Nghị định số 19/2020/NĐ-CP ngày 12/02/2020 của Chính phủ về Kiểm tra, xử lý kỷ luật trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính

20/02/2020 08:58 View Count: 277

Hình ảnh minh họa

Ngày 12/02/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 19/2020/NĐ-CP về Kiểm tra, xử lý kỷ luật trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính (dưới đây gọi tắt là Nghị định). Nghị định quy định về kiểm tra công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, xử lý kỷ luật người có thẩm quyền, trách nhiệm trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính. Nghị định áp dụng đối với: Cơ quan, người có thẩm quyền kiểm tra tình hình thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; cơ quan quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính. Thủ trưởng cơ quan của người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính, Thủ trưởng cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp của người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính. Người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính, người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính và  Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

Nghị định gồm 5 Chương, 31 Điều, Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 31/3/2020. Riêng các quy định về xử lý kỷ luật trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính tại các Điều 22, 23, 24, 25, 26, 27, 28 và 29 của Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2020. Nghị định quy định bãi bỏ Điều 21 Nghị định số 81/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính (được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 97/2017/NĐ-CP ngày 18/8/2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 81/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính). Việc xử lý kỷ luật đối với người có thẩm quyền xử phạt và lập biên bản vi phạm hành chính thuộc lực lượng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu trên cơ sở yêu cầu, kiến nghị tại kết luận kiểm tra được thực hiện theo quy định pháp luật có liên quan, trừ những người trong cơ quan, đơn vị Quân đội nhưng không phải là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ, công nhân quốc phòng, viên chức quốc phòng; những người trong cơ quan, đơn vị Công an nhưng không phải là sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ, công nhân công an; những người trong tổ chức cơ yếu nhưng không làm công tác cơ yếu thì được thực hiện theo quy định tại Nghị định.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp được Chính phủ giao trách nhiệm quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành các điều, khoản, điểm được giao trong Nghị định. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định.

Mục đích kiểm tra, xử lý kỷ luật trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính được quy định tại Điều 3 của Nghị định, gồm:

Một là, Xem xét, đánh giá tình hình thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; động viên, khen thưởng cơ quan, tổ chức, cá nhân có thành tích trong việc thực hiện pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; phát hiện những hạn chế, vướng mắc, bất cập, sai sót, vi phạm trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính để kịp thời chấn chỉnh, xử lý, khắc phục.

Hai là, Phòng, chống, ngăn chặn các vi phạm trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong việc tổ chức thực hiện, áp dụng pháp luật nhằm bảo đảm hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

Ba là, Phát hiện các quy định chưa thống nhất, đồng bộ hoặc chưa phù hợp với thực tiễn để kịp thời sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật về xử lý vi phạm hành chính hoặc các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.

4 Nguyên tắc kiểm tra, xử lý kỷ luật trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, gồm có:

Thứ nhất, Khách quan, công khai, minh bạch, đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục pháp luật quy định.

Thứ hai, Bảo đảm sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan, không trùng lặp với hoạt động thanh tra, kiểm tra khác đối với một đơn vị trong cùng thời gian; không gây cản trở, ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của đối tượng được kiểm tra. Kết hợp giữa việc tự kiểm tra của đối tượng được kiểm tra với việc kiểm tra của cơ quan, người có thẩm quyền.

Thứ ba, Kết luận kiểm tra phải được đối tượng được kiểm tra, cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan chấp hành đầy đủ và đúng thời hạn. Các sai phạm, kiến nghị, yêu cầu trong kết luận kiểm tra phải được xử lý kịp thời, nghiêm minh, đúng người, đúng việc và tương ứng với tính chất, mức độ vi phạm. Kết luận kiểm tra phải được người có thẩm quyền kiểm tra theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện.

Thứ tư, Chủ thể có thẩm quyền kiểm tra và đối tượng được kiểm tra được xác định trên cơ sở nguyên tắc của hoạt động quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực và theo địa bàn, lãnh thổ.

Nghị định quy định 19 hành vi vi phạm trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính tại Điều 22; quy định về xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm pháp luật trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính (Điều 23) và 6 hình thức xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, bao gồm: Khiển trách (Điều 24), Cảnh cáo  (Điều 25), Hạ bậc lương (Điều 26), Giáng chức (Điều 27), Cách chức (Điều 28) và Buộc thôi việc (Điều 29). Đáng lưu ý là 19 hành vi vi phạm trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, quy định về xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm pháp luật trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và 6 hình thức kỷ luật trên được thực hiện kể từ ngày 01/7/2020./.

Ngô Thị Bích Khuyên