể thay thế hoàn toàn con người. Còn 3/7 yếu tố mà máy móc chưa thể đảm bảo thay thế hoàn toàn được vai trò của con người.

Đại biểu Trần Thị Vân.

Cũng tại phiên thảo luận, đại biểu Trần Thị Vân tham gia nhiều ý kiến vào Dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi). Về quy định các trường hợp hoàn thuế (quy định tại điều 15), đại biểu cho rằng, ngoài các trường hợp được hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT), cần bổ sung quy định về hoàn thuế GTGT đối với trường hợp doanh nghiệp thường chuyển sang hoạt động theo loại hình doanh nghiệp chế xuất có số thuế GTGT đầu vào chưa được khấu trừ hết.

Lý do, khi doanh nghiệp thường chuyển sang doanh nghiệp chế xuất dù vẫn kế thừa toàn bộ quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp cũ nhưng sẽ làm chấm dứt nghĩa vụ thuế GTGT của doanh nghiệp, do vậy số thuế GTGT chưa khấu trừ hết phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh trước khi chuyển đổi sang hoạt động theo loại hình doanh nghiệp chế xuất được xem xét xử lý hoàn thuế.

Theo đại biểu Trần Thị Vân, trong thực tế, do không có quy định nên có rất nhiều doanh nghiệp chế xuất chưa thể xử lý số thuế GTGT đầu vào chưa được khấu trừ hết. Điển hình như trường hợp của Công ty Samsung tại TP.Hồ Chí Minh vướng mắc khi hoàn thuế GTGT với số tiền nhiều tỷ đồng. Tại địa bàn Bắc Ninh hiện nay cũng phát sinh 3 trường hợp tương tự nhưng cũng chưa được giải quyết hoàn thuế.