Bảo đảm kịp thời quy định chi tiết Luật Đấu giá tài sản
Sáng 9/3, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng đã chủ trì cuộc họp đầu tiên của Ban soạn thảo, Tổ biên tập Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Đấu giá tài sản. Theo đó, Thứ trưởng yêu cầu phải nghiêm túc bảo đảm ban hành đúng thời hạn Nghị định này cùng thời điểm có hiệu lực thi hành của Luật (ngày 1/7/2017).
Quan trọng là chứng chỉ hành nghề đấu giá
Báo cáo về Dự thảo Nghị định, Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp Nguyễn Thị Mai cho biết, Bộ Tư pháp được phân công chủ trì quy định chi tiết việc cấp, thu hồi thẻ đấu giá viên (khoản 3 Điều 14); hình thức đấu giá trực tuyến (khoản 4 Điều 40); việc đăng ký hoạt động đối với doanh nghiệp đấu giá tài sản thành lập trước ngày Luật có hiệu lực thi hành (khoản 2 Điều 80).
Nói về việc cấp, thu hồi thẻ đấu giá viên, bà Mai cho biết khoản 3 Điều 14 Luật Đấu giá tài sản quy định người có chứng chỉ hành nghề đấu giá thì được Sở Tư pháp cấp thẻ đấu giá viên theo đề nghị của tổ chức đấu giá tài sản nơi người đó hành nghề. Thẻ đấu giá viên bị thu hồi khi người đó bị thu hồi chứng chỉ hành nghề đấu giá.
Nhằm quy định chi tiết nội dung này của Luật, Dự thảo Nghị định quy định những loại giấy tờ thiết yếu đối với người được cấp thẻ theo chủ trương đơn giản hóa thủ tục cấp thẻ, đáp ứng yêu cầu cải cách thủ tục hành chính. Cụ thể bao gồm giấy đề nghị cấp thẻ đấu giá viên, bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm bản chính để đối chiếu chứng chỉ hành nghề đấu giá của các đấu giá viên được cấp thẻ. Dự thảo Nghị định quy định đấu giá viên chỉ được điều hành cuộc đấu giá sau khi được Sở Tư pháp cấp thẻ…
Các thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập cơ bản đồng tình với Dự thảo Nghị định nhưng đề nghị cần phân biệt rõ trường hợp cấp đổi, cấp lại thẻ phải đơn giản hơn so với trường hợp được cấp thẻ lần đầu. Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) Vũ Ngọc Lan lý giải, điều quan trọng là chứng chỉ hành nghề đấu giá chứ không phải là thẻ đấu giá viên. Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ Thông tin và Truyền thông) Phan Thị Phương Nhung lập luận bổ sung, trường hợp đấu giá viên chỉ đổi chỗ làm cũng bắt họ đổi thẻ là rất phức tạp, không thuận lợi cho người lao động.
Quyền Cục trưởng Cục Kinh tế và phát triển quỹ đất (Tổng cục Quản lý đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường) Đoàn Ngọc Phương đề nghị, nên tiếp tục mạnh dạn nghiên cứu đổi mới phương thức cấp, thu hồi thẻ đấu giá viên qua môi trường mạng. Khẳng định thẻ đấu giá viên gắn với cá nhân hành nghề đấu giá, ông Phương cũng nêu thêm tình huống khác với bà Nhung là nếu tổ chức đấu giá tài sản có sự thay đổi thì sao.
Ngoài ra, theo ông Phương, trường hợp bị thu hồi thẻ nhưng Dự thảo Nghị định cho phép trong vòng 15 ngày mà không may khoảng thời gian này đấu giá viên vẫn hoạt động sẽ phát sinh hệ quả pháp lý nào và cần phải xử lý ra sao. “Thực tiễn xử lý với giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất chẳng hạn, rất khó thu hồi, vậy nên chăng thẻ đấu giá viên mà hết hiệu lực sẽ có quyết định thông báo hủy thẻ” – ông Phương gợi ý.
Hướng dẫn chuyển đổi hoạt động đấu giá tài sản
Cũng theo bà Mai, để đảm bảo việc doanh nghiệp đấu giá tài sản được thành lập, đăng ký tại Sở Kế hoạch và Đầu tư theo quy định của Nghị định số 17/2010/NĐ-CP thực hiện việc chuyển đổi đăng ký hoạt động tại Sở Tư pháp theo quy định của Luật Đấu giá tài sản một cách thuận lợi, đơn giản thủ tục hành chính và hoạt động đấu giá của doanh nghiệp được ổn định, liên tục, Dự thảo Nghị định quy định việc đăng ký hoạt động của doanh nghiệp đấu giá tài sản thành lập trước ngày Luật có hiệu lực.
Trường hợp doanh nghiệp chuyển đổi toàn bộ hoạt động của doanh nghiệp thành doanh nghiệp đấu giá tài sản thì sau khi doanh nghiệp đấu giá tài sản được Sở Tư pháp cấp giấy đăng ký hoạt động, doanh nghiệp được chuyển đổi thực hiện thủ tục chấm dứt hoạt động theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp. Trường hợp doanh nghiệp chỉ chuyển đổi lĩnh vực hoạt động đấu giá tài sản thì sau khi doanh nghiệp đấu giá tài sản mới được Sở Tư pháp cấp giấy đăng ký hoạt động, doanh nghiệp bị chuyển đổi hoạt động đấu giá tài sản không được thực hiện hoạt động đấu giá tài sản.
Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, dường như Dự thảo Nghị định sử dụng giấy đăng ký hoạt động nêu trên như một giấy chứng nhận thành lập doanh nghiệp. Vị đại diện này nhấn mạnh phải thay đổi cách tư duy đó thì mới đảm bảo cho doanh nghiệp hoạt động liên tục, ổn định khi Luật có hiệu lực thi hành.
Lắng nghe các thành viên góp ý, Thứ trưởng Trần Tiến Dũng đề nghị thường trực Tổ biên tập tiếp thu và nhấn mạnh cần soạn thảo để Nghị định có hiệu lực đúng thời điểm với hiệu lực thi hành của Luật. Thứ trưởng cũng nhất trí với một số ý kiến liên quan đến việc nghiên cứu quy định về hủy kết quả đấu giá tài sản, mối quan hệ giữa hủy kết quả đấu giá với hủy hợp đồng đã được công chứng… Đối với việc chuyển đổi hoạt động của doanh nghiệp đấu giá tài sản, Thứ trưởng chỉ đạo, trên cơ sở tham khảo Luật Doanh nghiệp, Dự thảo Nghị định phải quy định rõ ràng thủ tục, các thành phần hồ sơ giấy tờ…