Mục tiêu, nhiệm vụ và các giải pháp ứng dụng CNTT năm 2025 của Sở Tư pháp

11/11/2024 06:58 View Count: 32

I. MỤC TIÊU

Tập trung triển khai các nhiệm vụ năm 2025 phù hợp với các mục tiêu, nhiệm vụ của Bộ Tư pháp và UBND tỉnh giao tại các văn bản nêu trên, trong đó đẩy mạnh nhiệm vụ ứng dụng nâng cấp dịch vụ công trực tuyến nhằm cải cách thủ tục hành chính.

- Hoàn thiện nâng cấp các thủ tục hành chính đủ điều kiện cơ sở vật chất và môi trường pháp lý thuộc thẩm quyền xử lý của Sở Tư pháp lên mức độ 4. Hướng dẫn, trực tiếp giúp đỡ người dân sử dụng các dịch vụ công liên thông, dịch vụ công trực tuyến đã được nâng cấp để người dân có thể tiếp cận dễ dàng hơn trong việc sử dụng dịch vụ công thuộc thẩm quyền xử lý của ngành tư pháp.

- Phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ, Sở Thông tin và truyền thông tỉnh xây dựng mô hình cấp Phiếu lý lịch tư pháp qua ứng dụng VNeID liên thông với Cổng dịch vụ công tỉnh, phần mềm cấp phiếu lý lịch tư pháp của Bộ Tư pháp.

- Xây dựng và hoàn thiện phần mềm Quản lý rủi ro công chứng và dữ liệu ngăn chặn, kết hợp với chứng thực điện tử tại 126 xã, phường, thị trấn; 8 huyện, thị xã, thành phố và các Tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn tỉnh.

- Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh tích hợp phần mềm Liên thông thủ tục hành chính về đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi và Thủ tục liên thông về đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, hưởng chế độ tử tuất (trợ cấp tuất và trợ cấp mai táng)/hỗ trợ chi phí mai táng/hưởng mai táng phí. Tiếp tục hỗ trợ cán bộ Tư pháp cấp huyện, xã sử dụng tốt phần mềm liên thông 2 thủ tục hành chính, phần mềm Hộ tịch dùng chung của Bộ Tư pháp phối hợp với Bộ Công an thực hiện nhằm cấp toàn bộ Mã số định danh cá nhân cho trẻ em khai sinh trong tỉnh từ 2016 đến nay, đăng ký thường trú, xóa đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế và các chế độ tử tuất đối với người được khai tử. Tiến hành thực hiện việc Số hóa sổ hộ tịch, chia sẻ, tích hợp dữ liệu với các hệ thông tin hộ tịch với các ngành trong tỉnh. Hỗ trợ cán bộ Tư pháp cấp huyện, xã sử dụng tốt phần mềm Báo cáo thống kê theo Thông tư 03 của Bộ Tư pháp.

- Đảm bảo an toàn thông tin, tăng cường tập huấn, hướng dẫn cán bộ, công chức viên chức sử dụng hiệu quả máy tính trong môi trường Internet, bảo đảm an toàn thông tin; trang bị các giải pháp kỹ thuật, công nghệ nhằm hạn chế các rủi ro có thể xảy ra....

- Tiếp tục số hóa các dữ liệu hồ sơ án tích để phục vụ việc tra cứu án tích theo quyết định.

- Tiếp tục số hóa toàn bộ kết quả thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Tư pháp.

- Tiếp tục đăng tải các văn bản do HĐND và UBND tỉnh Bắc Ninh ban hành lên Hệ thống Cơ sở dữ liệu Quốc gia về văn bản Pháp luật.

- Xây dựng chuyên mục và giới thiệu các văn bản được ban hành của HDND và UBND tỉnh Bắc Ninh.

- Trung tâm TGPL tiếp tục cập nhật hồ sơ tham gia tố tụng của Trợ giúp viên lên trang web của Cục Trợ giúp pháp lý - Bộ Tư pháp.

II. NHIỆM VỤ

1. Hoàn thiện quy chế, quy định

Tổ chức triển khai có hiệu quả các cơ chế chính sách đã được tỉnh ban hành trong thời gian vừa qua. Nghiên cứu xây dựng và hoàn chỉnh thể chế Bộ cơ sở dữ liệu thông tin ngành Tư pháp.

Trên cơ sở các chỉ đạo của Trung ương và căn cứ thực tế của địa phương, phối hợp với các Sở, ngành liên quan góp ý, thẩm định các văn bản quy định liên quan hoạt động ứng dụng CNTT trong hoạt động của các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh; kịp thời hoàn thiện các cơ chế, chính sách phát triển CNTT, xây dựng chính quyền điện tử và thành phố thông minh đáp ứng đặc thù tốc độ thay đổi nhanh chóng của lĩnh vực CNTT.

