Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Giáo dục

07/08/2020 15:28 View Count: 106

Ngày 17/7/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 84/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Giáo dục (dưới đây gọi tắt là Nghị định). Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 01/9/2020, Nghị định quy định, chi tiết một số điều của Luật Giáo dục, bao gồm: Thời gian nghỉ hè của nhà giáo; phong tặng danh hiệu Tiến sĩ danh dự, Giáo sư danh dự; chuyển đổi nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông tư thục sang nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông tư thục hoạt động không vì lợi nhuận; học bổng khuyến khích học tập; học bổng chính sách và miễn, giảm giá vé dịch vụ công cộng cho học sinh, sinh viên. Nghị định áp dụng đối với: Nhà trẻ, nhóm trẻ độc lập; trường mẫu giáo, lớp mẫu giáo độc lập; trường mầm non, lớp mầm non độc lập. Trường tiểu học, trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông, trường phổ thông có nhiều cấp học. Trường trung cấp, trường cao đẳng. Đại học, trường đại học, học viện. Trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú, trường dự bị đại học, trường chuyên, trường năng khiếu. Trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục nghề nghiệp và các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Nghị định quy định về thời gian nghỉ hè của nhà giáo

Thứ nhất, thời gian nghỉ hè của nhà giáo:

- Thời gian nghỉ hè hằng năm của giáo viên cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, trường chuyên biệt là 08 tuần, bao gồm cả nghỉ phép hằng năm;

- Thời gian nghỉ hè hàng năm của giáo viên trường trung cấp và giảng viên trường cao đẳng là 06 tuần, bao gồm cả nghỉ phép hằng năm;

- Thời gian nghỉ hè hàng năm của giảng viên cơ sở giáo dục đại học được thực hiện theo quy chế tổ chức và hoạt động của cơ sở giáo dục đại học;

- Trong trường hợp đột xuất, khẩn cấp để phòng chống thiên tai, dịch bệnh hoặc trường hợp cấp bách, thời gian nghỉ hè của nhà giáo cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, trường chuyên biệt, trường trung cấp và trường cao đẳng do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quyết định theo thẩm quyền.

Thứ hai, ngoài thời gian nghỉ hè như trên, giáo viên, giảng viên được nghỉ lễ, tết và các ngày nghỉ khác theo quy định của Bộ luật Lao động.

Thứ ba, căn cứ kế hoạch thời gian năm học do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành và điều kiện cụ thể của địa phương, Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định thời điểm nghỉ hè của giáo viên ở cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, trường chuyên biệt trên địa bàn.

Căn cứ quy định: Thời gian nghỉ hè hàng năm của giáo viên trường trung cấp và giảng viên trường cao đẳng là 06 tuần, bao gồm cả nghỉ phép hằng năm hiệu trưởng trường trung cấp, trường cao đẳng quyết định thời điểm nghỉ hè của giáo viên, giảng viên phù hợp với kế hoạch đào tạo và điều kiện cụ thể của từng trường.

Thứ tư, việc nghỉ hè của nhà giáo trong cơ sở giáo dục thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng thực hiện theo quy định riêng của Chính phủ.

Về phong tặng danh hiệu Tiến sĩ danh dự

Một là, đối tượng được phong tặng, gồm:

- Nhà giáo, nhà khoa học;

- Nhà hoạt động chính trị, xã hội.

Hai là, điều kiện được phong tặng:

- Là người Việt Nam định cư ở nước ngoài hoặc người nước ngoài có nhiều thành tích đóng góp cho sự nghiệp giáo dục và khoa học của Việt Nam, được một cơ sở giáo dục đại học đào tạo trình độ tiến sĩ của Việt Nam đồng ý phong tặng đối với đối tượng là Nhà giáo, nhà khoa học;

- Là người Việt Nam định cư ở nước ngoài hoặc người nước ngoài có nhiều thành tích đóng góp cho sự nghiệp giáo dục và khoa học của Việt Nam, có uy tín quốc tế, có nhiều thành tích, công lao đóng góp cho tình hữu nghị, cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam và được một cơ sở giáo dục đại học đào tạo trình độ tiến sĩ của Việt Nam đồng ý phong tặng đối với đối tượng là Nhà hoạt động chính trị, xã hội.

Ba là, quy trình phong tặng:

- Cơ sở giáo dục đại học tổ chức họp hội đồng khoa học và đào tạo để xem xét việc phong tặng bảo đảm đúng đối tượng, điều kiện theo quy định trên;

- Căn cứ quyết nghị của hội đồng khoa học và đào tạo, hiệu trưởng, giám đốc cơ sở giáo dục đại học trình hội đồng trường xem xét, thông qua. Trên cơ sở nghị quyết của hội đồng trường, hiệu trưởng, giám đốc ra quyết định phong tặng và tổ chức lễ trao tặng danh hiệu;

- Trong trường hợp cần thiết, hiệu trưởng, giám đốc cơ sở giáo dục đại học có văn bản đề nghị Bộ Ngoại giao, Bộ Công an hoặc Cơ quan đại diện của nước có người được đề nghị phong tặng có ý kiến việc không vi phạm pháp luật của Việt Nam, pháp luật của nước sở tại và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Bốn là, cơ sở giáo dục đại học đào tạo trình độ tiến sĩ thiết kế, in phôi, cấp phát và quản lý bằng Tiến sĩ danh dự. Bằng Tiến sĩ danh dự phải ghi rõ danh hiệu “Tiến sĩ danh dự”, không ghi “học vị Tiến sĩ” và không ghi ngành đào tạo; công khai thông tin của người được phong tặng trên trang thông tin điện tử của cơ sở giáo dục đại học và gửi quyết định phong tặng về Bộ Giáo dục và Đào tạo sau mỗi lần phong tặng.

Phong tặng danh hiệu Giáo sư danh dự

Thứ nhất, đối tượng được phong tặng:

- Nhà giáo, nhà khoa học;

- Nhà hoạt động chính trị, xã hội.

Thứ hai, điều kiện được phong tặng:

- Đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 4 Nghị định;

- Có bằng tiến sĩ.

Thứ ba, quy trình phong tặng thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 4 Nghị định.

Thứ tư, quyết định phong tặng danh hiệu Giáo sư danh dự phải ghi rõ danh hiệu “Giáo sư danh dự”. Cơ sở giáo dục đại học công khai thông tin của người được phong tặng trên trang thông tin điện tử của cơ sở giáo dục đại học và gửi quyết định phong tặng về Bộ Giáo dục và Đào tạo sau mỗi lần phong tặng.

Hiệu lực thi hành: Nghị định thay thế Nghị định số 75/2006/NĐ-CP ngày 02/8/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục; Nghị định số 31/2011/NĐ-CP ngày 11/5/2011 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 75/2006/NĐ-CP ngày 02/8/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục; Nghị định số 07/2013/NĐ-CP ngày 09/01/2013 của Chính phủ sửa đổi điểm b khoản 13 Điều 1 của Nghị định số 31/2011/NĐ-CP ngày 11/5/2011 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 75/2006/NĐ-CP ngày 02/8/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục.

- Bãi bỏ Quyết định số 152/2007/QĐ-TTg ngày 14/9/2007 của Thủ tướng Chính phủ về học bổng chính sách đối với học sinh, sinh viên học tại các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.

- Bãi bỏ các quy định về học bổng khuyến khích học tập và học bổng chính sách tại: Quyết định số 1121/1997/QĐ-TTg ngày 23/12/1997 của Thủ tướng Chính phủ về học bổng và trợ cấp xã hội đối với học sinh, sinh viên các trường đào tạo công lập; Quyết định số 239/1999/QĐ-TTg ngày 28/12/1999 của Thủ tướng Chính phủ bổ sung, sửa đổi khoản a Điều 1 của Quyết định số 1121/1997/QĐ-TTg ngày 23/12/1997 của Thủ tướng Chính phủ về học bổng và trợ cấp xã hội đối với học sinh, sinh viên các trường đào tạo công lập; Quyết định số 194/2001/QĐ-TTg ngày 21/12/2001 của Thủ tướng Chính phủ về điều chỉnh mức học bổng chính sách và trợ cấp xã hội đối với học sinh, sinh viên là người dân tộc thiểu số học tại các trường đào tạo công lập quy định tại Quyết định số 1121/1997/QĐ-TTg ngày 23/12/1997 của Thủ tướng Chính phủ; Quyết định số 82/2006/QĐ-TTg ngày 14/4/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh mức học bổng chính sách đối với học sinh, sinh viên là người dân tộc thiểu số học tại các trường phổ thông dân tộc nội trú và trường dự bị đại học quy định tại Quyết định số 194/2001/QĐ-TTg ngày 21/12/2001 của Thủ tướng Chính phủ./.

 

Bích Khuyên