Nâng cao tính chuyên nghiệp trong giải quyết thủ tục hành chính của Bộ, ngành Tư pháp

23/09/2022 16:07 View Count: 292

Ngày 22/9, Bộ Tư pháp đã tổ chức tọa đàm góp ý dự thảo Quy chế quản lý, vận hành, khai thác hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của Bộ với sự chủ trì của Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh và Chánh Văn phòng Bộ Nguyễn Quốc Hoàn.

Cần một quy chế chung trong phối hợp giải quyết TTHC
Thông tin tại Tọa đàm, Phó Chánh Văn phòng Bộ Lê Tuấn Phong cho biết: Thực hiện Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23/4/2018 của Chính phủ thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC), Bộ Tư pháp đã ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị định này và phê duyệt Đề án tổ chức thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại Bộ và các đơn vị thuộc Bộ.
Ngày 6/12/2021, Chính phủ ban hành nghị định số 107/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 61/2018/NĐ-CP. Ngày 5/4/2022, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành Quyết định triển khai Kế hoạch thực hiện Nghị định này, trong đó giao Văn phòng Bộ xây dựng “Quy chế hoạt động của Cổng Dịch vụ công, Hệ thống thông tin một cửa điện tử của Bộ Tư pháp”.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông đã ban hành Thông tư số 22/2019/TT-BTTTT quy định về tiêu chí chức năng, tính năng kỹ thuật của Cổng dịch vụ công và hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh. Ngày 11/10/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 31/2021/QĐ-TTg ban hành Quy chế quản lý, vận hành, khai thác Cổng Dịch vụ công quốc gia, trong đó có nhiều nội dung liên quan đến việc kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu giữa Cổng Dịch vụ công, Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh với Cổng dịch vụ công quốc gia.

 

 

Mặt khác, Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của Bộ Tư pháp được tạo thành trên cơ sở hợp nhất Cổng Dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử của Bộ Tư pháp, cung cấp các thông tin liên quan đến nhiều cơ quan, đơn vị và tổ chức, cá nhân do đó cần có quy chế chung quy định các nhiệm vụ, trách nhiệm của các đơn vị liên quan, tạo thuận lợi trong quá trình phối hợp giải quyết TTHC của Bộ Tư pháp.

 Như vậy, việc ban hành Quy chế hoạt động của Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của Bộ Tư pháp là cần thiết nhằm thực hiện chủ trương của Chính phủ, bảo đảm phù hợp với thực trạng tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC tại Bộ Tư pháp.

Theo đó, dự thảo Quy chế gồm 4 chương, 20 điều. Trong đó, Chương I quy định chung về phạm vi điều chỉnh; đối tượng áp dụng; giải thích từ ngữ; địa chỉ truy cập của Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của Bộ Tư pháp; nguyên tắc quản lý, vận hành, khai thác Hệ thống; thông tin cung cấp trên Hệ thống; kết nối và chia sẻ.

Chương II gồm các quy định về quản lý, vận hành, khai thác Hệ thống. Chương II về tra cứu tình trạng hồ sơ TTHC trên Hệ thống và Chương IV là tổ chức thực hiện.

Giải quyết TTHC gắn với cải cách hành chính

Tại tọa đàm, Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ Tư pháp Đặng Kim Hoa nêu lên một số khó khăn trong thời gian qua như: còn nhiều thao tác trong việc cập nhật hồ sơ trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; việc số hóa giấy tờ trong giải quyết TTHC đôi lúc còn vướng mắc do một số trường hợp cán bộ chưa được cấp quyền truy cập cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; một số TTHC đặc thù phải phối hợp với các cơ quan khác như Công an còn gặp khó khăn… Do đó, bà Hoa đề nghị bên cạnh việc xây dựng Quy chế hoạt động của Hệ thống thông tin giải quyết TTHC nội bộ, cũng cần xây dựng quy định phối hợp để tạo thuận lợi trong giải quyết TTHC; nghiên cứu việc kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu của Bộ với cơ sở dữ liệu khác có liên quan để giảm tải giấy tờ, TTHC cho người dân, tiết kiệm thời gian tra cứu, xác minh lại thông tin của công chức Tư pháp.

Còn Cục trưởng Cục Con nuôi Trần Anh Tuấn cũng đề cập đến thực trạng giải quyết TTHC trong lĩnh vực nuôi con nuôi. Góp ý Dự thảo Quy chế, theo ông, tại Điều 5 Quy định nguyên tắc quản lý, vận hành, khai thác hệ thống thông tin giải quyết TTHC của Bộ và Điều 8 quy định về việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công Bộ Tư pháp đang liệt kê quá nhiều căn cứ quy định pháp luật, nên cân nhắc loại bỏ bớt.

Sau khi nghe các ý kiến trao đổi tại Tọa đàm, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh khẳng định việc ban hành Quy chế sẽ góp phần tăng cường cung cấp các dịch vụ công trực tuyến, nâng cao tính chuyên nghiệp trong việc giải quyết TTHC và tiến tới xây dựng Chính phủ số.

Theo đánh giá của Thứ trưởng, quy trình, thủ tục, nguyên tắc của Hệ thống cơ bản đã xác định rõ được các nội dung, trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, cá nhân, song cần tiếp tục tiếp thu các ý kiến góp ý để tăng tính thực chất, phù hợp với công tác cải cách hành chính để công tác này thực sự là giải pháp thực hiện hiệu quả hơn nhiệm vụ của Bộ, ngành cũng như đáp ứng yêu cầu của người dân, doanh nghiệp.

Thứ trưởng đề nghị các đơn vị thuộc Bộ có trách nhiệm tham mưu giúp Lãnh đạo Bộ quản lý các ngành, lĩnh vực được phân công; rà soát các văn bản, nhiệm vụ thuộc trách nhiệm, đặc biệt là Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025 (Đề án 06). Văn phòng Bộ tiếp tục phát huy trách nhiệm, vai trò trong việc giúp Bộ duy trì xếp hạng chỉ số CCHC. Cục Công nghệ thông tin đảm bảo hạ tầng, an ninh mạng để triển khai các nhiệm vụ đề ra.

“Chúng ta phải kiên trì thực hiện các nhiệm vụ cải cách hành chính gắn với việc triển khai các dịch vụ công trực tuyến nhằm tăng cường trách nhiệm của mỗi công chức, đơn vị, tăng sự tương tác của người dân, doanh nghiệp”, Thứ trưởng nhấn mạnh.