Hội nghị triển khai công tác Tư pháp năm 2020

25/12/2019 14:34 View Count: 244
Sáng nay – 24/12, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã dự và chủ trì Hội nghị toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2020. Tại điểm cầu Bắc Ninh, Đồng chí Nguyễn Tiến Nhường - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh tham dự hội nghị.
Cùng dự Hội nghị còn có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê Minh Hưng, Phó Tổng tham mưu trưởng QĐND Việt Nam – Thượng tướng Nguyễn Phương Nam, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng và lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương.
Chủ trì các điểm cầu có Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bắc Kạn Nguyễn Văn Du và các đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Về phía Bộ Tư pháp có Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bộ trưởng Lê Thành Long, các Thứ trưởng: Nguyễn Khánh Ngọc, Phan Chí Hiếu, Đặng Hoàng Oanh cùng lãnh đạo cấp Vụ các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Công tác tư pháp đạt nhiều kết quả, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước
Theo Báo cáo tổng kết công tác Tư pháp năm 2019, Bộ, ngành Tư pháp đã chủ động, khẩn trương xác định các nhiệm vụ công tác trọng tâm và xây dựng, ban hành sớm Chương trình hành động, kế hoạch của Bộ, Ngành thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP và Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ để triển khai toàn diện các lĩnh vực công tác.
Công tác chỉ đạo điều hành của toàn Ngành được thực hiện quyết liệt, thống nhất, bám sát các Nghị quyết, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và nhiệm vụ chính trị của từng địa phương. Đã hoàn thành và bảo đảm chất lượng, tiến độ các nhiệm vụ theo chương trình, kế hoạch đã đề ra từ đầu năm và nhiều nhiệm vụ đột xuất, phát sinh trong năm.
Việc tổ chức tổng kết, đánh giá thực hiện các Nghị quyết của Bộ Chính trị, Chỉ thị của Ban Bí thư (Nghị quyết số 48-NQ/TW, Nghị quyết số 49-NQ/TW, Chỉ thị số 32-CT/TW, Chỉ thị số 33-CT/TW, Chỉ thị số 39-CT/TW), sơ kết thi hành Hiến pháp năm 2013 được thực hiện khẩn trương, đồng bộ.
Công tác cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong Ngành được đẩy mạnh, Chỉ số xếp hạng về cải cách hành chính của Bộ tiếp tục được cải thiện, Chỉ số chi phí tuân thủ pháp luật vượt chỉ tiêu do Chính phủ giao. Chất lượng hồ sơ các đề nghị xây dựng, dự án, dự thảo VBQPPL tiếp tục được cải thiện; công tác thẩm định VBQPPL ngày càng đi vào chiều sâu; công tác THADS đạt kết quả cao nhất từ trước đến nay; xuất hiện nhiều mô hình hay, hiệu quả, nhất là ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL; giải quyết được số lượng lớn yêu cầu của người dân, doanh nghiệp trong lĩnh vực hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp, nhất là trong cấp phiếu LLTP, chứng thực, công chứng, đăng ký giao dịch bảo đảm; công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và đào tạo học sinh, sinh viên, học viên tại các cơ sở đào tạo của Bộ tiếp tục đạt nhiều kết quả cao; tổ chức thành công Hội thảo Quốc gia về "Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và những vấn đề pháp lý đặt ra cho việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam"; bảo vệ thành công Báo cáo Quốc gia thực hiện Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị; các lĩnh vực công việc khác cũng được triển khai hiệu quả, bám sát chương trình, kế hoạch đã đề ra. Những kết quả đó tiếp tục đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, của từng địa phương.
