Kết quả sau 5 năm triển khai thi hành luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh

15/12/2015 10:31 View Count: 4710

Ngay sau khi Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (Luật TNBTCNN) và Nghị định số 16/2010/NĐ-CP ngày 03/3/2010 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật TNBTCNN có hiệu lực, Sở Tư pháp với chức năng là cơ quan tham mưu giúp UBND tỉnh quản lý về công tác bồi thường trên địa bàn đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 08/2010/CT-UBND triển khai thi hành Luật TNBTCNN trên địa bàn tỉnh. Chỉ thị số 08/2010/CT-UBND là cơ sở để các ngành, các cấp trong tỉnh tổ chức triển khai thực hiện việc giải quyết yêu cầu bồi thường thuộc phạm vi các trường hợp được bồi thường theo quy định của Luật TNBTCNN.

 

Về công tác tổ chức bộ máy, biên chế thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác bồi thường

 

Công tác kiện toàn đội ngũ cán bộ làm công tác bồi thường nhà nước trong 05 năm qua đã được quan tâm, hầu hết các cán bộ đảm nhiệm công tác đều có trình độ đại học, một số có trình độ thạc sỹ. Tuy nhiên, các cán bộ đảm nhiệm công tác bồi thường nhà nước đều là kiêm nhiệm, chưa có cán bộ chuyên trách.

 

- Tại cấp tỉnh: UBND tỉnh giao Sở Tư pháp chủ trì tham mưu, giúp UBND tỉnh thực hiện quản lý nhà nước về công tác bồi thường. Sở Tư pháp giao 01 cán bộ tại phòng Hành chính tư pháp thực hiện nhiệm vụ theo dõi, tổng hợp, báo cáo tình hình thực hiện công tác định kỳ 06 tháng và hàng năm.

 

- Tại các Sở, ban, ngành: đảm bảo thực hiện các nhiệm vụ về công tác bồi thường nhà nước được giao, mỗi đơn vị đều đã phân công 01 cán bộ tại đơn vị làm đầu mối tham mưu, theo dõi, báo cáo tình hình thực hiện tại lĩnh vực quản lý.

 

- Tại cấp huyện: UBND huyện giao phòng Tư pháp huyện thực hiện tham mưu, giúp UBND huyện thực hiện nhiệm vụ quản lý lĩnh vực bồi thường nhà nước.

 

Hiện nay, số lượng cán bộ làm nhiệm vụ theo dõi, tổng hợp về công tác bồi thường tại mỗi đơn vị là 01 đồng chí/trên đơn vị. Đa phần cán bộ được giao là cán bộ pháp chế, hoặc có am hiểu về pháp luật tại đơn vị; là điểm thuận lợi về nhân sự. Tuy nhiên, cán bộ làm công tác bồi thường đều là cán bộ kiêm nhiệm, chưa có cán bộ chuyên trách, nên khó tập trung trong việc tham mưu thực hiện công tác bồi thường, phần nào ảnh hưởng đến hiệu quả của hoạt động bồi thường nhà nước.

 

Về công tác phổ biến, giáo dục Luật TNBTCNN

 

Công tác tuyên truyền, phổ biến Luật TNBTCNN và các văn bản hướng dẫn thi hành trên địa bàn tỉnh trong 05 năm qua luôn nhận được sự quan tâm, chú trọng của các các cấp ủy đảng và chính quyền địa phương. Hình thức tuyên truyền phong phú, bao gồm: tổ chức Hội nghị tuyên truyền, buổi nói chuyện chuyên đề, họp giao ban, buổi sinh hoạt tập thể, sinh hoạt nhân dân; và thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, đài phát thanh của các địa phương, bản tin, phát tờ rơi, … Qua đó, việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bồi thường nhà nước được thực hiện liên tục, sâu rộng.

 

Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật đã tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của toàn thể cán bộ, công chức về trách nhiệm đối với thiệt hại do hành vi vi phạm pháp luật gây ra trong khi thi hành công vụ; cũng như các tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện quyền yêu cầu giải quyết bồi thường khi bị thiệt hại.

 

Về công tác bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý nhà nước và nghiệp vụ giải quyết bồi thường

 

Luật TNBTCNN là đạo luật mới, phạm vi điều chỉnh rộng, liên quan đến nhiều lĩnh vực, khía cạnh và tác động mạnh mẽ đến quyền được bình đẳng giữa nhân dân với nhà nước trong các mối quan hệ hành chính. Do vậy, nhằm mục tiêu nắm vững quy định liên quan, Sở Tư pháp luôn quan tâm đến việc nghiên cứu các quy định của pháp luật về bồi thường nhà nước, tham gia đầy đủ các đợt bồi dưỡng nghiệp vụ do Bộ Tư pháp tổ chức. Tại các đơn vị khác trên địa bàn, tùy thuộc và đặc trưng riêng của ngành, công tác bồi dưỡng cán bộ cũng bắt đầu được các ngành quan tâm, như Sở GTVT đã cử một số cán bộ tham gia đợt tập huấn nghiệp vụ, bồi dưỡng kỹ năng giải quyết bồi thường do Bộ GTVT tổ chức nhằm nâng cao trình độ chuyên môn; Sở LĐTB&XH cũng tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ xử lý công việc cho các cán bộ, công chức, viên chức toàn ngành.