Chủ động tham gia tích cực vào việc đóng góp xây dựng chính sách trong lĩnh vực CNTT của Trung ương và địa phương để phù hợp với các vấn đề thực tiễn tại Sở, bảo đảm việc phát triển CNTT của Sở Tư pháp đúng định hướng ngay từ đầu.

Nghiên cứu áp dụng cơ chế triển khai các phần mềm được xây dựng từ Bộ Tư pháp và các phần mềm thuộc Dự án Thành phố thông minh của tỉnh, triển khai thử nghiệm trước khi thực hiện dự án hoặc triển khai nhân rộng để bảo đảm hiệu quả, thiết thực.

2. Phát triển hạ tầng số

- Đảm bảo hoạt động đối với các máy tính cấp cho các đơn vị xã, phường, thị trấn, các phòng Tư pháp huyện, thị xã, thành phố và Thanh tra Sở để công tác đăng ký và quản lý hộ tịch, kết nối qua phần mềm đạt được kết quả cao nhất.

- Thường xuyên kiểm tra, phối hợp với các đơn vị hữu quan: Tòa án nhân dân cấp huyện, tỉnh, Viện kiểm sát…rút kinh nghiệm và tổ chức tốt phiên tòa trực tuyến đặt tại Trung tâm Trợ giúp pháp lý kết nối với các điểm cầu trực tuyến tại Tòa án nhân dân các cấp thuộc tỉnh Bắc Ninh.

- Xây dựng phòng họp trực tuyến tại Văn phòng Sở Tư pháp

- Số hóa Sổ hộ tịch dựa trên nền tảng phần mềm của Bộ Tư pháp.

- Hoàn thành dự án “phầm mềm tự động hóa công tác xây dựng, quản lý, vận hành, khai khác cơ sở dữ liệu Lý lịch tư pháp và cấp phiếu Lý lịch tư pháp”.

- Hoàn thành dự án “Quản lý rủi ro công chứng và dữ liệu ngăn chặn, kết hợp chứng thực điện tử”.

- Tiến tới đồng bộ hóa toàn bộ dữ liệu thành Bộ cơ sở dữ liệu ngành Tư pháp.

- 100% máy tính cá nhân của đơn vị đều sử dụng phần mềm mã nguồn mở.

- 100% cán bộ, công chức, viên chức có tài khoản thư điện tử và sử dụng phần mềm Hệ thống quản lý văn bản và điều hành do UBND tỉnh cấp.

- Tiếp tục thực hiện việc ký số điện tử 100% đối với các văn bản hành chính được ban hành tại Sở Tư pháp và tiến hành ký số đối với các thủ tục hành chính công “5 tại chỗ”.

- Đồng bộ hóa 100% thủ tục hành chính công ngành Tư pháp theo Cổng dịch vụ công Quốc gia. Nâng cấp các thủ tục hành chính công đủ điều kiện hoàn thiện về pháp lý lên mức độ 4.      

- Xây dựng và chuẩn hóa các quy trình nội bộ, quy trình liên thông nội bộ giữa các phòng, ban thuộc Sở và các cơ quan trên địa bàn tỉnh.

3. Phát triển dữ liệu

- Phối hợp phát triển nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu dùng chung cấp bộ, tỉnh (LGSP) và kết nối với Hệ thống kết nối, liên thông các hệ thống thông tin ở trung ương và địa phương (NGSP) để khai thác các cơ sở dữ liệu quốc gia, hệ thống thông tin có quy mô, phạm vi từ trung ương đến địa phương.

- Cập nhật các thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực của Sở Tư pháp mới được UBND tỉnh ban hành, sửa đổi, nâng cấp các thủ tục hành chính trong trang dịch vụ công của tỉnh Bắc Ninh.

- Sử dụng phần mềm Hệ thống quản lý văn bản và điều hành giúp việc gửi - nhận công văn, trao đổi giữa các cá nhân thuận tiện hơn; phục vụ tốt công tác chỉ đạo, điều hành. Sử dụng việc ký số 100% đối với các văn bản do Sở ban hành. Sử dụng việc ký số chứng từ kế toán chuyển tới các cơ quan: Kho bạc nhà nước tỉnh, Cục thuế tỉnh và Bảo hiểm xã hội tỉnh...Sử dụng việc ký số đối với các thủ tục hành chính công “4 tại chỗ”

- Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh tiến hành cấp và quản lý chữ ký số cho 100% cán bộ, công chức, viên chức thuộc Sở.

- Giao cho cán bộ chuyên trách CNTT quản trị Website, quản trị tài khoản dịch vụ công của Sở, bảo trì hệ thống máy chủ, theo dõi phần mềm Hệ thống quản lý văn bản và điều hành, đăng các văn bản QPPL do HDND và UBND tỉnh ban hành lên Cổng thông tin điện tử Sở và Hệ thống Cơ sở dữ liệu Quốc gia về văn bản Pháp luật.