Bên cạnh các kết quả nêu trên, công tác tư pháp, pháp chế vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, như: Việc bảo đảm tính thống nhất và đồng bộ của hệ thống pháp luật tiếp tục là thách thức lớn; việc gửi hồ sơ các dự án luật đến Chính phủ, Quốc hội còn chậm so với yêu cầu; tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết chưa được khắc phục triệt để. Trong THADS, theo dõi THAHC, còn có một số vi phạm của Chấp hành viên, công chức thi hành án trong thực hiện trình tự, thủ tục thi hành án; vẫn còn nhiều cơ quan, cá nhân chưa chấp hành nghiêm các bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực về vụ việc hành chính. Việc giải quyết thủ tục hành chính trong công tác hộ tịch, chứng thực, công chứng vẫn còn có sai sót, tiêu cực; còn xảy ra tình trạng chậm trễ trong cấp phiếu LLTP cho người dân; hoạt động của các trường trung cấp luật tiếp tục gặp nhiều khó khăn.
Năm 2020, ngành Tư pháp tập trung 04 phương hướng, 09 nhiệm vụ trọng tâm
Theo đó, ngành Tư pháp sẽ tập trung vào 4 phương hướng sau: Bám sát các chủ trương của Đảng, các nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của Bộ, ngành Tư pháp; Tập trung rà soát, xác định những quy định pháp luật chồng chéo, mâu thuẫn, không còn phù hợp, cản trở sự phát triển của đất nước để sửa đổi hoặc đề xuất sửa đổi kịp thời; Tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong các lĩnh vực thuộc chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan tư pháp và pháp chế; Tiếp tục kiện toàn, sắp xếp lại bộ máy cơ quan tư pháp các cấp theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Để công tác tư pháp năm 2020 đạt hiệu quả cao hơn, ngành Tư pháp tập trung vào 09 nhiệm vụ trọng tâm sau:
Tham mưu giúp Chính phủ, chính quyền địa phương hoàn thiện hệ thống pháp luật gắn với tổ chức thi hành pháp luật, bảo đảm thực hiện chủ trương của Đảng về chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật trong giai đoạn mới; Nâng cao chất lượng thẩm định, góp ý các đề nghị xây dựng, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; Chú trọng công tác kiểm tra, xử lý văn bản theo thẩm quyền, nhất là những văn bản có tác động lớn đến người dân và doanh nghiệp; Rà soát, hoàn thiện thể chế pháp luật liên quan đến THADS, thi hành án hành chính; nâng tỷ lệ THADS xong trên tổng số án có điều kiện thi hành năm sau cao hơn năm trước; Tăng cường quản lý nhà nước trong các lĩnh vực hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, nuôi con nuôi, lý lịch tư pháp, đăng ký giao dịch bảo đảm, bồi thường nhà nước và bổ trợ tư pháp; Triển khai thực hiện tốt chỉ đạo của Ban Bí thư đối với kết quả tổng kết Chỉ thị số 32-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của cán bộ, nhân dân; Tham mưu giúp Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương xử lý các vấn đề pháp lý phát sinh trong quá trình hội nhập quốc tế; chú trọng phòng ngừa các tranh chấp quốc tế; Thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phòng, chống tham nhũng. Tập trung ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác chỉ đạo, điều hành của Bộ và các đơn vị thuộc Bộ, nhất là việc thực hiện gửi, nhận văn bản điện tử; Hoàn thành việc xây dựng Kiến trúc Chính phủ điện tử của Bộ Tư pháp Phiên bản 2.0. Xây dựng, nâng cấp, triển khai và duy trì các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu và phần mềm ứng dụng; ưu tiên tập trung nguồn lực triển khai các nhiệm vụ trọng tâm của Bộ, Ngành. Nâng cao năng lực, tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ của cán bộ các cơ quan tư pháp các cấp trong tham mưu giải quyết các vấn đề pháp chế và tư pháp; Rà soát, đánh giá lại công tác đào tạo luật các cấp và đào tạo các chức danh tư pháp tại các cơ sở đào tạo của ngành Tư pháp; đề xuất giải pháp để tiếp tục triển khai hiệu quả Đề án tổng thể “Xây dựng Trường Đại học Luật Hà Nội và Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh thành các trường trọng điểm về đào tạo cán bộ pháp luật” và Đề án "Xây dựng Học viện Tư pháp thành trung tâm lớn đào tạo các chức danh Tư pháp".