 

 Tình hình tuân thủ pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước

 

Công tác triển khai thi hành Luật TNBTCNN và các văn bản hướng dẫn được thực hiện nghiêm túc, kịp thời và đầy đủ, dưới nhiều hình thức khác nhau. Trong thời gian qua, UBND tỉnh luôn quan tâm, chỉ đạo sát sao cũng như giáo dục, quán triệt nâng cao ý thức trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức trong việc thực thi công vụ. Trong 05 năm kể từ ngày Luật TNBTCNN ra đời, trên địa bàn tỉnh không có vụ việc yêu cầu bồi thường do sai phạm trong quá trình thực thi công vụ của cán bộ, công chức nhà nước. Đồng thời, biện pháp tăng cường tuyên truyền rộng rãi pháp luật về bồi thường nhà nước đã tác động tích cực, nâng cao nhận thức của công dân về quyền lợi của bản thân khi tham gia vào các quan hệ hành chính, qua đó, công dân nắm rõ được cách thức bảo vệ quyền lợi của mình.

 

Công tác phối hợp quản lý nhà nước về công tác bồi thường

 

Với vai trò là cơ quan chủ trì, tham mưu triển khai công tác bồi thường nhà nước trên địa bàn, Sở Tư pháp đã phối hợp với các Sở, Ban, Ngành tỉnh và UBND các huyện xây dựng mạng lưới cán bộ công chức làm đầu mối thực hiện công tác bồi thường trên địa bàn tỉnh, đảm bảo sự thuận lợi, thông suốt trong việc triển khai thi hành pháp luật về bồi thường nhà nước.

 

Hạn chế, khó khăn, nguyên nhân và đề xuất kiến nghị

 

Việc triển khai các văn bản về công tác bồi thường chủ yếu dưới hình thức văn bản; việc tổ chức được hội nghị tập huấn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác bồi thường nhà nước gặp khó khăn do thiếu kinh phí.

 

Công tác xây dựng văn bản, kế hoạch hướng dẫn thi hành tại địa phương đa phần còn phụ thuộc vào kế hoạch của Bộ về cả nội dung và thời gian.

 

Do điều kiện hạn chế về số lượng biên chế, đến nay 100% các Sở, ban ngành thuộc tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh chưa bố trí được biên chế chuyên trách làm công tác bồi thường. Các cán bộ, công chức thực hiện công tác bồi thường làm việc theo chế độ kiêm nhiệm. Ngay Sở Tư pháp - cơ quan đầu mối tham mưu giúp UBND tỉnh thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác bồi thường cũng chưa được giao biên chế chuyên trách để thực hiện công tác này.

 

Qua đó, để khắc phục được những khó khăn, hạn chế trên, thiết nghĩ:

 

1. Bộ Tư pháp cần có sự phối hợp với Bộ Nội vụ chỉ đạo việc bố trí biên chế chuyên trách để thực hiện công tác bồi thường tại các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh cũng như tại các huyện, thị xã, thành phố.

 

 2. Sửa đổi, bổ sung một số quy định của Luật TNBTCNN nhằm đổi mới cơ chế bồi thường theo hướng vừa tạo điều kiện thuận lợi cho người dân thực hiện quyền yêu cầu bồi thường, vừa phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của nước ta hiện nay; Đồng thời, do tính chất, đặc thù của công tác bồi thường, nên để đảm bảo được triển khai chất lượng và hiệu quả thì nhiệm vụ quản lý Nhà nước về công tác bồi thường nên giao cho bộ phận Thanh tra Sở Tư pháp thay vì giao cho phòng Hành chính - Tư pháp như hiện nay.

 

3. Thường xuyên tổ chức tập huấn, bồi dưỡng những kỹ năng, kiến thức cần thiết về công tác bồi thường nhà nước để nâng cao nhận thức và nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác bồi thường nhà nước.

 

4. Ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể việc tính toán, xác định nhu cầu kinh phí và lập dự toán ngân sách cho công tác bồi thường nhà nước. Trên cơ sở đó tạo thống nhất với cơ quan tài chính về vấn đề dự trù kinh phí, lập dự toán ngân sách cho công tác bồi thường nhà nước theo nhu cầu và tình hình thực tế tại địa phương.

 

Những kết quả đạt được qua 5 năm triển khai thi hành Luật TNBTCNN đã khẳng định chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước trong việc thiết lập cơ chế bồi thường đặc thù, góp phần tạo môi trường hành chính minh bạch, bình đẳng, tạo niềm tin của người dân đối với Đảng, Nhà nước.

Dương Hằng