- Quản lý Hệ thống phần mềm Hộ tịch dùng chung của Bộ Tư pháp phối hợp với Bộ Công an thực hiện nhằm cấp toàn bộ Mã số định danh cá nhân cho trẻ em khai sinh trong tỉnh từ 2016 đến nay đã được triển khai trên toàn tỉnh từ 01/7/2018 và tiếp tục hoàn thiện về công tác đào tạo, ứng dụng phần mềm trong năm 2020. Quản lý phần mềm tự động hóa công tác xây dựng, quản lý, vận hành, khai khác cơ sở dữ liệu Lý lịch tư pháp và cấp phiếu Lý lịch tư pháp. Tiến hành việc số hóa sổ hộ tịch đối với các sổ hộ tịch giấy từ cấp xã, phường, thị trấn và huyện, thị xã, thành phố.

- Hoàn thành việc nâng cấp và Quản lý phần mềm Hợp đồng công chứng chứng thực và dữ liệu ngăn chặn UCHI tại các Tổ chức hành nghề công chứng và UBND các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh.

4. Phát triển ứng dụng, dịch vụ số

- Tiếp tục xây dựng và phát triển phần mềm Hộ tịch dùng chung của Bộ Tư pháp phối hợp với Bộ Công an thực hiện, cơ sở dữ liệu chuyên ngành tạo nền tảng phát triển Chính quyền điện tử. Tiến hành cập nhật cơ sở dữ liệu Số hóa Sổ hộ tịch từ nền tảng phần mềm trên. 

- Tiến hành cập nhật và khai thác dữ liệu Lý lịch tư pháp dựa trên phần mềm tự động hóa công tác xây dựng, quản lý, vận hành, khai khác cơ sở dữ liệu Lý lịch tư pháp và cấp phiếu Lý lịch tư pháp.

- Tiếp tục xây dựng Bộ cơ sở dữ liệu ngành Tư pháp có nhu cầu tích hợp, chia sẻ và nhu cầu sử dụng cao kết hợp với trách nhiệm quản lý, sử dụng và cập nhật dữ liệu của cơ quan chủ quản. Từng bước chuẩn hóa dữ liệu các ngành, tích hợp để hình thành kho dữ liệu dùng chung của tỉnh phục vụ cho phát triển Chính quyền điện tử/ Chính quyền số và thành phố thông minh.

- Duy trì, nâng cấp và nâng cao chất lượng cung cấp nội dung, đa dạng về thông tin, tăng cường đăng tải những thông tin liên quan đến hỗ trợ doanh nghiệp trên Cổng thông tin điện tử Sở; trả lời phản ánh kiến nghị của người dân và doanh nghiệp trên Cổng thông tin điện tử tỉnh tại địa chỉ nguoidan.bacninh.gov.vn. Cam kết trả lời chính xác, kịp thời những phản ánh, kiến nghị của người dân trên Cổng thông tin điện tử tỉnh.

- Cung cấp 100% dịch vụ công thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Tư pháp trực tuyến mức độ 4. Tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công mức độ 4 nhằm phục vụ người dân và doanh nghiệp, hướng tới hiệu quả triển khai ứng dụng CNTT, tiết kiệm thời gian và chi phí.

- Tích cực tuyên truyền về cách phòng, chống đại dịch Covid-19 trên Cổng thông tin điện tử sở. Kết hợp việc tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật với việc tuyên truyền sử dụng dịch vụ công trực tuyến, nhằm tiết kiệm thời gian, tiền bạc, và phòng chống Covid-19.

- Tiếp tục xây dựng hệ thống thông tin ngành Tư pháp bảo đảm khả năng tích hợp, chia sẻ thông tin với các hệ thống thông tin khác có liên quan; đồng thời bám sát kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh đã được phê duyệt.

5. Bảo đảm an ninh mạng

- Triển khai các nội dung nhằm bảo đảm an toàn, an ninh mạng trong hoạt động của cơ quan nhà nước; trong đó, tập trung triển khai các giải pháp theo Quyết định số 21/2019/QĐ-UBND ngày 22/10/2019 của UBND tỉnh về việc ban hành Quy chế bảo đảm an toàn thông tin mạng trong hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin của cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh và các quy định khác có liên quan; Bảo đảm kinh phí triển khai thực hiện các nhiệm vụ hàng năm về an toàn thông tin tại Phụ lục 3, Kế hoạch hành động số 313/KH-UBND ngày 08/6/2022 của UBND tỉnh.

- Giám sát, kiểm tra, đánh giá an ninh mạng theo định kỳ đối với các hệ thống CNTT quan trọng của tỉnh.

- Đầu tư trang thiết bị tăng cường bảo đảm an toàn thông tin, trang bị phần mềm bảo mật, diệt virus;

- Triển khai ứng dụng chữ ký số và bảo vệ thông tin bí mật nhà nước;

- Bảo vệ thông tin, các văn bản mật, bí mật nhà nước.

- Thực hiện trình thẩm định, phê duyệt đánh giá về an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ đáp ứng quy định tại Nghị định 85/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ.

III. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

Để thực hiện các kế hoạch trên, đơn vị có các giải pháp sau:

1. Đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức

Đẩy mạnh việc sử dụng các ứng dụng đã triển khai một cách có hiệu quả (hệ thống quản lý văn bản và điều hành, hệ thống thư điện tử, cổng thông tin điện tử, dịch vụ công trực tuyến, báo cáo thống kê, báo cáo ứng dụng thủ tục hành chính...); triển khai hoàn thiện và liên thông hệ thống quản lý văn bản và điều hành giữa các cơ quan nhà nước cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã; bảo đảm về tính pháp lý của văn bản điện tử và chữ ký số trong liên thông hệ thống, loại bỏ hoàn toàn việc trao đổi thông tin, văn bản liên cơ quan bằng văn bản giấy.

Xây dựng và hoàn thiện các văn bản quy định về thúc đẩy ứng dụng CNTT; phối hợp với Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư  tỉnh xây dựng và hoàn thành dự án CNTT: “Số hóa sổ hộ tịch”; Trình các cơ quan có thẩm quyền thực hiện dự án: Nâng cấp Hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu về công chứng, chứng thực trên địa bàn tỉnh”;

 2. Tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng số

- Tạo điều kiện cho cán bộ CNTT tham gia các lớp đào tạo, tập huấn kiến thức về quản lý dự án CNTT, đảm bảo thực hiện tốt công tác  tham mưu, giúp việc về lĩnh vực công tác được giao.

- Tổ chức các buổi tập huấn nghiệp vụ về CNTT cho cán bộ, công chức, viên chức khi có ứng dụng mới cần áp dụng. Thường xuyên bồi dưỡng cho cán bộ, công chức, viên chức liên quan lĩnh vực Tư pháp về các ứng dụng  CNTT và phần mềm mới được triển khai.

- Đào tạo, tập huấn, hướng dẫn, điều chỉnh bổ sung hoặc ban hành các quy định về bảo đảm an toàn thông tin.

 - Xây dựng kế hoạch kinh phí hàng năm đảm bảo bố trí kinh phí triển khai tăng cường CNTT trong phục vụ nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị.

- Chỉ đạo các đơn vị sự nghiệp triển khai ứng dụng CNTT nhằm quản lý tốt nhiệm vụ chuyên môn, khai thác tốt các ứng dụng CNTT vào hoạt động của đơn vị..

3. Chuẩn hóa, tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ

Tập trung rà soát các thủ tục hành chính, quy trình nghiệp vụ; đề xuất theo hướng đơn giản hóa hoặc thay đổi phù hợp để có thể ứng dụng hiệu quả công nghệ số; rà soát, đề xuất loại bỏ một số thủ tục hành chính, quy trình nghiệp vụ khi ứndụng công nghệ số. Tập trung triển khai việc chuẩn hóa quy trình, thủ tục hành chính; áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia ISO 9001:2015.

4. Đo lường, giám sát, đánh giá kết quả triển khai

Tăng cường nghiên cứu, đề xuất việc đánh giá kết quả triển khai chuyển số trong nội bộ cơ quan, lấy việc ứng dụng CNTT và các sáng kiến, áp dụng mới trong việc tuyên truyền, triển khai, khai thác làm cơ sở đánh giá mức độ hoàn thành công việc, tiêu chí thi đua hàng năm.

 5. Tăng cường sự hợp tác giữa cơ quan nhà nước và doanh nghiệp

Tăng cường sự hợp tác giữa cơ quan nhà nước và doanh nghiệp theo hướng: các doanh nghiệp công nghệ số triển khai nghiên cứu, phát triển các sản phẩm, dịch vụ; cơ quan nhà nước trải nghiệm dùng thử, đánh giá sản phẩm.

6. Bảo đảm kinh phí

Hàng năm, ưu tiên nguồn kinh phí để triển khai CNTT, chuyển đổi số; ưu tiên triển khai thuê dịch vụ CNTT đối với các dịch vụ có sẵn trên thị trường. Sử dụng hiệu quả nguồn ngân sách nhà nước từ nguồn ngân sách chi thường xuyên, nguồn phí, lệ phí được trích lại và thực hiện 02 dự án đã nêu bằng nguồn ngân sách nhà nước.

Nguyễn Văn Minh