Bộ Tư pháp tiếp tục thực hiện vai trò “gác gôn” để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật
 Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nhấn mạnh, năm 2019, với những cố gắng bền bỉ, kiên trì, thầm lặng của Bộ, ngành Tư pháp đã góp phần quan trọng vào quá trình hình thành, củng cố, hoàn thiện những nền tảng chính trị-pháp lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Đặc biệt, Bộ Tư pháp đã khẳng định được vị trí, vai trò ngày càng quan trọng của mình trong công tác tham mưu cho Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, quy định của Hiến pháp năm 2013. Điểm lại một số kết quả nổi bật, Phó Thủ tướng Thường trực nhấn mạnh, Bộ Tư pháp và các cơ quan tư pháp đã tham gia xây dựng, thẩm định, giúp Chính phủ, trình Quốc hội thông qua, cho ý kiến gần 30 dự án luật, nghị quyết.  Bộ Tư pháp đã nỗ lực tham mưu Chính phủ thực hiện các giải pháp hiệu quả nâng xếp hạng chỉ số Chi phí tuân thủ pháp luật được nâng lên 17 bậc so với năm 2018 góp phần nâng cao tính hấp dẫn của môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019.
Nhất trí về dự kiến phương hướng, nhiệm vụ công tác Tư pháp năm 2020, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đề nghị Bộ, ngành Tư pháp tập trung chỉ đạo, lãnh đạo thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau:
Tiếp tục làm tốt hơn vai trò của mình trong thể chế hóa chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng thành quy định pháp luật; Bộ Tư pháp cần chủ động tham gia và tích cực đóng góp vào việc định hình “luật chơi” tại các thể chế pháp lý quốc tế đa phương, làm tốt vai trò “gác gôn” để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật;
Tiếp tục hoàn thiện thể chế, đổi mới phương thức thi hành án dân sự, thi hành án hành chính, tạo chuyển biến cơ bản, bền vững về mọi mặt trong tổ chức, hoạt động thi hành án dân sự, thi hành án hành chính trong đó cần tập trung chỉ đạo ra quyết định thi hành án đúng quy định của pháp luật 100% đối với các bản án, quyết định về dân sự đã có hiệu lực.
Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp, chú trọng cải cách thủ tục hành chính và chất lượng các dịch vụ công trong lĩnh vực này;
Bộ Tư pháp tiếp tục tập trung nguồn lực, trí tuệ giúp Chính phủ xử lý tốt các vấn đề pháp lý quốc tế;
Chú trọng hơn nữa công tác tổ chức, xây dựng Ngành, đào tạo cán bộ trước yêu cầu phát triển mới của đất nước;
Phó Thủ tướng Thường trực còn nhấn mạnh đến việc chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành cũng như trong thực hiện nhiệm vụ để nâng cao hiệu suất lao động và hiệu quả công việc;
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng Thường trực cũng đề nghị các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục quan tâm hơn nữa đối với công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, tổ chức thi hành pháp luật;
Với sự nỗ lực, quyết tâm chính trị cùng với truyền thống vẻ vang của Ngành Tư pháp, Phó Thủ tướng Thường trực tin tưởng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Tư pháp sẽ hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Nhân dân giao phó.  
 
 
Thay mặt lãnh đạo Bộ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long hứa sẽ tiếp thu đầy đủ ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình và sẽ phối hợp cùng các Bộ, ngành nghiên cứu, tham mưu các giải pháp tổng thể trong thời gian tới để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị được giao, góp phần tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế của đất nước. Cảm ơn sự quan tâm, chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, Bộ trưởng Lê Thành Long cũng cảm ơn sự phối kết hợp chặt chẽ của các Bộ, ngành Trung ương, cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc triển khai nhiệm vụ tư pháp.
Nguyễn Văn Minh