Ngành Tư pháp triển khai công tác năm 2023

21/12/2022 14:43 View Count: 2081

(BNP) – Chiều 19/12, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai công tác Tư pháp năm 2023. Đồng chí Phạm Bình Minh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ dự, chỉ đạo Hội nghị. Cùng dự có lãnh đạo Bộ, ngành, các địa phương và các đơn vị liên quan.

Toàn cảnh Hội nghị tại điểm cầu Bắc Ninh.

Tại điểm cầu Bắc Ninh, đồng chí Đào Quang Khải, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh dự, chủ trì. Cùng dự có lãnh đạo các Sở, ban, ngành liên quan.

Năm 2022, toàn ngành Tư pháp đã bám sát và triển khai toàn diện Chương trình, Kế hoạch công tác, các Nghị quyết, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về công tác tư pháp. Trong năm, Bộ, ngành Tư pháp đã tổ chức thẩm định 32 đề nghị xây dựng văn bản, 251 dự án, dự thảo VBQPPL; chủ trì, phối hợp với các Bộ tham mưu giúp Chính phủ trình Quốc hội thông qua 12 Luật, 6 Nghị quyết và cho ý kiến đối với 14 dự án Luật khác. Các Bộ, ngành trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền 564 VBQPPL; các địa phương ban hành hơn 3,9 nghìn VBQPPL cấp tỉnh; cả nước tổ chức gần 550 nghìn cuộc tuyên truyền pháp luật trực tiếp, phát miễn phí hơn 62 triệu tài liệu tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật...

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đào Quang Khải phát biểu kết luận tại điểm cầu Bắc Ninh.

Năm 2023, toàn ngành Tư pháp tiếp tục quán triệt, tổ chức thực hiện và thể chế hóa, tham mưu thể chế hóa kịp thời, đầy đủ các văn bản chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Chủ động tham mưu và tổ chức thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới. Tập trung nguồn lực nâng cao chất lượng xây dựng và tổ chức thực hiện pháp luật; nâng cao hiệu quả phòng ngừa và tăng cường năng lực tham mưu cho Chính phủ, Bộ, ngành, địa phương trong giải quyết các tranh chấp, khiếu kiện trong hoạt động đầu tư quốc tế. Đồng thời, tập trung nâng cao hiệu quả thực hiện đầu tư công, bảo đảm cơ sở vật chất phục vụ hoạt động của Bộ, ngành Tư pháp; thực hiện tốt các nhiệm vụ về cải cách hành chính, giải quyết kịp thời yêu cầu của người dân, doanh nghiệp trong các lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hỗ trợ pháp lý…

Phó Giám đốc Sở Tư pháp Lê Đăng Việt (ngoài cùng bên trái) dự tại điểm cầu Bắc Ninh.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh ghi nhận và biểu dương thành tích ngành Tư pháp đạt được trong năm 2022. Cùng với việc thực hiện các nhiệm vụ giải pháp đã được ngành Tư pháp đề ra trong năm 2023, đồng chí yêu cầu ngành Tư pháp tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hiệu lực, quyết liệt trong chỉ đạo điều hành, nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước; tăng cường công tác cải cách hành chính, thực hiện nghiêm các chương trình, kế hoạch công tác, ưu tiên thực hiện nhiệm vụ liên quan trực tiếp đến việc thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2023. Tiếp tục thực hiện tốt công tác rà soát, tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế; đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong toàn ngành, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với đẩy mạnh nghiên cứu khoa học pháp lý. Đồng thời, Chú trọng đầu tư nguồn lực để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thúc đẩy chuyển đổi số; tập trung thực hiện kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ của ngành Tư pháp theo Quyết định số 06/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ việc chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Phó Giám đốc Sở Tư pháp Đoàn Thị Hồng Nhung (ngoài cùng bên phải) và Phó Giám đốc Sở Tư pháp Trương Minh Thắng (thứ 2 từ phải qua) dự tại điểm cầu Bắc Ninh.

Phát biểu tại điểm cầu Bắc Ninh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đào Quang Khải đề nghị ngành Tư pháp nghiêm túc tiếp thu ý kiến chỉ đạo của đồng chí Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh; cụ thể hóa những chỉ đạo của ngành vào nhiệm vụ chính trị của địa phương. Trong đó, tập trung rà soát, đề xuất hoàn thiện pháp luật liên quan đến hoạt động đầu tư kinh doanh; tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng các dịch vụ công trong lĩnh vực tư pháp; đẩy mạnh hiệu quả công tác thu hồi tài sản; tăng cường phối hợp giữa các cơ quan thi hành án và các cơ quan tiến hành tố tụng. Đồng thời, nâng cao chất lượng thi hành án dân sự; củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy cơ quan Tư pháp và tổ chức pháp chế các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh…